.

Nâng tầm chất lượng y tế

Cập nhật: 21:11, 18/12/2021 (GMT+7)

Cùng với đầu tư hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh cũng tập trung phát triển chuyên môn, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB). Song song đó, ngành y tế còn loại trừ được nhiều dịch bệnh nguy hiểm, bảo vệ sức khỏe người dân.

Bác sĩ của Bệnh viện ĐH Y Dược TP.Hồ Chí Minh chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật ung thư dạ dày bằng phương pháp nội soi cho Bệnh viện Bà Rịa.
Bác sĩ của Bệnh viện ĐH Y Dược TP.Hồ Chí Minh chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật ung thư dạ dày bằng phương pháp nội soi cho Bệnh viện Bà Rịa.

Thực hiện nhiều kỹ thuật cao

Đầu tháng 10/2021, ông Q.N.L. (68 tuổi, TP. Vũng Tàu) đến cấp cứu tại BV Bà Rịa trong tình trạng liệt tứ chi, tiểu qua ống Sonde, nẹp cổ cứng, tự thở được. Các bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhân L. có di chứng liệt tứ chi, bí đại tiểu tiện, dập tủy sống cổ, hẹp ống sống cổ, thoát vị đĩa đệm.

Bác sĩ Nguyễn Vĩnh Thọ, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh (BV Bà Rịa) cùng các cộng sự đã tiến hành phẫu thuật thay đĩa đệm động 2 tầng cổ kết hợp cắt dây chằng dọc sau, cắt bỏ các chồi xương, mở rộng ống sống giải phóng tủy cho người bệnh. Ca phẫu thuật thành công đã giúp cho bệnh nhân L. thoát khỏi các di chứng như: Liệt hoàn toàn tứ chi sức cơ 0/5 trở thành yếu tứ chi sức cơ 3/5 và từ bí đại tiểu tiện trở thành tiêu, tiểu được. “Tôi rất mừng khi được phẫu thuật tại BV Bà Rịa mà không phải lên TP. Hồ Chí Minh. Tôi được nhân viên y tế BV chăm sóc tận tình. Sức khỏe của tôi hiện đã tiến triển tốt”, ông L. nói.

Thời gian tới, 2 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh tiếp tục phát triển các chuyên khoa sâu, chuyên khoa mũi nhọn đầu ngành; phát triển mô hình bệnh viện vệ tinh và bác sĩ gia đình; tăng cường chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới; triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng KCB; tập trung nguồn lực thực hiện phòng, chống dịch COVID-19. Ngành y tế tỉnh phấn đấu đến năm 2025 đạt 30 giường bệnh/10.000 dân; hơn 90% dân số được quản lý sức khỏe; hơn 80% người dân hài lòng với dịch vụ y tế; 100% trạm y tế cấp xã có bác sĩ.
(Bác sĩ Phạm Minh An, Giám đốc Sở Y tế)

 

Bác sĩ Nguyễn Vĩnh Thọ cho biết, BV Bà Rịa ứng dụng 2 kỹ thuật cao trong y khoa là vi phẫu thuật và đĩa đệm động trên bệnh nhân L.. Điểm đặc biệt nhất ở ca mổ là lần đầu tiên ứng dụng kính hiển vi phẫu thuật từ hệ thống kính vi phẫu Tivato 700. Việc ứng dụng loại kính này giúp phẫu thuật viên phân biệt rõ ranh giới mô lành, mô bệnh. Qua đó, tạo sự an toàn và mang lại hiệu quả cao trong điều trị cho người bệnh.

Đây là một trong số nhiều kỹ thuật cao mà BV Bà Rịa đang thực hiện trong chẩn đoán và điều trị bệnh. Bác sĩ Nguyễn Văn Hương, Giám đốc BV Bà Rịa cho hay, từ năm 2015 đến nay, BV triển khai hàng loạt kỹ thuật mới như: Can thiệp mạch vành; Phẫu thuật nội soi khớp; Sử dụng thuốc tiêu sợi huyết trong điều trị đột quỵ; Nội soi thanh - khí - phế quản; Lọc màng bụng; Nội soi tiêu hóa; Phẫu thuật và hóa trị liệu ung thư… cùng hàng chục kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh và kỹ thuật xét nghiệm mới. Ngoài ra, BV còn phát triển các kỹ thuật thuộc chuyên khoa Nhi thông qua Đề án Bệnh viện vệ tinh. BV ký hợp đồng với chuyên gia tuyến trên chuyển giao các kỹ thuật phức tạp liên quan đến đặt stent động mạch vành; Phẫu thuật nội soi khớp; Phẫu thuật đa chấn thương vùng hàm mặt; Phẫu thuật gãy lồi cầu xương hàm dưới bằng chỉ thép hoặc nẹp vis; Phẫu thuật cắt ung thư thanh quản.

“Bệnh viện Bà Rịa đang nỗ lực phát triển công tác chuyên môn, đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân. Từ đó, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật cao tại tỉnh nhà, góp phần giảm chi phí KCB, giảm quá tải cho tuyến trên”, bác sĩ Hương nói thêm.

5 năm qua, BV Vũng Tàu cũng có nhiều đột phá trong hoạt động KCB. BV đưa vào hoạt động nhiều kỹ thuật mới đáp ứng nhu cầu của người bệnh như: Sử dụng gamaglobin điều trị bệnh tay chân miệng; kỹ thuật sắc ký miễn dịch chẩn đoán sốt xuất huyết nhanh; Nội soi dạ dày không đau; Tán sỏi ngoài cơ thể, nhĩ châm; Sử dụng thuốc tiêu sợi huyết trong nhồi máu não… BV Vũng Tàu còn phối hợp với các bác sĩ đầu ngành tại các bệnh viện lớn ở TP. Hồ Chí Minh đưa vào hoạt động phòng khám chuyên gia và chất lượng cao vào thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Phước, Giám đốc BV Vũng Tàu cho biết, thời gian tới BV tiếp tục triển khai các kỹ thuật mới, trong đó có lọc máu thay huyết tương, lọc máu hấp thu trong ngộ độc, lọc máu liên tục, sử dụng huyết thanh kháng nọc rắn, hạ thân nhiệt chỉ huy, tim phổi nhân tạo (ECMO), can thiệp lấy huyết khối bằng dụng cụ, can thiệp mạch máu, phẫu thuật cấp cứu Ngoại Thần kinh và các kỹ thuật hồi sức cấp cứu nâng cao.

Các TTYT các huyện, thị xã, thành phố tập trung phát triển ổn định khoa cấp cứu, khoa khám bệnh, duy trì phòng khám theo nguyên lý hộ gia đình, ổn định bộ phận lọc máu ngoài thận. Các đơn vị này còn có lộ trình tiếp nhận tăng dần số máy móc, trang thiết bị và giường bệnh để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

Trung tâm Y tế huyện Châu Đức đã nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bằng việc đưa vào ứng dụng kỹ thuật cao.  Trong ảnh: Bác sĩ của Trung tâm Y tế huyện Châu Đức nội soi dạ dày cho bệnh nhân.
Trung tâm Y tế huyện Châu Đức đã nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bằng việc đưa vào ứng dụng kỹ thuật cao. Trong ảnh: Bác sĩ của Trung tâm Y tế huyện Châu Đức nội soi dạ dày cho bệnh nhân.

Kiểm soát dịch bệnh nguy hiểm

Ngoài tập trung nâng cao chất lượng KCB, ngành y tế tỉnh còn khống chế được nhiều dịch bệnh phức tạp. Hiện nay, ngành y tế tỉnh đã khống chế được bệnh bại liệt, uốn ván sơ sinh, bệnh phong, bệnh sởi. Mặt khác, ngành còn ngăn chặn thành công các bệnh dịch nguy hiểm mới nổi trên phạm vi toàn cầu. Trong đó có dịch SARS, cúm A (H5N1), cúm A(H1N1), cúm A(H7N9), Ebola, Mers-CoV...

Đỉnh điểm nhất vào năm 2020, đại dịch bệnh COVID-19 bùng phát với tốc độ lây lan nhanh, cướp đi sinh mạng của nhiều người dân trên toàn cầu. Ngày 28/6/2021, trên địa bàn tỉnh ghi nhận ca nhiễm đầu tiên trong cộng đồng. Đến ngày 15/12/2021, toàn tỉnh đã có ghi nhận 22.252 ca nhiễm COVID-19.

Để kịp thời ứng phó với dịch bệnh, tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, cộng đồng DN và người dân cùng tham gia phòng, chống dịch. Trong đó, nhân viên y tế trở thành lực lượng nòng cốt tuyến đầu. Trong cuộc chiến kéo dài với dịch bệnh, ngành y tế đã huy động khoảng 1.000 nhân viên y tế tham gia điều trị COVID-19 tại bệnh viện, 480 người khám và thực hiện tiêm vắc xin cùng hàng trăm lượt người lấy mẫu, xét nghiệm PCR, điều tra dịch tễ, truy vết. Nhờ đó đến nay, toàn tỉnh có 15.581 bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh, trở lại cuộc sống bình thường; số bệnh nhân còn lại tiếp tục đang điều trị tại các cơ sở tập trung và ở nhà.

Bác sĩ Nguyễn Thế Hùng, Khoa khám bệnh (Bệnh viện Vũng Tàu) tham gia công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 từ tháng 8/2021. Đến nay, anh cùng đồng nghiệp đã điều trị thành công cho hàng trăm bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến ở Nhà Thi đấu đa năng TP. Bà Rịa. Bác sĩ Hùng chia sẻ, thực hiện “3 tại chỗ” (ăn, ở, làm việc) cùng với việc số bệnh nhân tăng hàng ngày khiến anh chịu nhiều áp lực. Nhưng sứ mệnh người thầy thuốc phải đặt trọng trách chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân lên hàng đầu, anh đã vượt qua những khó khăn đó. “Tôi không sợ bản thân bị lây nhiễm bệnh. Dịch bệnh làm cho tôi không có nhiều thời gian quan tâm gia đình, người thân. Hàng ngày, nhiều bệnh nhân khỏe mạnh và được xuất viện, tôi nhẹ lòng hơn và cảm thấy nghề của mình thật ý nghĩa”, bác sĩ Hùng nói.

Ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhận xét: “Thời gian qua, các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh, nhất là đội ngũ y, bác sĩ của tỉnh đã làm việc không biết mệt mỏi, không quản ngại ngày đêm. Đội ngũ này luôn có tinh thần sẵn sàng tham gia công tác phòng, chống dịch, chăm sóc và điều trị bệnh nhân COVID-19”.

Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG

.
.
.