TRẠM Y TẾ CẤP XÃ - NHỮNG BẤT CẬP CẦN KHẮC PHỤC

Kỳ cuối: Cần quan tâm và đầu tư hơn nữa

Thứ Ba, 24/05/2022, 18:46 [GMT+7]
In bài này
.

Những bất cập ảnh hưởng lớn đến tình hình hoạt động của trạm y tế (TYT), nhất là công tác khám chữa bệnh ban đầu cho người dân không đạt chỉ tiêu đề ra. Ngành y tế cũng như các địa phương thời gian tới cần quan tâm và có những giải pháp quyết liệt hơn nữa nhằm tháo gỡ khó khăn cho các TYT.

Các thành viên Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh tìm hiểu công việc và cuộc sống của nhân viên y tế tại TYT phường 5 (TP. Vũng Tàu).
Các thành viên Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh tìm hiểu công việc và cuộc sống của nhân viên y tế tại TYT phường 5 (TP. Vũng Tàu).

Sớm thay mới thiết bị y tế hư hỏng

Trao đổi với phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, đại diện các TYT trên địa bàn tỉnh đều cho rằng do không được quản lý kinh phí cấp hoạt động thường xuyên nên rất bị động trong việc sửa chữa cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị hư hỏng. Các TYT kiến nghị cần phân bổ kinh phí về trực tiếp cho trạm để thuận tiện mua sắm, sửa chữa những hạng mục xuống cấp, đồng thời thực hiện công tác tiết kiệm và nâng cao trách nhiệm về bảo quản tài sản, tăng thu nhập cho nhân viên y tế.

Trong đợt giám sát về tình hình hoạt động của các TYT trên địa bàn tỉnh từ ngày 18 đến 28/4, các thành viên của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đã gợi ý cho ngành y tế một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động như: sử dụng đội ngũ bác sĩ đã nghỉ hưu; kêu gọi xã hội hóa trong đầu tư các trang thiết bị y tế; đề xuất tăng lương khởi điểm cho nhân viên y tế.

Về vấn đề này, đại diện Sở Y tế cho biết, từ năm 2019-2021, thực hiện Nghị quyết số 18/2019-NQ-HĐND của HĐND tỉnh, định mức chi hoạt động thường xuyên của TYT là 45 triệu đồng/biên chế/năm, riêng huyện Côn Đảo là 79 triệu đồng/biên chế/năm (chưa tính lương).

Từ năm 2022, theo Nghị quyết số 09/2021/NQ-HDND của HĐND tỉnh, định mức chi hoạt động thường xuyên của TYT đã nâng lên đáng kể, 72 triệu đồng/biên chế/năm, huyện Côn Đảo là 87 triệu đồng/biên chế/năm.

Theo Nghị định 163/2016/NĐ-CP về phân bổ và dự toán ngân sách nhà nước của đơn vị, Sở Y tế phân bổ kinh phí TYT về các trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố để quản lý và sử dụng cho hoạt động của trạm. Hiện các TYT chưa có chức năng quản lý, sử dụng dự toán ngân sách nhà nước.

Ông Nguyễn Viết Điện, Trưởng phòng Kế hoạch-Tài chính (Sở Y tế) cho biết, trước năm 2012, Sở làm chủ đầu tư xây dựng 3 TYT, gồm trạm phường 12 (TP.Vũng Tàu), trạm xã Cù Bị (huyện Châu Đức) và trạm xã Hòa Bình (huyện Xuyên Mộc).

Từ năm 2012, việc cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất TYT hàng năm do UBND các huyện, thị xã, thành phố làm chủ đầu tư theo quyết định phân quyền, phân cấp ngân sách của UBND tỉnh. Từ đó, các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư cũng như cải tạo hệ thống vật chất của TYT. Tuy nhiên, Sở Y tế với vai trò chủ quản vẫn theo dõi, có các văn bản đôn đốc, nhắc nhở địa phương tiến hành sửa chữa các hạng mục hư hỏng cho TYT.

Ông Điện thừa nhận, các trang thiết bị ở TYT hiện đầu tư chưa đồng bộ, hư hỏng nhiều. Sở dĩ xảy ra tình trạng này do việc mua sắm, đầu tư đã thực hiện từ nhiều năm nay và từ nhiều nguồn khác nhau (nguồn từ ngân sách, dự án, xã hội hóa…). Nguyên nhân nữa là do thiếu nhân sự, nhất là bác sĩ nên việc sử dụng các trang thiết bị hiệu quả chưa cao.

Trước những yêu cầu về phát triển chuyên môn, các TYT cũng đề nghị, các địa phương, đơn vị liên quan cần đầu tư thêm trang thiết bị cho TYT theo Quyết định 437/QĐ-BYT. Qua đó, giúp các trạm có thể nâng cao và phát triển hoạt động chuyên môn như phòng khám bác sĩ gia đình, quản lý các bệnh không lây nhiễm. Mặt khác, đối với những dụng cụ y tế đã hư hỏng, TTYT các huyện, thị xã, thành phố cần nhanh chóng mua sắm, thay mới theo như đề xuất về nhu cầu sử dụng của trạm.

Có chế độ ưu đãi thu hút bác sĩ

Để nâng cao hiệu quả và chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, các TYT phải có bác sĩ. Toàn tỉnh hiện chỉ có 22/84 TYT có bác sĩ cơ hữu. Nhằm bổ sung đội ngũ này, những năm gần đây Sở Y tế  đã phối hợp với Trường ĐH Y dược Cần Thơ cử viên chức tham gia đào tạo bác sĩ liên thông. Qua đó, đã đào tạo được 36 bác sĩ, trong đó, một số người đã về công tác tại các TYT. Ông Nguyễn Tuấn Đạt, Chánh Văn phòng Sở Y tế thông tin thêm, ngành còn phối hợp, tổ chức đào tạo bác sĩ theo địa chỉ từ nguồn sinh viên. Theo đó, các sinh viên tốt nghiệp theo diện này sẽ được Sở Y tế phân bổ về công tác tại  địa phương.

Nhân viên y tế xã Tân Lâm (huyện Xuyên Mộc) thực hiện công tác tiêm chủng mở rộng cho trẻ em.
Nhân viên y tế xã Tân Lâm (huyện Xuyên Mộc) thực hiện công tác tiêm chủng mở rộng cho trẻ em.

Từ nay đến năm 2026, tỉnh còn có hơn 100 SV thuộc diện đào tạo theo địa chỉ sẽ tốt nghiệp. Sở sẽ đưa toàn bộ nguồn nhân lực này về cho TTYT các huyện, thị xã, thành phố để đơn vị bổ sung lực lượng cho TYT. Ngoài ra, do nguồn lực bác sĩ ở các TTYT cấp huyện còn thiếu nên việc thuyên chuyển đội ngũ này về công tác tại trạm còn hạn chế. Trong khi đó, bác sĩ ở TTYT chỉ được tăng cường hỗ trợ cho TYT theo đề án 1816 tối thiểu 2 buổi/tuần để khám chữa bệnh cho người dân.

Theo Sở Y tế, trong giai đoạn 2015-2020, Sở Y tế đã triển khai thu hút bác sĩ về công tác tại TYT theo Nghị quyết số 48/2014/NQ-HĐND và chính sách trợ cấp thu hút nguồn nhân lực cho ngành y tế theo Quyết định số 14/2015/QĐ-UBND, song kết quả không như mong đợi. Kết thúc giai đoạn 2015-2020, ngành y tế chỉ thu hút được 1 bác sĩ và đã bố trí công tác tại TYT xã Long Sơn (TP. Vũng Tàu).

Tại buổi làm việc với Sở Y tế đầu tháng 5/2022, ông Nguyễn Văn Xinh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh yêu cầu ngành y tế cần quan tâm, tạo điều kiện và xử lý dứt điểm những bất cập, khó khăn của TYT. Trong đó, Sở Y tế cần tập trung tham mưu cho UBND tỉnh về Đề án chính sách thu hút bác sĩ để trình HĐND tỉnh trong kỳ họp tới.

Để tiếp tục thu hút nguồn nhân lực, Sở Y tế đang tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh về chính sách đào tạo và thu hút bác sĩ nhằm phát triển chuyên môn ngành y tế giai đoạn 2022-2026.

Bác sĩ Đoàn Văn Bỉ, Giám đốc TTYT huyện Đất Đỏ cho hay, bên cạnh chính sách thu hút nhân viên y tế về công tác tại TYT, cũng nên có các chế độ ưu đãi tạo sự yên tâm nhằm giữ chân viên chức gắn bó lâu dài với y tế cơ sở.

Đồng quan điểm này, ông Ninh Hùng, Phó Giám đốc TTYT huyện Xuyên Mộc đề xuất thêm, khi xây dựng chính sách thu hút bác sĩ về công tác tại các địa phương cần có sự tính toán mức thu nhập của họ phải thỏa đáng so với công sức, thời gian và chi phí khi học tại các trường y khoa.

Về định mức biên chế không còn phù hợp với tình hình hoạt động chuyên môn tại TYT, bác sĩ Dương Văn Muôn, Giám đốc TTYT huyện Long Điền cho rằng, Sở Y tế cần có ý kiến với Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan sớm ban hành văn bản mới thay thế Thông tư liên tịch 08/2007/TTLT-BYT-BNV đã hết hiệu lực từ năm 2021. “Thông tư mới ra đời phải bảo đảm định mức biên chế phù hợp với công tác thực tế ở các trạm, tương thích mới mật độ dân số của từng địa phương”, bác sĩ Muôn đề xuất.

Bài, ảnh: TUỆ LÂM

;
Quỹ đất lớn Lợi nhuận cao
.