"CỔ TÍCH YÊU THƯƠNG" CHO TRẺ BỊ BỎ RƠI

Kỳ 2: Nỗ lực để trẻ được phát triển toàn diện

Thứ Hai, 27/06/2022, 19:02 [GMT+7]
In bài này
.

Những cơ sở bảo trợ xã hội (BTXH) đã nỗ lực hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần để tạo điều kiện cho những trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi được sống trong môi trường an toàn, tràn đầy tình yêu thương và được phát triển toàn diện.

Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tặng quà cho trẻ mồ côi tại Mái ấm Hồng Quang (thôn Phước Tấn, xã Tân Hòa, TX. Phú Mỹ) nhân Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 và Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6.
Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tặng quà cho trẻ mồ côi tại Mái ấm Hồng Quang (thôn Phước Tấn, xã Tân Hòa, TX. Phú Mỹ) nhân Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 và Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6.

Làm giấy khai sinh, cho trẻ đến trường

Mái ấm Hồng Quang (thuộc chùa Hồng Quang, thôn Phước Tấn, xã Tân Hòa, TX. Phú Mỹ được thành lập từ năm 2005, bắt nguồn từ việc nhà chùa nhận được vài trẻ bị bỏ rơi trước cổng. Hiện có 51 trẻ bị bỏ rơi, 21 trẻ mồ côi được Đại đức Thích Thiện Thông, Trụ trì chùa Hồng Quang cưu mang, nuôi dưỡng. Các trẻ này được Đại đức Thích Thiện Thông làm giấy khai sinh, nhập hộ khẩu hoặc đăng ký tạm trú, cho học tại các trường công.

“Nhà chùa tự cung, tự cấp để nuôi trẻ. Ngoài ra, có nhiều nhà hảo tâm, các tổ chức thường xuyên hỗ trợ để chăm lo cho các trẻ tốt hơn. Để các cháu phát triển khỏe mạnh, chúng tôi cho trẻ ăn các món mặn. Đồng thời, chúng tôi làm các thủ tục để các em được hưởng các chế độ trợ cấp xã hội, được miễn, giảm học phí”, Đại đức Thích Thiện Thông thông tin.

Mái ấm Hồng Quang là “ngôi nhà hạnh phúc” đúng nghĩa với nhiều trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi. 4 năm trước, sau khi cha mất, cuộc sống gia đình khó khăn nên mẹ dắt em Phan Như Khánh (khi ấy 10 tuổi) cùng 2 em từ Quảng Bình vào xin nương tựa tại chùa Hồng Quang. Tại đây, chị Phan Thị Mỹ Thoa, mẹ Khánh được Đại đức Thích Thiện Thông bố trí nơi ăn, chốn ở, giao việc nấu ăn và hỗ trợ chăm sóc các trẻ trong chùa. 3 con của chị cũng được chăm sóc, nuôi dưỡng chu đáo, được hỗ trợ các thủ tục để theo học ở trường công tại địa phương.

“Ở đây em rất vui vì có đông bạn bè, được ăn uống đầy đủ, được đến trường. Em vừa học xong lớp 8 tại Trường THCS Hùng Vương, xã Tân Hòa và đạt HS khá”, Khánh vui vẻ cho biết.

Tại Cơ sở bảo trợ trẻ mồ côi Hồng Ân (thôn Bình Sơn, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức), hiện có 24 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là mồ côi, bị cha mẹ bỏ rơi, cha mẹ đi tù vì vi phạm pháp luật được cưu mang.

“Nhiều người mẹ trẻ nhất quyết đòi bỏ con khi còn trong trứng nước vì lầm lỡ với người đã có gia đình. Thậm chí, có những trường hợp 2 người đã có gia đình riêng lỡ có con với nhau nhưng không ai đủ can đảm để nhận nuôi nên người mẹ muốn phá thai. Chúng tôi tìm cách khuyên can, thuyết phục, các mẹ giữ lại thai nhi. Khi trẻ sinh ra, chúng tôi dang rộng vòng tay đón những sinh linh đáng thương này với tất cả tình yêu thương. Các trẻ đều được làm giấy khai sinh, cho đi học trường công”, sơ Trần Thi Quang, Phó Giám đốc Cơ sở bảo trợ trẻ mồ côi Hồng Ân cho biết.

Chung tay giúp trẻ phát triển

Trung tâm Công tác xã hội và bảo trợ trẻ em tỉnh (đường Ngô Quyền, TP. Vũng Tàu) hiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục 96 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có 48 trẻ mồ côi, bị bỏ rơi, không nơi nương tựa. Hiện có 71 em của Trung tâm tham gia học văn hóa, học nghề. Trong đó, có 1 em học ĐH, 4 em học CĐ, 3 em học TC, 1 em học nghề may.

Thực hiện công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, BR-VT trợ cấp thường xuyên cho 237 em mồ côi không nơi nương tựa tại cộng đồng với mức trợ cấp từ 800 - hơn 1,1 triệu đồng/em/tháng. Ngoài ra, có 106 trẻ em mồ côi, khuyết tật, nhiễm HIV/AIDS được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội công lập được hỗ trợ từ gần 1,3-1,6 triệu đồng/em/tháng; hỗ trợ chế độ tiền ăn ngày lễ, tết, hoặc khi các em ốm đau từ từ 130-266 ngàn đồng/ngày; trợ cấp tiền tư trang 1 triệu đồng/năm/em.
Chung tay với nhà nước chăm lo cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, có 28 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập trên địa bàn tỉnh nuôi dưỡng hơn 700 trẻ có khuyết tật, mồ côi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bằng nguồn kinh phí tự vận động của các cơ sở.

Ngoài ra, Trung tâm còn tổ chức dạy văn hóa cho trẻ không theo học tại các trường công thuộc khối cấp 1, 2 tại Trung tâm; dạy kỹ năng sống; tập vật lí trị liệu cho trẻ bị khuyết tật; tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao phục vụ nhu cầu vui chơi của trẻ… để trẻ được phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần.

“Trung tâm luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của chính quyền các cấp, các tổ chức, hội đoàn thể, nhà hảo tâm thường xuyên đến thăm hỏi, giao lưu, hỗ trợ cho các trẻ. Các em đang được chăm sóc, nuôi dưỡng và phát triển trong sự chung tay của toàn xã hội”, ông Nguyễn Văn Phiệt, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội và bảo trợ trẻ em tỉnh cho biết.

Theo bà Đinh Thị Trúc My, Phó Giám đốc Sở LĐTXH tỉnh, nhờ có các cơ sở bảo trợ trẻ em mà hàng trăm trẻ có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi được chăm sóc, nuôi dưỡng chu đáo.

Đặc biệt, các cơ sở bảo trợ trẻ em ngoài công lập đã cố gắng xây dựng cơ sở vật chất, kết nối với chính quyền địa phương và các DN, nhà hảo tâm để có thêm nguồn lực chăm sóc trẻ ngày một tốt hơn. Các em được tạo điều kiện đến trường, được hỗ trợ khám sức khỏe, dạy kỹ năng sống để phát triển bình thường.

Bài, ảnh: THI PHONG

;
.