Dũng cảm đổi thay để ươm mầm hạnh phúc

Thứ Sáu, 13/05/2022, 19:24 [GMT+7]
In bài này
.

“Mình cảm thấy mệt mỏi, stress quá!”, ở đầu dây bên kia, Thảo - cô bạn thân của tôi cố nén tiếng thở dài. “Nguồn cơn” của sự mệt mỏi ấy xuất phát từ cậu con trai 7 tuổi, đang học lớp 1 của cô.

HS Trường MN Lê Ki Ma (huyện Đất Đỏ) tham gia các hoạt động ngoài trời.
HS Trường MN Lê Ki Ma (huyện Đất Đỏ) tham gia các hoạt động ngoài trời.

Từ khi con được đến trường đi học trở lại đến nay, ngày nào Thảo cũng nhận được những lời phàn nàn của GV chủ nhiệm và cả GV bộ môn về cậu con trai nhỏ của mình: “Phụ huynh về nhắc bé giúp cô, chào cờ bé vẫn đội mũ, không bỏ áo vào quần và nhún nhảy liên tục”, “Trong giờ học từ sáng tới giờ bé bỏ bánh mì ra ăn liên tục nhưng đến giờ chơi lại thôi…”

Những lời phàn nàn đều đặn được gửi tới từ nhà trường khiến tâm trạng của cô bạn tôi hệt như trái bóng mỗi ngày đều bị bơm hơi, giờ đã đến mức căng mòng và chỉ chực nổ tung. Những tưởng khi con được đến trường, phụ huynh sẽ được “giải phóng”. Thế nhưng những phản hồi từ trường lớp lại làm cô bạn tôi thêm áp lực. Và chắc chắn rằng, trường hợp của bạn tôi không phải là cá biệt!

Chuyện của Totto-chan

Câu chuyện của bạn làm tôi nhớ đến cuốn hồi ký nổi tiếng “của Tetsuko Kuroyanagi, diễn viên, ngôi sao truyền hình kiêm vận động viên nổi Totto-chan bên cửa sổ” tiếng của Nhật Bản, người từng đảm nhiệm vai trò cố vấn Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên và Đại sứ thiện chí cho Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF).

Tottochan là tên thân mật hồi nhỏ của Tetsuko Kuroyanagi. Mới lên 6 tuổi, cô bé Totto-chan đã phải chuyển trường 2 lần. Nói chính xác hơn là em bị buộc thôi học vì quá hiếu động. Trong giờ học, Tottochan đóng mở nắp bàn học hàng trăm lần. Thỉnh thoảng, em đứng cạnh cửa sổ, gọi những người hát rong lại gần lớp học để hát bài gì đó cho vui, thậm chí còn nói chuyện với những chú chim trên mái nhà… Và rồi, Tomoe, ngôi trường đặc biệt trên những toa tàu với thầy hiệu trưởng tuyệt vời Kobayashi Sosaku đã dang rộng vòng tay đón nhận cô bé.

Ở ngôi trường này, kể cả khi tính tò mò của cô bé gây ra rắc rối, thầy hiệu trưởng cũng không bao giờ mời bố mẹ em đến. Thay vào đó, thầy sẽ kiên nhẫn lắng nghe lý do đằng sau sự việc, giống như cách ông đã say sưa nghe Totto-chan kể chuyện suốt bốn tiếng đồng hồ trong ngày đầu tiên em đến trường. Nếu Totto-chan hay các em HS khác làm điều gì không đúng, thầy sẽ giúp các em nhận ra sai lầm. 

“Em biết không, em thật là một cô bé ngoan”. Mỗi lần gặp Totto-chan, thầy hiệu trưởng đáng kính Kobayashi Sosaku lại nói với em như thế. Với Totto-chan, đó là một “câu nói quan trọng chắc hẳn đã quyết định hướng đi của toàn bộ cuộc đời em”. “Nếu không học ở Tomoe, nếu không được gặp thầy Kobayashi, có lẽ tôi đã là một người mang đầy mặc cảm và nhút nhát với cái mác ‘đứa bé hư’ mà mọi người gán cho”, Tetsuko Kuroyanagi viết. Chính sự tôn trọng, tin tưởng, kiên nhẫn lắng nghe và thấu hiểu của người thầy đã làm nên những điều kỳ diệu, khiến mỗi HS trong trường đều nỗ lực một cách đầy hào hứng để trở thành những đứa trẻ ngoan. 

HS Trường MN Hướng Dương (TP. Bà Rịa) xem truyện tranh tại góc thư viện của trường.  Ảnh: HẢI BÌNH
HS Trường MN Hướng Dương (TP. Bà Rịa) xem truyện tranh tại góc thư viện của trường. Ảnh: HẢI BÌNH

Hãy để  trẻ được hạnh phúc khi đến trường

Sau khi xuất bản lần đầu vào năm 1981, cuốn sách “Tottochan bên cửa sổ” đã gây tiếng vang lớn không chỉ tại Nhật Bản mà còn trên toàn thế giới, biến Tomoe trở thành “ngôi trường mơ ước” của biết bao thế hệ HS. 

Tôi chợt nghĩ rằng, nếu như cô giáo của con trai bạn tôi giống như những người thầy ở Tomoe, biết lắng nghe và trân trọng cảm xúc của HS nhiều hơn, thì có lẽ, cô đã phát hiện ra lý do cậu bé ăn bánh mì trong giờ học hoàn toàn không phải do cậu đói bụng, hay muốn “phá bĩnh” tiết học. Mà nó xuất phát từ một nguyên nhân hết sức dễ thương là cậu bé chỉ muốn tạo sự chú ý để “cả thế giới” biết được bí mật nho nhỏ là những chiếc bánh ấy cậu đã hào hứng cùng mẹ nhào bột, nặn bánh cả buổi tối để làm ra. Và nếu đặt mình vào vị trí của một đứa trẻ bị nhốt trong nhà vì dịch bệnh COVID-19 gần năm trời mới được đến trường, có lẽ cô giáo sẽ cảm nhận được sự phấn khích của cậu bé trong lễ chào cờ đáng yêu đến nhường nào. 

Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đang hướng tới xây dựng “Trường học hạnh phúc”. Khái niệm mô hình “Trường học hạnh phúc” được UNESCO đưa ra xoay quanh 3 trụ cột lớn, gồm 3 chữ P, đó là: Con người (People), hệ thống (Process) và môi trường (Place). Trong đó, “Con người” chính là trụ cột được “xây dựng” đầu tiên và có vai trò đặc biệt quan trọng. Ở một ngôi trường hạnh phúc, tình bạn và các mối quan hệ trong cộng đồng nhà trường dựa trên sự tin tưởng, tôn trọng, khoan dung, bình đẳng. GV cần có sự nhiệt tình, tử tế và công bằng, truyền cảm hứng, sáng tạo cho người học. Và đặc biệt là các thành viên đều tôn trọng sự khác biệt và đa dạng…

Tôi nghĩ rằng, có thể hiểu một cách đơn giản, “Trường học hạnh phúc” là một trường học thúc đẩy sự phát triển toàn diện cho HS, bao gồm sự khỏe mạnh về tinh thần, thể chất và tâm lý, cũng như hỗ trợ nuôi dưỡng về mặt cảm xúc để HS có thể phát triển phẩm chất, năng lực của bản thân mình. Đó phải là một môi trường ngập tràn tình yêu thương, sự lắng nghe, thấu hiểu và trân trọng sự đa dạng, khác biệt cả về ngoại hình, hoàn cảnh, tính cách… của từng HS, các em được tạo điều kiện để khám phá cuộc sống, khám phá bản thân mình.

Đổi thay để có điều mới mẻ chưa bao giờ dễ dàng

Để có được điều này, vai trò của người thầy là đặc biệt quan trọng, hay đúng hơn, đó là một trong những yếu tố mang tính quyết định để xây dựng trường học hạnh phúc. Tuy nhiên, để trở thành một GV không chỉ biết “gieo trồng” kiến thức mà còn biết “ươm mầm” hạnh phúc chưa bao giờ là một điều dễ dàng. Thầy cô phải có đủ nhiệt huyết và sự dũng cảm để dám đối diện với thiếu sót của bản thân, tìm kiếm những năng lượng tích cực và hơn cả là dám đổi thay.

Tôi đã theo dõi không sót một tập nào trong series phim tài liệu đặc biệt “Thầy cô chúng ta đã thay đổi” của Đài Truyền hình Việt Nam, một chương trình truyền cảm hứng, giúp các GV trên toàn quốc tự nỗ lực thay đổi và “cùng  nhau tạo nên một lớp học hạnh phúc”. Tôi ngưỡng mộ và cảm phục những GV đã dũng cảm tham gia chương trình. Họ dám “công bố” lớp học của mình để máy quay ghi lại chân thật cách ứng xử của mình với HS. Ngay trên sóng truyền hình, họ dám nghe các cố vấn của chương trình phân tích những tình huống, thái độ, hành động “có vấn đề” của mình. Không dừng ở đó, họ dám thực hiện các nhiệm vụ chương trình giao cho, tham gia các khóa tập huấn, học hỏi các mô hình để “cải cách” chính bản thân mình. 

Dũng cảm đối diện và đổi thay, cô Nga đã hiểu ra rằng, “trường học là sự tôn trọng” và “với HS cần lắng nghe nhiều hơn, và cần lắng nghe bằng tâm chứ không phải chỉ bằng tai”. Một GV khác, cô Hà Thu Hiền đến từ Hà Nội lại nhận ra: “Nụ cười, yêu thương, quan tâm, hào hứng, hi vọng” chính là những điều giúp cô mở ra cánh cửa hạnh phúc…

UNESCO đã chỉ ra “công thức” với 3 trụ cột và 5 yếu tố để xây dựng “Trường học hạnh phúc”. Thế nhưng, riêng với từng GV, sẽ không có một công thức chung nào cả. Nếu thực sự dũng cảm và nỗ lực, mỗi thầy cô sẽ tìm thấy cho riêng mình chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa của những lớp học, trường học hạnh phúc. Để rồi, mỗi ngày, các em HS được đến trường với nỗi hân hoan và trở về nhà trong niềm hạnh phúc.

Bài, ảnh: HẢI BÌNH

;
.