Chớ nên âm thầm chịu đựng

Thứ Sáu, 13/05/2022, 20:20 [GMT+7]
In bài này
.

Người ta thường bảo: “Đau chân thì há miệng”. Hễ có gì không vừa ý thì mình phải kêu lên, phải cho người khác biết,  nếu lý do vì họ ắt họ phải suy nghĩ và điều chỉnh; bằng không sẽ có người đồng cảm an ủi và chia sẻ với mình. Điều này, chắc rằng ai cũng biết nhưng khổ nỗi, có những người lại âm thầm chịu đựng, nhất là trong vấn đề hôn nhân gia đình.

Minh họa: MINH SƠN
Minh họa: MINH SƠN

Dù thế nào đi nữa, họ vẫn không dám làm “lớn chuyện”. Vẫn cứ “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Có thể họ muốn giữ thể diện cho “một nửa” của mình, cũng có thể vì sợ ảnh hưởng đến con cái hoặc vì ký do gì đó. Nhưng dù lý do gì đi nữa, xin chớ quên rằng thiên hạ thường bảo: “Vợ chồng đóng cửa dạy nhau”. Chuyện này bình thường và cũng nên là thế. Có gì thì cứ thẳng thắng trao đổi, chứ việc gì phải “thin thít như thịt nấu đông”, âm thầm chịu đựng một mình, tự mình gặm nhắm nỗi phiền muộn?

Sự âm thầm chịu đựng, không nói ra có làm cho “nửa kia” động lòng trắc ẩn hay không? Có hay không thì còn tùy trường hợp nhưng rõ ràng, ta sẽ thấy vóc dáng, hình hài của họ sẽ có nguy cơ thay đổi theo chiều hướng xấu đi.

Thử hỏi, do nghi nghờ ghen chồng cho mèo mỡ nọ kia, chị bạn tôi không còn màng đến cơm ăn nước uống, hễ cầm bát đũa lên lại tưởng tượng chồng mình đang hú hí, vui vẻ với “mèo mỡ” đâu đó thì khác gì đang nhai sạn rệu rạo trong miệng? Vậy, sao không nói toẹt ấm ức của mình cho nhẹ lòng? Nghe tôi hỏi, chị bạn tôi trả lời: “Chẳng có chứng cứ gì cả, chỉ thấy anh ấy dạo này hay đi sớm về muộn”. Ơ hay, Sao lại không hỏi cho “ra môn ra khoai” để tìm hiểu một lần cho dứt điểm, chứ cứ âm thầm chịu đựng thế này?

Vì thế ắt dẫn tới lúc  hình ảnh người vợ với bộ áo quần xốc xếch, gương mặt mất ngủ, mắt sâu hoắm vì “có những niềm riêng làm sao nói hết”, rồi nhan sắc tụt dốc có là biện pháp giữ chồng? Có là biện pháp tích cực? Tôi quyết là không vì như thế sẽ kéo gần hay đẩy chồng xa hơn?

Tôi biết có những trường hợp, nếu nhìn từ sự việc thể hiện bề ngoài, ai cũng cảm nhận gia đình nọ cực kỳ hạnh phúc. Ở chốn đông người, vợ chồng con cái họ dính như sam, chồng đâu vợ đó, nói cười ríu rít thân mật và luôn có thái độ quan tâm về nhau. Phía sau sự hạnh phúc ấy, chỉ người trong cuộc mới thấu hiểu. Biết đâu họ có những nỗi niềm khó có thể sẻ chia, tâm sự với bạn bè, người thân?

Chị bạn tôi, trước đây, bất chấp lời khuyên can của gia đình, người thân chị quyết tâm đi theo “tiếng gọi của trái tim”, phải cưới anh ấy cho bằng được. Nhưng rồi, đến khi chung sống, chị mới biết đã vấp phải sự sai lầm khó có cơ hội sửa chữa. Người đầu ấp tay gối ấy không như chị tưởng, hễ có chút men là biến thành con người khác.

Anh ta thô lỗ, dễ dàng nổi nóng và luôn thể hiện “bản lĩnh đàn ông” bằng cách cho vợ “knock out” như võ sĩ trên võ đài! Bây giờ phải thú nhận sai lầm, kể lể với người thân ư? Như thế, khác nào tự bôi mặt, vì vậy chị lại chọn cách thể hiện khác: “Chà, chồng tớ là số một. Anh ấy chăm sóc vợ con như thiên thần. Này nhá, vợ ốm, con đau một chút tẹo, chỉ mới nhức đầu sổ mũi là đã quýnh quáng lên. Mọi thứ sắm sửa trong nhà cũng một tay anh ấy lo liệu”.

Nói vậy nhưng ai biết những vết bầm, vết xước do chồng gây ra đang nhói đau, hành hạ mỗi ngày?

Một khi “đóng kịch” đang sống trong hoàn cảnh “trên cả tuyệt vời”, người ta khó có thể giải tỏa được những ẩn ức, buồn chán, đau khổ chất chứa từ ngày nay qua tháng nọ. Các bác sĩ tâm lý cho rằng, sự chịu đựng lặng lẽ, cam chịu ấy dần dần sẽ dẫn đến thay đổi tiêu cực về tâm lý.

Thời buổi này, đôi khi ta biết đến những chuyện cực kỳ oái oăm, khó có thể tưởng tượng ra nổi. Này nhé, vào ngày nọ cả khu phố nọ nhốn nháo cả lên, ai nấy kinh ngạc khi hay tin chị nọ - một người lâu nay có tiếng hiền lành, nết na, chịu thương chịu khó, xởi lởi điềm đạm với bà con chòm xóm lại có thể làm một việc động trời. Xin lỗi, cho tôi nói thật, đó là lúc chị cắt phéng “cần tăng dân số” của chồng! Lúc ra tòa, chị mới sụt sùi kể rõ sự tình. Thiên hạ, ồ lên vì hóa ra, lâu nay, chị đã cam chịu quá nhiều thói hư tật xấu của người bạn đời. Sự việc tệ hại này, có thể không xẩy ra nếu trước đó chị mạnh dạn tâm tình với bạn bè, anh chị em để tìm cách tháo gỡ!

Tôi còn biết có trường hợp, anh chàng kia sau nhiều năm “gà trống nuôi con”, ai cũng mừng cho anh đã có được người đẹp “nâng khăn sửa túi”. Điều này thì rõ ràng rồi, bởi cô ấy chân dài, môi mọng không thua kém bất kỳ người mẫu nào. Đã thế, cô còn là giám đốc, chủ DN đang ăn nên làm ra.

Anh hãnh diện giới thiệu với mọi người và luôn tỏ ra đắc ý. Bẵng đi một thời gian dài, ai nấy ngạc nhiên khi hay tin vợ anh nợ nần tứ tung, thậm chí còn trốn nợ mất tiêu. Sau này, anh cho biết do cô vợ mê cờ bạc quá cỡ thợ mộc. Mà đã lỡ từng nhiều lần khen ngợi, nói tốt về vợ như một cách “làm sang” nên anh ta bèn giấu biệt, đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”.

Một khi đã chọn thái độ tiêu cực này, trước hết người khổ tâm nhất vẫn chính mình. Không những thế, nó còn dung dưỡng cho cái xấu ngày một bành trướng hơn và đến một lúc nào đó, không khéo sự việc đi vào ngõ cụt. Có lẽ, một lựa chọn tốt nhất vẫn là chấn chỉnh ngay từ đầu. Sự khôn ngoan ấy, có thể tìm thấy từ trong lời dặn dò của ông bà mình: “Mất lòng trước, được lòng sau”. Chẳng thà cứ thẳng thắn, huỵch toẹt rõ ràng ngay từ đầu dù người ta khó chịu, còn hơn để về sau lôi thôi, rầy rà.

Ai cũng thừa biết như vậy, nhưng rồi trong nhiều mối quan hệ, có những chuyện cực kỳ tế nhị, rất khó nói. Vì thế, họ đành bấm bụng, nghiến răng chịu đựng. Khổ thật, đã thế ngoài mặt, họ còn diễn một vai khác, mang một bộ mặt khác, lúc nào cũng hơn hớn, hài lòng với những gì đã xảy ra! Sống như thế, có khổ tâm không? Mà, vấn đề quan trọng nhất là vẫn không “giải quyết dứt điểm” được vấn để trầm trọng đang xảy ra.

LÊ MINH QUỐC

;
.