Gấp rút thành lập các trạm y tế lưu động tại các khu công nghiệp
Từ giữa tháng 10/2021 đến nay, tại các KCN đã xuất hiện nhiều chùm ca lây nhiễm dịch COVID-19 mới. Do vậy, tỉnh đã đặt ra yêu cầu mỗi KCN phải thành lập ít nhất 1 trạm y tế lưu động nhằm ngăn chặn phát sinh thành ổ dịch lớn cũng như xử lý các ca bệnh thông thường khác cho người lao động.
Đoàn công tác phòng chống dịch của tỉnh kiểm tra tủ y tế tại Nhà máy thạch cao Yoshino Gypsum Việt Nam Phú Mỹ (KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3). |
Mỗi KCN thành lập 1 trạm y tế lưu động
Đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh do ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn vừa có buổi làm việc với một số chủ đầu tư hạ tầng KCN và các DN tại một số KCN về công tác phòng chống dịch COVID-19.
Khẳng định việc thành lập trạm y tế lưu động trong các KCN là tất yếu trong tình hình hiện nay nhằm thích ứng linh hoạt, chủ động kiểm soát dịch COVID-19. Đồng thời, tránh được tình trạng DN tự ý cho công nhân nhiễm bệnh về địa phương khi xuất hiện ổ dịch lớn như từng xảy ra, ông Nguyễn Công Vinh cũng đặt ra yêu cầu mỗi KCN phải thành lập ít nhất một trạm y tế lưu động phục vụ người lao động làm việc tại các công ty sản xuất, kinh doanh trong KCN đó. Trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, sẽ lập thêm trạm y tế để bảo đảm mỗi trạm y tế lưu động phụ trách từ khoảng 500 đến 1.000 ca nhiễm.
Thống nhất cao với chủ trương triển khai trạm y tế lưu động trong KCN, tại thời điểm này một số KCN đã tích cực triển khai thực hiện. Ngày 16/12 vừa qua, Công ty đầu tư và khai thác hạ tầng KCN Đông Xuyên (Công ty IZICO )- chủ đầu tư KCN Đông Xuyên, TP. Vũng Tàu đã có quyết định thành lập trạm y tế phục vụ cho công tác phòng chống dịch. Ông Nguyễn Xuân Tuấn, Trưởng phòng hạ tầng KCN Đông Xuyên cho biết, ngay sau khi nhận được quyết định, Công ty đã bố trí 1 phòng làm việc và 1 phòng cách ly cho trạm y tế. Đồng thời, mua sắm một số trang thiết bị hành chính cần thiết như điện thoại bàn, máy vi tính, bàn ghế…. phục vụ cho nhân viên của trạm làm việc hằng ngày. Song song đó, Công ty cũng thông tin đến các DN thứ cấp và kêu gọi hỗ trợ về nhân lực, vật lực để trang bị một số trang thiết bị cần thiết đảm bảo cho trạm y tế lưu động hoạt động hiệu quả.
Kỳ vọng của các cơ quan chức năng là các Trạm Y tế lưu động còn hỗ trợ việc tiêm vắc xin cho các công nhân tại kCN. Trong ảnh: Tiêm vắc xin cho người lao động tại Công ty TNHH thép SMC. |
DN cần được hướng dẫn các thủ tục pháp lý
Báo cáo từ Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết, hiện có 6 Trạm Y tế lưu động được thành lập tại các KCN trên địa bàn tỉnh gồm: Đông Xuyên, Sonadezi Châu Đức, Mỹ Xuân A2, Mỹ Xuân B1 - Conac, Mỹ Xuân A và Cái Mép. Các KCN còn lại hiện đang phối hợp với địa phương thực hiện khảo sát địa điểm đặt Trạm Y tế.
Đại diện các DN kinh doanh hạ tầng cũng nêu những vướng mắc cần tháo gỡ. Theo ông Nguyễn Khắc Thanh, Tổng Giám đốc Công ty CP KCN Tín Nghĩa - Phương Đông (chủ đầu tư KCN Đất Đỏ 1) cho biết, KCN có 24 DN, trong đó 8 DN đã đi vào hoạt động; 1 DN đang vận hành thử nghiệm chuẩn bị đi vào hoạt động, 12 DN đang thi công xây dựng và 3 DN đang thi công xây dựng hạ tầng KCN, với 2.391 lao động.
Tuy nhiên, KCN chưa thể triển khai thành lập trạm y tế lưu động trong KCN vì chưa có thủ tục pháp lý đầy đủ. Do đó, KCN cần được các cơ quan chức năng hỗ trợ về pháp lý để phối hợp với các DN thứ cấp và các cơ quan liên quan sớm thành lập trạm y tế lưu động. Ngoài ra, việc triển khai trạm y tế lưu động cần được ngành y tế hướng dẫn chi tiết về quy mô, hình thức hoạt động. “Quy mô trạm y tế lưu động trong từng KCN như thế nào; trang thiết bị, nhân lực ra sao và hoạt động trong thời gian bao lâu. Tất cả những nội dung này cần có hướng dẫn của cơ quan chuyên môn”, ông Nguyễn Khắc Thanh trao đổi thêm.
Nhiều DN cũng cho rằng, nên tận dụng cơ sở vật chất khu cách ly tập trung tiếp nhận và hỗ trợ các trường hợp bị nhiễm bệnh trong KCN để triển khai trạm y tế lưu động. Về lâu dài, cần tìm vị trí khác phù hợp hơn, vì rất khó cho DN hạ tầng nếu vừa có khu cách ly tập trung, vừa có một trạm y tế lưu động trong một chỗ. Ngoài ra, đại diện một số đơn vị kinh doanh hạ tầng KCN cũng băn khoăn về cán bộ y tế của DN hạn chế về chuyên môn, một cán bộ y tế khó bảo đảm được khi bùng dịch trong DN.
Theo ông Nguyễn Văn Thái, Phó Giám đốc Sở Y tế, mỗi trạm y tế lưu động có một trạm trưởng là nhân viên thuộc trung tâm y tế hoặc trạm y tế, còn lại là nhân viên y tế của các công ty trong KCN, số lượng từ 5 nhân viên y tế hoặc nhiều hơn tùy theo quy mô, số lượng người lao động làm việc tại KCN. Trước mắt, yêu cầu Ban Quản lý các KCN tình phối hợp đơn vị kinh doanh hạ tầng chọn một cơ sở phù hợp để bố trí trạm y tế lưu động, như nhà xưởng, ký túc xá công nhân. Trong quá trình thực hiện, đơn vị sẽ phối hợp ngành chức năng tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Bước sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, cùng với trạm y tế cơ sở, trạm y tế lưu động trong KCN có ý nghĩa rất quan trọng trong xử lý dịch bệnh ngay từ khi mới phát hiện, không để lây lan rộng trong KCN. Ngoài ra, các trạm y tế lưu động này có nhiệm vụ phối hợp thực hiện hướng dẫn DN thực hiện tốt công tác phòng dịch, hạn chế đến mức thấp nhất dịch xâm nhập vào KCN.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN