TRẠM Y TẾ CẤP XÃ: NHỮNG BẤT CẬP CẦN KHẮC PHỤC

Kỳ 2: Đau đầu với "bài toán" nhân sự

Thứ Hai, 23/05/2022, 20:58 [GMT+7]
In bài này
.
 
Hầu hết các trạm y tế (TYT) trên địa bàn tỉnh đều đang gặp khó khăn về nhân sự. Số nhân viên nghỉ việc ngày một nhiều do không trụ nổi áp lực.
Nhiều TYT trên địa bàn tỉnh còn thiếu nhân lực, nhất là đội ngũ bác sĩ. Trong ảnh: Bác sĩ của TYT xã Hòa Hiệp (huyện Xuyên Mộc) kiểm tra chỉ số đường huyết cho người dân.
Nhiều TYT trên địa bàn tỉnh còn thiếu nhân lực, nhất là đội ngũ bác sĩ. Trong ảnh: Bác sĩ của TYT xã Hòa Hiệp (huyện Xuyên Mộc) kiểm tra chỉ số đường huyết cho người dân.

Thu nhập không đủ sống

TYT xã Phước Tân (huyện Xuyên Mộc) đảm đương nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho 13.360 người dân. Trạm này được giao chỉ tiêu 11 biên chế, nhưng đến nay mới chỉ có 6 người (kể cả bảo vệ). Sở dĩ việc tuyển dụng nhân sự khó khăn là do chế độ lương thưởng chưa thật sự thu hút.

Bà Trần Thị Thu Thảo, Trưởng TYT xã Phước Tân cho biết: “Chỉ tính từ năm 2017 đến 2021, TYT xã Phước Tân có 3 người nghỉ hưu, nhưng không thể tuyển được người mới để bổ sung”. Bà Thảo cho rằng, lý do việc tuyển người khó khăn là mức thu nhập của đội ngũ nhân viên y tế không đủ trang trải cuộc sống. “Một nhân viên có thâm niên công tác 10 năm trở lên ở trạm thì tổng thu nhập mỗi tháng cũng chỉ trên dưới 6 triệu đồng. Mức lương đó thật sự rất thấp. Trong khi, khối lượng công việc rất nhiều, rất áp lực. Khó để đòi hỏi nhân viên TYT gắn bó với công việc lâu dài”.

Tình trạng không tuyển được nhân sự cũng diễn ra tương tự ở nhiều TYT khác. Trong 2 năm 2019, 2020, TYT xã Hòa Hưng (huyện Xuyên Mộc) có 2 nhân viên xin nghỉ việc. Đến nay, trạm chỉ còn 6 nhân viên đang làm việc.

Không đủ người, công việc vốn áp lực lại càng thêm áp lực. Do đó, thời gian gần đây lại có một nam nhân viên của TYT Hòa Hưng có ý định xin nghỉ việc. “Tôi muốn tìm một công việc đỡ vất vả và thu nhập khá hơn”, nam nhân viên này cho biết.

Bà Nguyễn Thị Thanh Lệ, Trưởng TYT xã Hòa Hưng nói: “Đứng trước tình hình khó khăn trên, chúng tôi đã báo với TTYT huyện Xuyên Mộc để tuyển dụng nhân sự nhưng đến nay vẫn chưa tuyển được. TYT xã Hòa Hưng đang rất cần 1 bác sĩ và 1 nữ hộ sinh”.

Tương tự, TYT TT.Phước Hải (huyện Đất Đỏ) được giao 12 chỉ tiêu biên chế. Thế nhưng, hiện TYT này chỉ có 7 người làm việc. Để bảo đảm công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, tất cả  nhân viên y tế hiện có của TYT Phước Hải phải gồng gánh và kiêm nhiệm thêm nhiều việc.

Người dân đến khám bệnh ở TYT xã Tân Lâm (huyện Xuyên Mộc).
Người dân đến khám bệnh ở TYT xã Tân Lâm (huyện Xuyên Mộc).

Phân bổ nhân lực chưa hợp lý

Một số TYT phản ánh, ngoài thiếu biên chế được giao, các trạm còn thiếu nhân lực so với khối việc công việc chuyên môn thực hiện hàng ngày.

Theo tìm hiểu của PV Báo BR-VT, nhiều TYT đang thiếu bác sĩ cơ hữu, nữ hộ sinh, y học cổ truyền… Tuy nhiên việc tuyển dụng đội ngũ này về công tác tại các trạm gặp nhiều trở ngại. Lý do hàng đầu vẫn là vấn đề thu nhập của nhân viên y tế. Hiện nay, viên chức ở các TYT chỉ được lương cơ bản, phụ cấp 40% lương và chế độ trực.

Mặt khác, trong giai đoạn 2015-2020, Sở Y tế đã triển khai thực hiện thu hút nguồn nhân lực bác sĩ về công tác tại TYT nói riêng và ngành y tế nói chung nhưng chính sách hỗ trợ chưa đủ hấp dẫn.

Bác sĩ Ninh Hùng, Phó Giám đốc TTYT huyện Xuyên Mộc khẳng định, việc thu hút bác sĩ về làm việc tại TYT là chuyện không hề dễ dàng. “Cứ tưởng tượng thế này, một học sinh học ở trường y tốn khoảng 15 triệu đồng/tháng. Nhưng sau khi tốt nghiệp, nếu về công tác tại TYT chỉ có thu nhập hơn 3 triệu/tháng. Với mức thu nhập này làm sao hấp dẫn các bác sĩ trẻ về làm việc tại tuyến y tế cơ sở”, bác sĩ Ninh Hùng nói.

Ngoài việc tuyển dụng khó khăn, một số TYT thiếu nhân viên y tế một phần còn do việc phân bổ chỉ tiêu nhân sự giữa các địa phương chưa hợp lý.

Ông Bùi Chí Tình, Phó Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh cho biết, qua giám sát tình hình thực tế tại các TYT cho thấy, trước đây việc phân bổ định mức biên chế cho các trạm dựa vào Thông tư liên tịch 08/2007/TTLT-BYT-BNV.

Theo đó, biên chế của mỗi TYT được xác định theo đặc điểm địa lý, kinh tế-xã hội và quy mô dân số. Vì thế, TYT được phân bổ tổi thiếu 5 biên chế và tối đa 10 biên chế/đơn vị. Đây là sự bất hợp lý. “Với cách phân bổ này thì nhân viên y tế các TYT ở những địa phương đông dân cư (có từ 20 ngàn dân trở lên) như: phường 11, phường 12 (TP.Vũng Tàu), phường Mỹ Xuân, phường Phú Mỹ (TX.Phú Mỹ) sẽ vất vả và áp lực gấp nhiều lần so với địa phương ít dân hơn”, ông Tình nói.

Liên quan đến Thông tư liên tịch 08/2007/TTLT-BYT-BNV, bác sĩ Nguyễn Văn Thái, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, thông tư này đã hết hiệu lực từ đầu năm 2021, đến nay chưa có thông tư mới thay thế.

Vì thế, việc xây dựng nhân sự cho TYT hiện nay được kết hợp giữa việc áp dụng đề án vị trí việc làm và Thông tư 08/2007/TTLT-BYT-BNV. Do đó còn quá nhiều bất cập và chưa sát với thực tế. Bác sĩ Thái nói thêm: “Ngành y tế vẫn chưa giao biên chế cho các TYT trong năm 2022 do nhận thấy chỉ tiêu nhân sự cho trạm chưa phù hợp”.

Bài, ảnh: TUỆ LÂM

(Còn nữa)

Tổng nhân sự được giao cho các TYT trên địa bàn tỉnh năm 2021 là 848 người. Đến nay, toàn tỉnh có 628 người đang làm việc tại các trạm, thiếu 166 người so với chỉ tiêu được giao. Thu nhập nhập bình quân của các chức danh tại TYT: bác sĩ đạt 10,6 triệu đồng/tháng; y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh 9 triệu đồng/tháng; dược sĩ 7,5 triệu đồng/tháng; hợp đồng theo Nghị định 161/2018/NĐ-CP đạt 5,6 triệu đồng/tháng.

 

;
.