Anh thợ may thành giám đốc doanh nghiệp
Khởi nghiệp từ cơ sở may nhỏ, sau 15 năm, anh Trần Thành Nam (SN 1975, phường Long Hương, TP.Bà Rịa) đã mở rộng cơ sở thành Công ty TNHH may ba lô, túi xách Vân Nam, tạo việc làm cho hơn 300 lao động, chủ yếu là phụ nữ nông thôn.
Anh Trần Thành Nam (trái), Giám đốc Công ty TNHH may ba lô túi xách Vân Nam hướng dẫn công nhân bộ phận cắt nguyên liệu. |
Năm 2000, anh Nam lặn lội từ Ninh Bình vào Bà Rịa làm công nhân may ba lô, túi xách và quyết định lập gia đình rồi lập nghiệp ở vùng đất này. Tích lũy được ít vốn, năm 2005, anh bàn với vợ thuê mặt bằng, mở cơ sở may gia công chi tiết các bộ phận của ba lô, túi xách tại phường Long Hương. Dù thạo việc và có kinh nghiệm trong lĩnh vực may gia công nhưng do nguồn vốn ít ỏi, chưa quen với thương trường nên những tháng đầu đi vào hoạt động, cơ sở may của anh gặp nhiều khó khăn.
Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, tập trung vào những mặt hàng cần thiết ở địa phương là ba lô cho HS, anh Nam tiếp tục theo đuổi kế hoạch ban đầu là phát triển nghề may gia công và hướng tới các sản phẩm hoàn chỉnh, chất lượng tốt, mẫu mã riêng biệt do mình tự thiết kế. Sản phẩm được bán với giá phải chăng, nên được người dân địa phương ưa chuộng, xưởng may dần có khách hàng ổn định. “Thừa thắng xông lên, năm 2012, vợ chồng tôi quyết định thành lập Công ty TNHH may ba lô, túi xách Vân Nam, đầu tư hơn 30 máy may công nghiệp và mở rộng xưởng lên hơn 1.000m2. Tôi cũng mua máy móc, trang thiết bị, tuyển nhân công để đảm nhận tất cả các khâu từ thiết kế mẫu, lên khuôn, cắt, may đến kiểm tra và hoàn thiện sản phẩm theo quy trình khép kín”, anh Nam nói về bước đi đầy táo bạo của mình.
Hơn 2 năm qua, vợ chồng chị Trần Thị Thu Trinh (SN 1987) và anh Bùi Minh Tiễn (SN 1982, xã An Nhứt, huyện Long Điền), công nhân Công ty may Vân Nam đều đặn có mặt từ 7 giờ 30 để bắt đầu công việc. Chị Trinh làm ở bộ phận may, anh Tiễn phụ trách khâu cắt nguyên liệu, mỗi tháng thu nhập của cả 2 khoảng 15 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản chi tiêu và lo cho con trai đang học lớp 6, vợ chồng chị để dành được 5 triệu đồng/tháng. Sau giờ làm việc ở xưởng may, công nhân có thể nhận thêm sản phẩm về nhà may gia công hoặc làm đầu mối nhận giao cho các chị em khác cùng làm để tăng thu nhập. Những chị em có con nhỏ được tạo điều kiện để đưa con đến trường và đón về, sau đó trở lại xưởng may làm việc. “Vừa có thời gian chăm sóc gia đình, lại vừa có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống nên tôi rất thích làm việc ở đây”, chị Trinh chia sẻ.
Không chỉ giải quyết việc làm cho hơn 50 lao động trực tiếp tại công ty, anh Nam còn mở rộng hoạt động mô hình vệ tinh mở. Với mô hình này, hơn 250 lao động tại các phường lân cận của TP. Bà Rịa và huyện Long Điền, Đất Đỏ được anh hỗ trợ máy may để nhận hàng may gia công tại nhà. Theo anh, hình thức này không chỉ phát triển hoạt động sản xuất của công ty mà còn là cách giúp người lao động, nhất là lao động nữ vừa có thời gian chăm sóc gia đình vừa có thu nhập.
Đi lên từ khó khăn nên anh Nam thấu hiểu được những khó khăn trong cuộc sống của người lao động. Trong nhiều năm liền, Công ty Vân Nam đồng hành cùng địa phương và Đoàn thanh niên phường Kim Dinh, TP. Bà Rịa tặng học bổng cho HS nghèo. Trước thềm năm học mới 2020-2021, anh Nam đã thiết kế may hơn 1.500 chiếc cặp, trị giá hơn 150 triệu đồng tặng HS nghèo tại địa phương.
Nhận thấy người lao động của công ty đa phần ở độ tuổi thanh niên, với mong muốn tạo nơi giao lưu, học hỏi cho người lao động, cuối tháng 8/2020, Chi đoàn Công ty Vân Nam, trực thuộc Đoàn phường Kim Dinh đã được thành lập, do anh Nam làm Bí thư. Anh Nguyễn Tấn Phúc, Bí thư Đoàn Phường Kim Dinh nhận xét: “Anh Nam có nhiều đóng góp cho hoạt động an sinh xã hội của địa phương. Việc Công ty Vân Nam thành lập tổ chức Đoàn là một điểm sáng cho Đoàn phường Kim Dinh trong công tác vận động các DN chung tay với Đoàn phường tham gia thực hiện các hoạt động vì cộng đồng tại địa phương”.
Bài, ảnh: BÍCH NGỌC