Nếu không có bất thường, đầu tháng 11, HS sẽ trở lại trường

Thứ Sáu, 24/09/2021, 23:39 [GMT+7]
In bài này
.

Từ ngày 23/9, tỉnh BR-VT chính thức áp dụng Chỉ thị 15, nới lỏng giãn cách xã hội. Một trong những vấn đề được phụ huynh quan tâm lúc này là bao giờ HS đến trường học tập trực tiếp. Phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Ngọc Châu, Giám đốc Sở GD-ĐT về vấn đề này.

* Phóng viên: Thời điểm này, toàn tỉnh đang áp dụng Chỉ thị 15. Vậy HS có thể quay trở lại trường để học tập trực tiếp hay chưa, thưa bà?

- Bà Trần Thị Ngọc Châu: Mặc dù hiện nay toàn tỉnh đã nới lỏng giãn cách xã hội, chuyển từ thực hiện Chỉ thị 16 sang Chỉ thị 15, tuy nhiên, từ nay đến hết tháng 10, trừ huyện Côn Đảo, HS các địa phương khác vẫn chưa thể đi học trở lại.

Theo lộ trình mà Sở GD-ĐT đã xây dựng để thực hiện kế hoạch năm học thì giai đoạn từ nay đến 30/9, các cơ sở giáo dục vẫn tiếp tục nỗ lực triển khai dạy và học trực tuyến bảo đảm chất lượng cho cấp THCS và THPT, GDTX. Cấp học MN duy trì không tổ chức dạy học trực tuyến mà nhà trường sẽ cung cấp video để hướng dẫn phụ huynh chăm sóc trẻ tại nhà. Với cấp TH, ngành chú trọng các nội dung trọng tâm, có tính xuyên suốt của môn Toán và Tiếng Việt, tổ chức dạy học trực tuyến với hình thức linh hoạt, phù hợp với tâm lý lứa tuổi của HS TH, đặc biệt là với HS lớp 1, lớp 2. Riêng huyện Côn Đảo duy trì tổ chức dạy học trực tiếp và bảo đảm phòng chống dịch theo Chỉ thị 19 của Chính phủ đang áp dụng trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả giảng dạy, ngành còn kết hợp phát sóng chương trình dạy học trên truyền hình cho HS lớp 1, lớp 2 và lớp 6.

* Vậy thì, đến khi nào HS các cấp có thể tới trường để học tập trực tiếp, thưa bà?

- Mặc dù từ nay đến hết tháng 10, HS các cấp học chưa thể đi học trở lại nhưng từ nay tới hết tháng 9, trong trường hợp tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn được kiểm soát tốt, ngành sẽ xem xét cho những đối tượng học tập trực tuyến kém hiệu quả nhất là HS lớp 1, lớp 2, HS gặp khó khăn về thiết bị học tập được đến trường học tập trực tiếp trên cơ sở tuân thủ các quy định phòng, chống dịch.

Dự kiến, tới tháng 11, ngành sẽ tổ chức dạy học trực tiếp phù hợp với tình hình dịch bệnh của địa bàn, đồng thời tổ chức tốt các phương án an toàn cho trẻ MN học trực tiếp để huy động trẻ ra lớp đối với các địa phương an toàn về dịch bệnh.

Tận dụng tối đa thời gian dạy học trực tiếp, ngành sẽ tập trung rà soát nội dung kiến thức cốt lõi theo từng cấp học, tranh thủ thời gian dạy học trực tiếp để hoàn thiện và bổ sung kiến thức tốt nhất cho HS theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, bảo đảm thực hiện được nhiệm vụ năm học 2021-2022 một cách chất lượng. Cùng với đó là việc hoàn thành những nhiệm vụ của học kỳ I năm học 2021-2022 chưa thực hiện được trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để sơ kết học kỳ I và triển khai nhiệm vụ học kỳ II theo kế hoạch năm học.

Theo lộ trình Sở GD-DT xây dựng thì đến tháng 1/2022, ngành có thể tổ chức thực hiện hoạt động giáo dục trong trạng thái bình thường mới, tổ chức dạy học trực tiếp phù hợp với tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, đồng thời tiếp tục rà soát, tổ chức tốt các phương án an toàn cho trẻ MN học trực tiếp với các địa phương đã an toàn về dịch bệnh. Giai đoạn này, ngành vẫn tập trung rà soát về nội dung kiến thức cốt lõi theo từng cấp học, tranh thủ thời gian dạy học trực tiếp để thực hiện nhiệm vụ trong học kỳ II năm học 2021-2022. Cùng với đó là việc xây dựng các phương án ứng phó với tình hình kiểm soát dịch bệnh khác nhau trên địa bàn tỉnh để triển khai nội dung học kỳ II, các kỳ thi cuối cấp, chuyển cấp an toàn, thuận lợi và đạt được kết quả cao.

Ngoài ra, các địa phương có thể căn cứ tình hình thực tiễn tại địa bàn để đề xuất phương án dạy và học cho phù hợp.

Từ nay tới hết tháng 10, HS toàn tỉnh (trừ huyện Côn Đảo) vẫn tiếp tục học tập trực tuyến. Trong ảnh: Em Trần Đình Hải Phong, HS lớp 1.1 Trường TH Song Ngữ (TP. Vũng Tàu) đang tham gia học tập trực tuyến.
Từ nay tới hết tháng 10, HS toàn tỉnh (trừ huyện Côn Đảo) vẫn tiếp tục học tập trực tuyến. Trong ảnh: Em Trần Đình Hải Phong, HS lớp 1.1 Trường TH Song Ngữ (TP. Vũng Tàu) đang tham gia học tập trực tuyến.

* Để việc triển khai dạy và học diễn ra theo đúng lộ trình, ngành GD-ĐT có sự chuẩn bị như thế nào, thưa bà?

- Trước mắt, ngành sẽ tiếp tục vận động hỗ trợ thiết bị học tập trực tuyến cho HS trên địa bàn tỉnh, đồng thời báo cáo Bộ GD-ĐT về số lượng HS thiếu thiết bị tham gia học trực tuyến để các em được hỗ trợ theo chương trình “Sóng và máy tính cho em” của Chính phủ nhằm bảo đảm không có HS nào không được tham gia học tập. Và đặc biệt, để chuẩn bị đón HS đi học trở lại, ngành sẽ phối hợp Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch các huyện, thị xã, thành phố rà soát, bàn giao lại các cơ sở trường học đã trưng dụng làm khu cách ly trước ngày 1/11. Những cơ sở này sẽ được sửa chữa, khử khuẩn để bảo đảm an toàn cho GV, HS khi đi học trở lại. Song song với đó, ngành sẽ rà soát tình hình tiêm vắc xin COVID-19 cho đội ngũ để bảo đảm phòng, chống dịch khi tổ chức dạy học trực tiếp cho tất cả các cấp học trên địa bàn tỉnh, đồng thời đề xuất tiêm vắc xin cho HS dưới 18 tuổi theo chủ trương của Bộ GD-ĐT và những HS đã tốt nghiệp THPT chuẩn bị nhập học ĐH, CĐ.

Ngoài ra, ngành còn triển khai các chính sách hỗ trợ học phí cho HS trên địa bàn tỉnh sau khi HĐND tỉnh phê chuẩn, góp phần giảm gánh nặng tài chính cho phụ huynh HS trong năm học đặc biệt này.

* Triển khai tiêm vắc xin được xem là giải pháp tối quan trọng để bảo đảm an toàn cho cả đội ngũ cán bộ, GV và HS khi tổ chức dạy học trực tiếp.  Tiến độ tiêm vắc xin trong ngành giáo dục đến thời điểm này ra sao, thưa bà?

- Đến thời điểm này, tiến độ tiêm vắc xin của đội ngũ cán bộ, GV ngành giáo dục tương đối thấp và không đồng đều ở các địa bàn. Năm học này, các đơn vị trực thuộc Sở GD-ĐT có tổng số 2.985 cán bộ, GV nhưng có tới gần 1.500 người chưa được tiêm vắc xin; tỷ lệ cán bộ, GV được tiêm vắc xin mũi 1 mới đạt 49,61%, tỷ lệ tiêm mũi 2 chỉ đạt 3,8%. TP. Vũng Tàu và huyện Xuyên Mộc là hai địa phương có tỷ lệ tiêm chủng cho cán bộ, GV thấp nhất. Tại huyện Xuyên Mộc, tỷ lệ cán bộ, GV được tiêm vắc xin mũi 1 chỉ đạt 7,09%, tỷ lệ tiêm mũi 2 là 0,8%. Tại TP. Vũng Tàu, tỷ lệ tiêm chủng mũi 2 chỉ đạt 0,7%, còn mũi 1 là 26,09%.

Còn các cơ sở giáo dục trực thuộc phòng GD-ĐT các huyện, thị xã, thành phố, kể cả các trường tư thục, tỷ lệ cán bộ, GV chưa được tiêm chủng còn khoảng 40%, tỷ lệ tiêm chủng đủ 2 mũi cũng chỉ đạt 5,9%. Các địa phương: Xuyên Mộc, TP. Vũng Tàu có tỷ lệ tiêm chủng cho cán bộ, GV các trường từ MN tới THCS thấp nhất tỉnh. Riêng đối tượng HS, đến thời điểm này, các em vẫn chưa được tiêm chủng. Để bảo đảm an toàn cho đội ngũ cán bộ, GV và các em HS khi tổ chức dạy học trực tiếp, ngành giáo dục kiến nghị tỉnh quan tâm, sớm hoàn thành việc tiêm chủng cho những đối tượng này để việc triển khai kế hoạch, nhiệm vụ năm học của ngành diễn ra an toàn, thuận lợi.

* Xin cảm ơn bà!

HẢI BÌNH
(Thực hiện)

;
.