Tập trung xây dựng Cơ sở dữ liệu thông tin của tỉnh và vùng (*)

Chủ Nhật, 26/06/2022, 17:59 [GMT+7]
In bài này
.

(Trích tham luận của ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Sở TN-MT tại Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW)

Trước xu thế toàn cầu hóa, tình hình trong nước có những thời cơ và thách thức đan xen, vấn đề thực tiễn và định hướng phát triển của Bà Rịa-Vũng Tàu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, đã và đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đối với Sở TN-MT, đòi hỏi phải có những đổi mới, điều chỉnh để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý ngành đáp ứng tình hình mới.

Ngành TN-MT quyết tâm chuyển từ “quản lý” sang “phục vụ, kiến tạo”; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa dữ liệu tài nguyên, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, hướng tới tăng cường chia sẻ, tiếp cận thông tin trong quản lý và bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm thiểu thiên tai, biến đổi khí hậu, xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, tăng lợi thế cạnh tranh và thu hút đầu tư.

Công tác xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành TN-MT thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Trong đó, nổi bật là ngành TN-MT đã hoàn thiện các Quy chế nhằm đảm bảo chuyển đổi số; hoàn thiện việc thực hiện việc đo đạc chỉnh lý, đăng ký đất đai, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính trên địa bàn 71/82 đơn vị hành chính cấp xã và huyện Côn Đảo, dự kiến các đơn vị còn lại hoàn thành trong quý IV/2022; hoàn thành ứng dụng Quản lý đất công, tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu cho 7.571 khu đất công với tổng diện tích 11.104,20 ha và thực hiện công bố dữ liệu đến công dân và DN trên Internet, ứng dụng công bố các khu đất dự kiến đấu giá dưới dạng WebGIS, có thông tin vệ tinh giúp người dân và doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận thông tin đấu giá đất.

Về công tác bảo vệ môi trường, trong giai đoạn 2008-2020, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã phối hợp với các tỉnh trong lưu vực sông Đồng Nai triển khai Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai. Hệ thống quan trắc và phân tích môi trường nước lưu vực sông Đồng Nai được thiết lập từ trung ương đến địa phương. Công tác điều tra, thống kê nguồn thải đang được triển khai đồng bộ trên hầu hết các tỉnh.

Về chia sẻ, kết nối dữ liệu và phục vụ nhu cầu tiếp cận thông tin, ngành đã hoàn thành kết nối Cơ sở dữ liệu đất đai với Bộ TN-MT vào tháng 12/2021 (đứng thứ 2 cả nước, sau TP. Hồ Chí Minh); hoàn thành kết nối dữ liệu quan trắc tự động, liên tục với Bộ TN-MT (thông qua Tổng cục môi trường) từ tháng 6/2020; đã kết nối, chia sẻ dữ liệu địa chính liên tục, tự động với Sở Xây dựng phục vụ công tác quản lý hạ tầng kỹ thuật và công bố thông tin thí điểm cho TP. Bà Rịa.

Về công tác phòng tránh và giảm thiểu thiên tai, biến đổi khí hậu, Bà Rịa-Vũng Tàu đã ban hành Danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển, tổ chức cắm mốc ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh, các giải pháp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, sạt lở đất, xâm nhập mặn đã được triển khai. Trên địa bàn tỉnh hiện có 5 trạm khí tượng, 5 trạm hải văn, 12 trạm đo mưa tự động. Số liệu được quan trắc và phát bản tin thường xuyên theo quy định và phát tin dự báo, cảnh báo tăng cường khi có thiên tai và thời tiết nguy hiểm để ứng phó phòng tránh thiên tai phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng Cơ sở dữ liệu thông tin của tỉnh và thông tin vùng, hướng tới tăng cường chia sẻ, tiếp cận thông tin trong quản lý và bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm thiểu thiên tai, biến đổi khí hậu cũng còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.

Điển hình như công tác xây dựng Cơ sở dữ liệu đất đai còn chậm; việc tích hợp, lồng ghép các vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu vào kế hoạch, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực tại địa phương chưa thực hiện đầy đủ. Năng lực ứng dụng và phát triển CNTT trong thời gian dài không được quan tâm đầu tư dẫn đến không làm chủ được công nghệ, làm chủ hệ thống, phụ thuộc đơn vị ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, các địa phương trong vùng chưa xây dựng quy chế phối hợp trong việc xây dựng và chia sẻ cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường nhằm giúp cho công tác phát triển vùng.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ trong thời gian tới, phấn đấu hoàn thành việc quản lý Nhà nước về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, ngành TN-MT đưa ra một số giải pháp như sau: Các ngành, địa phương trong quá trình triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu của mình phải tiến hành khảo sát kỹ hiện trạng Cơ sở dữ liệu của các ngành, địa phương, đảm bảo không trùng lắp, tái sử dụng lại thông tin, dữ liệu đã được xây dựng nhằm tiết kiệm chi phí, thực hiện nghiêm các quy định về kết nối, chia sẻ dữ liệu theo Nghị định số 47/2020/NĐ-CP về kết nối, chia sẻ dữ liệu.

Bên cạnh đó, cần chủ động làm việc với các tỉnh trong vùng nhằm kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ công tác phối hợp quản lý trong phạm vi liên tỉnh, liên khu vực. Cùng với đó, tiếp tục quan tâm đầu tư về ứng dụng và phát triển CNTT của ngành TN-MT, đặc biệt là công tác duy trì, vận hành hệ thống thông tin theo quy định của Bộ TN-MT; đầu tư các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, dự báo, cảnh báo nhằm phát huy hiệu quả của thông tin, dữ liệu của ngành.

(*Tiêu đề do Tòa soạn đặt)

 

;
.