Đó là chỉ đạo của ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng BCĐ Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh tại buổi làm việc với BCĐ Phòng, chống dịch COVID-19 TP. Vũng Tàu ngày 21/11. Cùng dự buổi làm việc còn có ông Mai Ngọc Thuận, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện các sở, ngành.
Ông Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng BCĐ Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp. |
Số ca mắc tăng cao
Trong 5 tuần qua, số ca nhiễm ghi nhận trên địa bàn thành phố không ngừng gia tăng. Cụ thể, từ ngày 16/10 đến ngày 20/11, TP. Vũng Tàu ghi nhận 1.650 ca nhiễm, tăng 302 ca so với thời điểm từ 14/7 đến 15/10 (1.348 ca). Đáng chú ý, trong số đó có đến 1.130 ca mắc ngoài cộng đồng. Đặc biệt, từ ngày 13 đến 19/11 là khoảng thời gian thành phố ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất từ trước đến nay với 921 ca. Riêng ngày 21/11, thành phố ghi nhận 220 ca nhiễm, trong đó có 208 ca ngoài cộng đồng. Xã Long Sơn vẫn là ổ dịch lớn nhất của thành phố, với 86 ca nhiễm ghi nhận trong ngày 21/11.
Phường 12 cũng là địa phương có số ca nhiễm cao. Trong các ngày 19, 20, 21/11, phường 12 lần lượt ghi nhận 37, 39, 15 ca nhiễm COVID-19. Phường có 36 công ty chế biến thủy hải sản thì có 5 công ty đã ghi nhận ca nhiễm. Ngoài ra, trên địa bàn phường có hơn 6.000 phòng trọ, nhiều công ty tập trung công nhân lao động nên dự báo số ca nhiễm sẽ còn tăng cao trong thời gian tới.
Theo đánh giá của BCĐ Phòng, chống dịch COVID-19 TP. Vũng Tàu, các ca nhiễm ngoài cộng đồng tại thành phố tăng nhanh cho thấy dịch tiềm ẩn và lây lan trong dân cư. Nhiều ổ dịch lớn tập trung ở các chợ, cảng cá, khu công nghiệp, phòng trọ; có những ổ dịch là người trong cùng gia đình có tới 10-11 người bị nhiễm. Số ca mắc mới cũng gia tăng từ các trường hợp người ngoài tỉnh về địa phương, từ cộng đồng và các KCN.
Cần phân loại F0 trong điều trị, cách ly
Tại cuộc họp, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm giúp TP. Vũng Tàu tập trung khống chế dịch. Bác sĩ Nguyễn Văn Lên, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho rằng, các phường, xã cần giao trách nhiệm cho từng khu phố để quản lý chặt người dân, đặc biệt là phối hợp theo dõi, giám sát các trường hợp F1 cách ly tại nhà. Đồng thời, cần chủ động khảo sát, đánh giá hiện trạng nhà ở, từ đó rà soát, lập danh sách những gia đình có đủ điều kiện về phòng ốc, nhà vệ sinh riêng để chủ động sẵn sàng cho cách ly F1 tại nhà. Gia đình nào không đủ điều kiện, khi có trường hợp F1 thì buộc phải đưa đi cách ly tập trung để tránh lây lan trong cộng đồng.
Bác sĩ Phạm Minh An, Giám đốc Sở Y tế đề nghị thành phố cần huy động lực lượng y tế tư nhân tham gia phòng, chống dịch để chia sẻ áp lực cho lực lượng y tế công. Bên cạnh đó, thành phố cần lập danh sách nhân lực cần hỗ trợ để Sở Y tế điều phối lực lượng y tế giúp địa phương phòng, chống dịch.
Ông Mai Ngọc Thuận cho rằng, thành phố cần chủ động, linh hoạt thay đổi hướng xử lý F0. Đó là cần làm tốt việc phân loại F0, đối với những F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ nên để ở nhà nhằm giảm áp lực cho các khu điều trị; đồng thời cấp đủ thuốc men, đồ bảo hộ, tư vấn chăm sóc sức khỏe để họ yên tâm điều trị tại nhà. Thành phố cần điều phối đội ngũ tình nguyện viên chống dịch phù hợp, đặc biệt là ưu tiên cho những phường, xã có số ca nhiễm cao. Đồng thời, thành phố cần quyết liệt, tăng cường kiểm tra, kiểm soát các điểm kinh doanh, buôn bán tự phát, các cơ sở kinh doanh homestay, cơ sở lưu trú để tránh trường hợp lén lút cho thuê dịch vụ lưu trú nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh.
Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Phạm Viết Thanh yêu cầu thành phố cần quyết liệt hơn, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo kế hoạch của tỉnh. “Chúng ta không đặt mục tiêu bóc hết F0 ra khỏi cộng đồng nhưng phải kéo giảm tối đa số ca mắc trên địa bàn, kiểm soát hiệu quả dịch để tiến tới mở cửa”, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.
Bí thư Tỉnh ủy cũng chia sẻ khó khăn với thành phố do thiếu lực lượng y tế nên công tác xử lý ổ dịch, truy vết F1, đưa đi cách ly, lấy mẫu bệnh phẩm các trường hợp cách ly tại nhà... còn hạn chế. Ông Phạm Viết Thanh đề nghị thành phố củng cố lực lượng y tế cơ sở để chủ động cách ly y tế đối với các trường hợp F1, F0 tại nhà; quan tâm xử lý rác thải của F1, F0 tại nhà theo đúng quy trình để tránh lây lan dịch bệnh. Đồng thời, lưu ý thành phố cần cân đối, điều phối lực lượng y tế trước tiên cho xã Long Sơn - ổ dịch lớn và phức tạp nhất, hỗ trợ xã kiềm chế số ca mắc mới. Sở Y tế khẩn trương bổ sung vắc xin cho TP. Vũng Tàu để tăng lượng bao phủ vắc xin cho toàn dân.
Bài, ảnh: THI PHONG