Không chữa trị sớm bệnh mắt có thể gây mù lòa vĩnh viễn

Thứ Sáu, 15/10/2021, 15:07 [GMT+7]
In bài này
.

Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Mắt tỉnh khám và điều trị cho khoảng 300 bệnh nhân mắc các bệnh về mắt. Người gặp các vấn đề về mắt sẽ khiến sức khỏe giảm sút, cuộc sống gặp nhiều trở ngại. Đặc biệt, những bệnh nguy hiểm nếu không chữa trị kịp thời và đúng phương pháp có thể làm bệnh nhân bị mù lòa.

Người dân đến khám bệnh tại Bệnh viện Mắt tỉnh.
Người dân đến khám bệnh tại Bệnh viện Mắt tỉnh.

Bệnh nhân gia tăng

Thời điểm này, dù dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp nhưng số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị tại Bệnh viện Mắt tỉnh vẫn đông. Bác sĩ và nhân viên y tế làm việc hết công suất.

Ông Dương Văn Lập, 75 tuổi, ở ấp Tân Hòa, xã Bàu Chinh (huyện Châu Đức) vừa được Bệnh viện Mắt tỉnh phẫu thuật đục thủy tinh thể mắt phải. Hơn 3 tháng trước, hai mắt của ông bắt đầu có dấu hiệu mờ dần, nhìn không rõ. Mỗi lần muốn đi đâu, ông Lập phải nhờ người thân dìu, không dám làm việc gì. Ông cũng không thấy chữ để đọc báo hay xem ti vi. Sau khi dịch đã được kiểm soát, ông đến Bệnh viện Mắt tỉnh khám và được bác sĩ tư vấn phẫu thuật. “Mắt không thấy gì khiến tôi cảm thấy phiền phức khi phải phụ thuộc người khác hỗ trợ. Nay tôi đã phẫu thuật, hi vọng mắt sẽ sáng trở lại, cuộc sống lại như xưa”, ông Lập phấn khởi nói.

Bác sĩ Nguyễn Hoàng Tùng, Trưởng Khoa Khám bệnh cấp cứu (Bệnh viện Mắt tỉnh) cho biết, thời gian gần đây khi gặp các vấn đề về mắt, người dân đã biết đến khám và chữa trị kịp thời tại bệnh viện. Trung bình lượng bệnh nhân đến bệnh viện tăng khoảng 20% mỗi năm, trong đó đa phần là người lớn tuổi. Mắt của họ bị đục thủy tinh thể. Mỗi tuần, bệnh viện phẫu thuật từ 70 - 100 ca liên quan đến bệnh này. Sau khi phẫu thuật, mắt của bệnh nhân hồi phục nhanh và nhìn rõ mọi vật.

Ngoài đục thủy tinh thể, người bệnh có thể gặp một số bệnh khác như: Glaucoma, võng mạc đái tháo đường, thoái hóa hoàng điểm tuổi già… Đây là những bệnh nguy hiểm, nếu không phát hiện và chữa trị sớm có thể gây mù lòa. Bên cạnh đó, người trẻ có thể mắc các bệnh tật khúc xạ như cận thị, viễn thị, loạn thị, võng mạc đái tháo đường… ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống và học tập. Do vậy, khi gặp các vấn đề bất thường ở mắt, người dân nên đi khám sớm tại các cơ sở y tế chuyên về mắt để được bác sĩ khám và tư vấn biện pháp chữa trị hiệu quả.

Bác sĩ Bệnh viện Mắt tỉnh phẫu thuật mắt cho một bệnh nhân.
Bác sĩ Bệnh viện Mắt tỉnh phẫu thuật mắt cho một bệnh nhân.

Bảo vệ đôi mắt khỏe mạnh

Bác sĩ Nguyễn Viết Giáp, Gám đốc Bệnh viện Mắt tỉnh cho rằng, một con mắt bình thường được đánh giá trên nhiều góc độ như: Nhìn mọi vật một cách rõ ràng, nhìn xa hay gần đều thoải mái; phân biệt được các màu sắc và những chuyển động chi tiết; mắt mở to hay nhắm kín đều cảm giác thoải mái kể cả những người bị tật khúc xạ.

Để bảo vệ đôi mắt, mỗi người dân cần phải đi khám mắt định kỳ kể cả khi mắt bình thường, dưới 40 tuổi đi khám 2-3 năm/lần, trên 50 tuổi đi khám 1-2 năm/lần và số lần đi khám dày hơn khi tuổi càng cao. Những trường hợp có yếu tố nguy cơ như: Người từ 40 tuổi trở lên, người mắc các bệnh nền: Tiểu đường, cao huyết áp, mỡ máu, bệnh thận và các bệnh toàn thân thì cần phải đi khám sớm hơn và khám định kỳ. Hơn nữa, những người có các triệu chứng bất thường ở mắt như: Nhìn cảm thấy mờ, nhìn thấy có những điểm đen như con ruồi, nhìn thấy có hiện tượng chớp sáng như đèn pin chạy bên thái dương, hoặc nhức, ngứa, cộm... cũng nên đi khám.

Bệnh viện Mắt tỉnh đang sử dụng các thiết bị khám và điều trị mắt hiện đại như: Máy chụp hình màu đáy mắt, máy chụp cắt lớp võng mạc, máy đo nhãn áp không tiếp xúc, máy cắt dịch kính, máy mổ Phaco, máy siêu âm mắt A-B 3 chiều… Bệnh cạnh đó còn có các kỹ thuật mới: Chẩn đoán và điều trị bệnh lý bán phần sau, tiêm nội nhãn, điều trị bệnh Glaucoma, Laser quang đông võng mạc.

Đặc biệt, những trường hợp bị chấn thương, mắt mờ đột ngột, bị chói với ánh sáng khi mở mắt ra và phải nhắm lại thì phải đi khám ngay. Bởi để bệnh lâu ngày, có thể gây nên mù lòa vĩnh viễn.

Bác sĩ Nguyễn Viết Giáp tư vấn thêm, để phòng ngừa các bệnh về mắt, mỗi người phải tập cho mình những thói quen lành mạnh trong cuộc sống như: Ngủ đủ giấc, chế độ dinh dưỡng phù hợp, tránh những hoạt động gây ảnh hưởng đến mắt; phòng ngừa tia cực tím, bảo vệ mắt trong quá trình lao động, sản xuất… Khi bị bệnh mắt thì không được sử dụng các loại thuốc của người khác và tự ý đi mua các cái loại thuốc bên ngoài. Đã có nhiều trường hợp bị trầy giác mạc, loét giác mạc… do dùng các loại thuốc không đúng và phù hợp, khiến bệnh nặng hơn, gây nhiễm nấm, nhiễm vi trùng có thể dẫn đến mù lòa", bác sĩ Giáp nhấn mạnh.

Bài, ảnh: TUỆ LÂM

;
.