Gác lại tình riêng, xông pha nơi tuyến đầu
Đã gần 2 tháng bám chốt, bám địa bàn dân cư, làm việc tại khu cách ly, những “chiến sĩ” tuyến đầu chống dịch như công an, y tế... không được về nhà, kể cả vào những thời khắc quan trọng nhất của cuộc đời. Họ phải gác lại tình riêng vì mục tiêu chung là sớm đẩy lùi dịch bệnh.
Trung úy Nguyễn Văn Nhựt Tâm làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát trên QL51 (TX. Phú Mỹ). |
TÌNH NGUYỆN Ở LẠI KHU CÁCH LY
Chỉ có 4 thành viên trong một kíp trực, nên công việc hàng ngày của dược sĩ Nguyễn Hồng Hạnh, Khoa Dược và vật tư thiết bị y tế, Trung tâm Y tế TP. Vũng Tàu, làm việc trong khu cách ly tập trung KTX Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ tỉnh BR-VT luôn bận rộn: tiếp nhận người cách ly, nhập dữ liệu, làm báo cáo, kiểm tra thân nhiệt, lấy mẫu xét nghiệm, cả kiểm soát và giao nhận rác thải y tế… Công việc nhiều, tiết trời nắng nóng, bộ đồ bảo hộ ướt đẫm mồ hôi nhưng lúc nào chị Hạnh cũng vui vẻ, lạc quan. Chị Hạnh cho biết: “Công việc nhiều áp lực và mệt mỏi bởi hàng ngày phải tiếp xúc với hàng trăm F1, phải mặc những bộ đồ bảo hộ kín mít toàn thời gian làm việc. Nhưng vì sức khỏe của mọi người, chúng tôi không được phép gục ngã, quyết tâm để hoàn thành nhiệm vụ, sớm đẩy lùi dịch bệnh”.
Sau mỗi ngày làm việc mệt nhoài, chị Hạnh lại được tiếp năng lượng khi trò chuyện qua điện thoại với hai con đang ở nhà cùng ba. Con gái nhỏ liên tục nói: “Mẹ ơi, khi nào mẹ về, con nhớ mẹ quá à”. Đầu dây bên này, chị Hạnh lén lau những giọt nước mắt. Rồi cố kìm lòng, chị cười thật tươi qua màn hình và nói: “Con ở nhà ngoan nhé. Mẹ sớm hoàn thành công việc mẹ về với 2 con…”. Vẫy tay chào con, buông điện thoại xuống chị Hạnh bật khóc.
Ngày 26/7 là ngày dược sĩ Nguyễn Hồng Hạnh hoàn thành kíp trực 14 ngày, nhưng chị tình nguyện ở lại làm nhiệm vụ thêm 14 ngày nữa trong khu cách ly tập trung. Chị Hạnh tâm sự: “Lúc này mọi người đang cần đến chúng tôi. Tôi muốn góp một phần công sức nhỏ bé của mình để mong ngày hết dịch, các gia đình như chúng tôi được đoàn tụ”.
VỢ SINH CON CŨNG KHÔNG CÓ MẶT
“Ngày con chào đời, ba đang trên tuyến đầu chống dịch” là câu chuyện xúc động của Trung úy Nguyễn Văn Nhựt Tâm (27 tuổi), Trung đội Vệ Binh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đang làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát trên Quốc lộ 51 (phường Phú Mỹ, TX. Phú Mỹ). Ngày 21/7, con gái đầu lòng của anh Tâm đã chào đời tại Bệnh viện Bà Rịa trong khi anh đang làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu.
Nhà ở xã An Ngãi, huyện Long Điền, từ ngày 14/6, Trung úy Nguyễn Văn Nhựt Tâm được Bộ Chỉ huy Quân sự điều động tăng cường lên Phú Mỹ làm nhiệm vụ phân luồng xe, hướng dẫn người dân, tài xế khai báo y tế. Công việc của anh xoay vòng ở 4 chốt trực trên QL51. Đã hơn 1,5 tháng qua, anh Tâm không được về nhà. Xong nhiệm vụ, anh và đồng đội lại trở về khu cách ly KTX Trường CĐ Quốc tế Vabis Hồng Lam (TX. Phú Mỹ). Lúc anh đi nhận nhiệm vụ, vợ anh đang bước vào cuối thai kỳ. Khi vợ sinh con gái đầu lòng, anh không có ở bên để động viên, chăm sóc. Trong cuộc điện thoại ngắn với phóng viên Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, anh Tâm xúc động: “Nhận được tin vợ sinh con gái đầu lòng “mẹ tròn con vuông”, bé nặng 3kg, tôi vui lắm. Lần đầu làm cha nhưng lại đang làm nhiệm vụ chống dịch ở tuyến đầu, tôi không thể ở bên cạnh để chăm lo cho vợ con nên cũng hơi tủi thân chút xíu. Mong con gái sẽ bình an, mau lớn và không giận ba”.
Công việc của anh sẽ còn tiếp tục. Ở tuyến đầu, anh vẫn hàng ngày đối diện nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Nỗi nhớ vợ, thương con sẽ vẫn còn nhưng Trung úy Nguyễn Văn Nhựt Tâm đành phải gác lại một bên để vững vàng trong cuộc chiến chống COVID-19, bảo vệ bình yên cho nhân dân.
Dù nhà và đơn vị chỉ cách nhau 8km nhưng đã hơn 1 tháng, Trung tá Nguyễn Ngọc Vũ, Trưởng Công an phường Phước Hòa (TX. Phú Mỹ) không về nhà, bởi anh là thủ trưởng của một đơn vị hàng ngày phải làm nhiệm vụ ở các chốt kiểm dịch. Phường Phước Hòa là địa bàn đầu tiên tại TX. Phú Mỹ phát hiện ca bệnh COVID-19. Từ đó, anh phải bám địa bàn, cắm chốt, cùng cán bộ chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ ở tuyến đầu với 100% quân số chốt trực. Ngoài ra, anh và đồng đội còn làm công tác dân vận, chở từng bao gạo, thùng mì, nhu yếu phẩm đến những gia đình khó khăn, phòng trọ có công nhân bị mất việc…
“Hôm trước có dịp ghé qua nhà (khu phố Vạn Hạnh, phường Phú Mỹ), tôi để thùng mì trước cổng rồi gọi điện cho vợ ra nhận mà không dám đến gần. Vợ con đứng trong song cửa, tôi đứng ngoài song cửa cách xa 5 mét, chỉ nhìn nhau, vẫy tay chào tạm biệt rồi đi. Ngoài kia bao nhiêu người đang vất vả chống dịch, bao nhiêu đồng đội ngày đêm cắm chốt, tôi hy sinh một chút tình riêng có đáng gì”, anh Vũ nói.
Cuộc chiến với COVID-19 còn kéo dài. Ngày được về nhà của các chiến sĩ công an, những y bác sĩ, dược sĩ chắc không phải là ngày mai, ngày kia nhưng họ vẫn vững tâm, miệt mài “chiến đấu” để sớm đẩy lùi dịch bệnh.
Bài, ảnh: SONG THƯ