Tổ chức tiêm vắc xin sớm và an toàn cho học sinh

Thứ Tư, 13/10/2021, 21:26 [GMT+7]
In bài này
.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa chủ trì buổi làm việc với một số bộ, ngành về tình hình thực hiện kế hoạch năm học 2021-2022.

Trao đổi về giải pháp cho năm học đặc biệt 2021-2022, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, phương án đầu tiên được tính đến là chỉ đạo các địa phương linh hoạt trong việc kết thúc năm học. Trong đó chấp nhận việc phải kéo dài thời gian để bù đắp kiến thức cho HS, tùy thuộc vào tình hình từng địa phương. Khi HS quay trở lại học trực tiếp thì hình thức dạy học trực tuyến, qua truyền hình vẫn được tiếp tục duy trì để bù đắp, củng cố kiến thức cho HS. Đồng thời, Bộ GD-ĐT sẽ có những điều chỉnh trong kiểm tra, đánh giá theo hướng phù hợp với tinh thần cốt lõi và khuyến khích tinh thần tự học của HS.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho hay, Bộ Y tế đã lựa chọn được loại vắc xin phù hợp và đang chuẩn bị nguồn vắc xin để sẵn sàng tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi. Bộ Y tế phấn đấu trong quý IV năm 2021 sẽ tiêm đủ 2 mũi cho trên 95% trẻ em thuộc đối tượng này. Đối với trẻ em từ 3-11 tuổi, Bộ Y tế đang tiếp cận nguồn vắc xin phù hợp, đồng thời tham khảo kinh nghiệm thế giới và các chuyên gia, nhà khoa học trong nước để triển khai khi đủ điều kiện.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thống nhất với phương án của Bộ GD-ĐT là kế hoạch năm học 2021-2022 sẽ kết thúc linh hoạt, tùy vào tình hình của địa phương. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng lưu ý, sự linh hoạt không chỉ ở cấp tỉnh mà còn phải xuống tới cấp huyện, cấp xã; việc thi cử, đánh giá kết quả học tập định kỳ, cuối năm phải được thực hiện rất linh hoạt.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT rà soát kỹ các quy định bảo đảm an toàn học đường, đồng thời phối hợp với Bộ Y tế tổ chức tiêm vắc xin sớm và thật an toàn cho HS trong độ tuổi theo quy định; chuẩn bị hệ thống giám sát y tế học đường, bảo đảm tất cả HS đến trường đều có đầu mối cụ thể theo dõi sức khỏe, được chăm sóc tâm lý học đường… Phó Thủ tướng cũng lưu ý ngành giáo dục một số nhiệm vụ dài hạn như bám sát các nội dung Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; chuẩn bị sơ kết đánh giá từng nội dung; kiến nghị những nội dung cần điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới.

HOÀNG DƯƠNG

 

;
.