Cần thiết kế thể chế liên kết vùng phù hợp(*)

Thứ Năm, 23/06/2022, 19:31 [GMT+7]
In bài này
.

Tỉnh ủy vừa tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW, ngày 29/8/2005 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Kết luận số 27-KL/TW, ngày 2/8/2012 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 53 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Báo Bà Rịa - Vũng Tàu xin giới thiệu một số tham luận của các đại biểu tại Hội nghị. Trong số báo hôm nay, Báo Bà Rịa-Vũng Tàu trân trọng giới thiệu bài tham luận của ông Mai Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh liên quan đến giải pháp về thể chế liên kết vùng nhằm tháo gỡ điểm nghẽn đối với liên kết vùng.

Từ năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2059/QĐ-TTg thành lập Ban chỉ đạo và Hội đồng vùng. Đây là một sự nỗ lực của Chính phủ nhằm giải quyết bài toán liên kết vùng vốn đã đặt ra từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, qua tổng kết có thể rút ra một số tồn tại chủ yếu về thể chế trong liên kết vùng như sau:

Thứ nhất, các quy định về liên kết bắt buộc còn chung chung, nên khó triển khai áp dụng và chưa có chế tài đủ mạnh để ràng buộc trong liên kết vùng. Chất lượng liên kết, hay mức độ triển khai các hoạt động liên kết theo các Biên bản hay Thỏa thuận hợp tác chưa như kỳ vọng. Các văn bản hợp tác mới chỉ mang tính chất đồng thuận về nguyên tắc, còn việc triển khai cụ thể chưa được quan tâm đúng mức. 

Phần lớn hoạt động liên kết trong vùng dừng lại ở việc tham quan, học tập kinh nghiệm, hội thảo, chưa phát triển thành các hoạt động liên kết thực tế, mang tính chiều sâu và toàn diện. Liên kết giữa các địa phương chưa dựa trên sự chuyên môn hóa hay phân công lao động theo chuỗi giá trị, hay phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ. Liên kết mang tính lâu dài, chiến lược như: phát triển mạng lưới khu công nghiệp, thu hút và quản lý đầu tư, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao… vẫn chưa được chú trọng. Các hoạt động liên kết mang tính chất bắt buộc khác như: huy động vốn và xây dựng hệ thống giao thông kết nối, cung cấp hệ thống thông tin vùng chưa được tập trung triển khai tích cực. Đặc biệt, Hội đồng Vùng không có thẩm quyền huy động và sử dụng nguồn lực nhằm thực hiện các chương trình, dự án của Vùng.

Thứ hai, thiếu bộ máy cấp vùng để thực thi, giám sát và điều phối việc thực hiện các văn bản, chính sách vùng do phân cấp hành chính ở nước ta không có cấp vùng, do đó không thể theo dõi, đánh giá việc thực thi tính pháp lý của quy hoạch tổng thể, kế hoạch phát triển, và các quy hoạch ngành, lĩnh vực cấp vùng. 

Thứ ba, một bất cập đối với vấn đề liên kết vùng là tình trạng thiếu cơ sở dữ liệu theo vùng. Do cấp vùng không phải cấp quản lý hành chính nên hệ thống thống kê không có số liệu theo vùng, ảnh hưởng đến chất lượng công tác đánh giá, giám sát, dự báo và lập quy hoạch, kế hoạch theo vùng. Công tác điều tra cơ bản chưa được thực hiện đầy đủ; dữ liệu còn phân tán, các cơ sở dữ liệu thành phần chưa được tích hợp vào hệ thống.

Đông Nam Bộ là vùng đứng đầu cả nước về quy mô GRDP và thu ngân sách nhà nước, song thời gian gần đây tốc độ phát triển của các địa phương trong vùng đã có dấu hiệu chậm lại. Từ đó vai trò dẫn dắt tăng trưởng của vùng đang suy giảm so với chính mình và so với các vùng khác. 

Để các địa phương trong vùng tiếp tục duy trì được động lực phát triển, đóng góp vào sự phát triển chung của quốc gia; nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của BCH Trung ương về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; sau khi tổng kết Nghị quyết số 53 và Kết luận số 27, xin kiến nghị Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh Vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Trong đó xin đề xuất nhiệm vụ, giải pháp liên quan đến thể chế vùng như sau:

Trước hết, về nhận thức: Thể chế liên kết vùng có vai trò rất quan trọng, giúp chính quyền các cấp huy động được nguồn lực ở mức cao nhất, đồng thời góp phần vào sử dụng hiệu quả nguồn lực đó, từ đó thúc đẩy phát triển Vùng toàn diện và bền vững. Thể chế liên kết vùng là tổng thể bộ quy tắc và hệ thống các chủ thể có liên quan, tham gia vào liên kết vùng. Do đó, cần cụ thể: các nội dung liên quan đến hình thức liên kết; nội dung liên kết; cơ cấu tổ chức điều phối; quy chế hoạt động của tổ chức điều phối vùng; quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên tham gia liên kết; cơ chế phân chia và xác định lợi ích hay rủi ro giữa các bên tham gia; trình tự và thủ tục thực hiện liên kết… 

Xuất phát từ nhận thức trên, xin đề xuất 2 nhiệm vụ, giải pháp về thể chế liên kết Vùng:

Thứ nhất, thể chế hoá mô hình tổ chức liên kết vùng nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý thực hiện quản lý nhà nước về: phát triển vùng, điều tiết các nhu cầu cấp vùng, thống nhất và tổ chức thực hiện tốt các quy hoạch vùng; các hoạt động phối hợp, liên kết giữa các địa phương trong vùng về xúc tiến đầu tư, đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng, phân bổ nguồn lực phù hợp để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, tránh tình trạng cạnh tranh nội vùng, gây lãng phí tiềm năng và giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực thậm chí triệt tiêu động lực phát triển.

Thứ hai, đẩy mạnh phân cấp cho các địa phương trong Vùng Đông Nam Bộ quyết định chủ trương và quyết định đầu tư đối với các dự án đã có trong quy hoạch được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với điều kiện bảo đảm tuân thủ quy hoạch; mở rộng phân cấp cho chính quyền địa phương quyết định các nội dung liên quan đến dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương như: chuyển mục đích sử dụng đất rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường,…

Vùng không phải là một đơn vị hành chính hay một khu vực hành chính, đồng thời vùng cũng không phải là phép cộng đơn thuần của các đơn vị hành chính. Do vậy, việc tăng cường khả năng phối hợp hoạt động các địa phương trong vùng, tham gia thực hiện liên kết, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi trên cơ sở khai thác và phát huy tiềm năng, thế mạnh, đặc thù của từng địa phương và toàn vùng để phát triển là hết sức cần thiết cho giai đoạn tới. Thiết kế thể chế liên kết vùng phù hợp sẽ phát huy vai trò tích cực của các địa phương trong Vùng, phát huy tính năng động, sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

(*Tiêu đề do Tòa soạn đặt) 

;
.