Thay đổi lối sống để thích ứng an toàn với COVID-19

Thứ Sáu, 15/10/2021, 20:02 [GMT+7]
In bài này
.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh và xác định sống chung với COVID-19, nhiều người dân đã thay đổi lối sống theo hướng tích cực để thích ứng an toàn. 

Trong những ngày giãn cách xã hội, anh Lê Khắc Dũng (phường 3, TP. Vũng Tàu) trở thành tình nguyện viên, tham gia các hoạt động vì cộng đồng, lúc rảnh rỗi lại chăm sóc vườn rau của mình.
Trong những ngày giãn cách xã hội, anh Lê Khắc Dũng (phường 3, TP. Vũng Tàu) trở thành tình nguyện viên, tham gia các hoạt động vì cộng đồng, lúc rảnh rỗi lại chăm sóc vườn rau của mình.

Từ ngày 14/7, khi TP. Vũng Tàu bắt đầu thực hiện giãn cách xã hội, anh Lê Khắc Dũng (ngụ phường 3, TP. Vũng Tàu) đã tận dụng mảnh đất trống cạnh nhà để cải tạo trồng rau xanh với các loại: muống, mùng tơi, bầu, mướp, xà lách, rau thơm, hoa đậu biếc… Do vậy, suốt 4 tháng qua, anh Dũng không lúc nào ngơi tay.

Anh Dũng là gia sư chuyên dạy kèm cho HS. Dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, vợ anh làm việc tại TP. Hồ Chí Minh - vùng tâm dịch nên không thể về thăm nhà. Trong khoảng thời gian này, anh làm tình nguyện viên cho các hoạt động thiện nguyện như: thu hoạch rau xanh giúp nông dân; chuyển những phần quà nghĩa tình đến các khu dân cư cách ly, phong tỏa; hỗ trợ các đợt tiêm vắc xin… Những lúc rảnh rỗi, anh làm vườn. “Hiện nay, ngoài thời gian dạy online, tôi vẫn tiếp tục trồng rau, chăm sóc cây xanh. Nhà dùng không hết, tôi đem biếu bà con lối xóm ăn lấy thảo. Nhờ đó, những ngày giãn cách không nhàm chán mà rất có ý nghĩa”, anh Dũng nói.

Chị Nguyễn Thị Nhân (ngụ phường Rạch Dừa, TP. Vũng Tàu) là lao động tự do. Khi thực hiện giãn cách xã hội, chị không có việc làm. Tận dụng thời gian này, chị lên mạng tự tìm tòi, học hỏi để biết cách bán hàng online kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống.  

Chị Nhân cho hay, trước khi dịch bệnh xảy ra, vợ chồng chị luôn bận rộn với việc mưu sinh nên ít có thời gian bên nhau. Khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội, dù mất việc làm, cuộc sống trở nên khó khăn, bí bách hơn. Nhưng chị đã cố gắng thích nghi với cuộc sống, tập bán hàng online để kiếm thêm thu nhập. Nhờ đó, áp lực do dịch bệnh cũng giảm đi phần nhiều. “Tôi còn nhận thấy những điểm tích cực như gia đình được quây quần cùng nhau nhiều hơn, cô con gái nhỏ 3 tuổi cũng có dịp chơi đùa, trò chuyện cùng với  ba mẹ…”, chị Nhân nói.

Theo bà Lê Bích Hạnh, chuyên gia tư vấn tâm lý tại TP. Vũng Tàu, việc thích ứng với sự thay đổi của cuộc sống trong đại dịch là điều không dễ dàng với mỗi người. Ban đầu tâm lý chung của mọi người là hoang mang, lo lắng, khó chấp nhận. Theo thời gian, chúng ta dần học được cách chấp nhận những điều không mong muốn từ đại dịch. Những người có thói quen duy trì suy nghĩ tích cực sẽ giúp họ đối phó tốt hơn với những căng thẳng và áp lực do mùa dịch. Vì vậy, mỗi người nên luyện tập để tạo được thói quen này để vượt qua khó khăn một cách nhẹ nhàng hơn.

Bà Hạnh cho rằng có thể ví giai đoạn dịch bệnh vừa qua như một khóa học khắc nghiệt mà chúng ta trả giá về vật chất, sức khỏe, thậm chí là cả sinh mạng. Do đó, mỗi con người đều rút ra được những bài học rất đắt giá ở những mức độ khác nhau cho riêng mình, rèn tính kiên nhẫn, sự chấp nhận và cả về tình người, sự cho đi…

Khi trở về cuộc sống bình thường mới, chúng ta sẽ đối mặt nhiều khó khăn, nhưng hãy lạc quan nghĩ rằng chúng ta đang có cơ hội được sống đã là điều may mắn hơn nhiều người. Song song đó, để thích ứng an toàn với đại dịch COVID-19, chúng ta nên duy trì sự quan tâm chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần; tin tưởng vào bản thân sẽ vượt qua nghịch cảnh. “Con người không thay đổi được hoàn cảnh nhưng có thể thay đổi được thái độ trước hoàn cảnh đó và chọn cách thích nghi an toàn sẽ hình thành nếp sống mới tốt hơn”, chuyên gia tâm lý Lê Bích Hạnh tư vấn.

Bài, ảnh: AN NHIÊN

;
.