Đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội (*)

Thứ Ba, 28/06/2022, 17:49 [GMT+7]
In bài này
.

(Trích phát biểu của Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Văn Ba tại Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW)

Đào tạo theo nhu cầu thị trường, đào tạo tại chỗ, gắn với đẩy mạnh liên danh, liên kết, thu hút đầu tư các trường ĐH, CĐ, các phân hiệu đào tạo có uy tín trong và ngoài nước tại tỉnh, đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu của học sinh, sinh viên trong và ngoài tỉnh. Đó chính là đào tạo theo nhu cầu xã hội.

Đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội là trách nhiệm, quyết định sự tồn tại và phát triển của các trường ĐH, CĐ, TC (cơ sở đào tạo). Đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội là đào tạo đủ về số lượng, cơ cấu ngành nghề phù hợp, với chất lượng ngày càng nâng cao.

Trong những năm qua, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học của tỉnh đã đạt được một số kết quả nổi bật. Về cơ sở vật chất, tất cả các trường đều được nâng cấp khang trang hoặc xây mới đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu học tập. Về đội ngũ, số lượng GS, PGS, TS và ThS đều tăng vượt trội so với năm 2005. Nếu vào năm 2005, tổng số cán bộ, viên chức và nhân viên của trường CĐSP có 1 tiến sĩ, 40 thạc sĩ, chưa có giảng viên chính thì đến năm 2020, nhà trường đã có 14 tiến sĩ, 68 thạc sĩ và số giảng viên chính là 26.

Về các ngành nghề đào tạo, các trường đều tăng mạnh số ngành nghề đào tạo so với trước đây. Đặc biệt là Trường Đại học BR-VT (có 60 ngành, chuyên ngành trình độ ĐH) và Trường CĐSP BR-VT (có 37 ngành, chuyên ngành trình độ CĐ và trung cấp).

Trong lĩnh vực đào tạo GV, Trường CĐSP đã được đầu tư, củng cố và phát triển cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ, chương trình đào tạo. Từ năm 2005 đến 2020, nhà trường đã đào tạo được hơn 20 ngàn GV MN, TH và THCS; bồi dưỡng hàng vạn GV các cấp; đã và đang từng bước khẳng định được vị trí, vai trò là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng GV, cán bộ quản lý và nhân viên ngành giáo dục tỉnh; trở thành một địa chỉ đào tạo có thương hiệu, được xã hội ghi nhận, người học tin tưởng và trân trọng. Nhà trường đã liên kết, hợp tác với nhiều trường ĐH đào tạo nâng chuẩn trình độ GV các cấp; chủ động hợp tác với một số trường ĐH ngoài nước để trao đổi giảng viên, SV nhằm hội nhập và nâng cao chất lượng đào tạo.

Đội ngũ GV MN, phổ thông đã được phát triển cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu; đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông.

Trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực khác đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, các trường ĐH BR-VT, ĐH Dầu khí, cao đẳng nghề trong tỉnh đã tích cực, chủ động, sáng tạo trong việc gắn đào tạo với thị trường lao động, mở thêm nhiều ngành đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực trên các lĩnh vực công nghiệp dầu khí, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng; mở các ngành đào tạo sau đại học đáp ứng nhu cầu người học.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả, nhưng lĩnh vực đào tạo cũng còn một số tồn tại như: Chưa thu hút được nhiều người tài về công tác tại tỉnh. Nguyên nhân là tỉnh chưa có chế độ đãi ngộ tương xứng cho giảng viên nhất là giảng viên có học vị tiến sĩ.

Quy mô tuyển sinh đào tạo của các trường chưa tương xứng với năng lực của hệ thống giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường. Nguyên nhân là do trong nước có nhiều trường ĐH và tâm lý thích đi học ĐH ở các thành phố lớn, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh.

Chất lượng, hiệu quả đào tạo của một số ngành mặc dù đã cải thiện, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, chưa gắn bó hữu cơ với nhu cầu nhân lực của từng ngành, lĩnh vực cụ thể và yêu cầu của đổi mới cơ cấu kinh tế - xã hội. Nguyên nhân là việc đổi mới chương trình đào tạo chưa thường xuyên và nhất là việc gắn kết với cơ quan, DN trong quá trình đào tạo vẫn còn nhiều hạn chế.

Kết cấu hạ tầng cho các trường ĐH, CĐ chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Nguyên nhân là công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo, hệ thống hạ tầng giáo dục, đào tạo còn chậm.

Mặc dù trong 15 năm qua, tỉnh nhà đã đạt được nhiều kết quả vượt trội về giáo dục và đào tạo từ cấp học giáo dục MN đến giáo dục ĐH, đã khẳng định được vị thế trong khu vực và trong cả nước. Tuy nhiên, các kết quả đó vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh. Do vậy, trong giai đoạn tiếp theo, Sở GD-ĐT đề xuất một số giải pháp sau:

Một là, ngoài việc tiếp tục nâng cao về mọi mặt cho cấp học giáo dục MN và giáo dục phổ thông thì tỉnh phải có đột phá trong việc đầu tư và quy hoạch lại hệ thống các cơ sở đào tạo trong tỉnh, cụ thể là tiếp tục đầu tư cho các trường TC và CĐ để đào tạo nghề đối với HS đáp ứng nhu cầu học nghề phù hợp với định hướng phân luồng nghề sau THCS và sau THPT trên địa bàn tỉnh.

Hai là, xây dựng kế hoạch liên danh, liên kết, thu hút đầu tư các trường ĐH, CĐ, phân hiệu đào tạo có uy tín trong và ngoài nước tại tỉnh, đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu của HS, SV.

Ba là, các cơ sở đào tạo, nhất là các trường ĐH tăng cường công tác kiểm định chất lượng chương trình đào tạo để liên kết, thu hút SV trong và ngoài nước đến học tập tại tỉnh.

Bốn là, củng cố, phát triển mạng lưới các trường ĐH, CĐ đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, trong đó chú trọng liên kết đào tạo trong và ngoài nước đáp ứng nhanh nhu cầu lao động cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhu cầu học tập suốt đời của mọi người dân; là tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW của Trung ương và Kết luận số 27-KL/TW của Bộ Chính trị.

Tham quan, trải nghiệm tại Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ BR-VT.
Tham quan, trải nghiệm tại Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ BR-VT.

(* Tiêu đề do Tòa soạn đặt)

;
.