.
KỶ NIỆM 45 NĂM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC (30/4/1975 - 30/4/2020)

Tình Bắc - Nam kết nghĩa keo sơn

Cập nhật: 22:49, 15/04/2020 (GMT+7)

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975), tình kết nghĩa Bắc - Nam gắn bó keo sơn là một trong những biểu hiện cụ thể của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Bắc - Nam kết nghĩa không chỉ là một phong trào yêu nước cụ thể, mà còn chứa đựng trong đó tư tưởng lớn, mang tầm chiến lược của cách mạng, chuẩn bị cho tương lai khi “Mỹ cút, ngụy nhào”, Tổ quốc thống nhất, hai miền cùng đi lên CNXH.

Bộ đội miền Bắc lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam. Ảnh tư liệu.
Bộ đội miền Bắc lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam. Ảnh tư liệu.

NỞ RỘ PHONG TRÀO KẾT NGHĨA

Ngày 2/4/1959, tại thị xã Phủ Lý đã diễn ra trọng thể lễ kết nghĩa giữa hai tỉnh Hà Nam với Biên Hòa - mở đầu sự kiện lịch sử kết nghĩa giữ các tỉnh, thành hai miền Nam - Bắc. Ngày 20/7/1959, tỉnh Hà Nam tổ chức cuộc mít tinh với hơn 16.000 người tham gia, phát động các cấp, các ngành và toàn dân trong tỉnh hưởng ứng, tham gia phong trào vì tỉnh Biên Hòa kết nghĩa, vì miền Nam ruột thịt. 

Từ đây, phong trào kết nghĩa lan tỏa mạnh mẽ, có sức hút lớn và thổi bùng khắp miền Bắc. Chưa đầy 10 tháng, sau sự kiện Hà Nam kết nghĩa với Biên Hòa thì các địa phương như: Hải Dương - Phú Yên, Nam Định - Mỹ Tho, Hà Tĩnh - Bình Định, Thanh Hóa - Quảng Nam, Bắc Giang - Sóc Trăng, Hồng Quảng (Hòn Gai và Quảng Yên, nay thuộc tỉnh Quảng Ninh) - Bà Rịa, Hải Phòng - Đà Nẵng… trang trọng tổ chức lễ kết nghĩa. Hà Nội - Huế - Sài Gòn, ba địa phương đại diện cho ba miền Bắc, Trung, Nam, những thành phố cuối cùng trong cả nước tổ chức lễ kết nghĩa vào ngày 8/10/1960, tại Ba Đình, Hà Nội.

Trên dải đất hình chữ S, phong trào kết nghĩa keo sơn Bắc - Nam tạo nên bức tranh đầy màu sắc, sinh động, hấp dẫn. Hà Nội - Huế - Sài Gòn “như cây một gốc, như con một nhà”, trở thành cú giáng mạnh vào tâm địa thực dân Pháp muốn chia cắt lâu dài đất nước ta và như một lời tuyên bố đanh thép với đế quốc Mỹ rằng: Sông Bến Hải, cầu Hiền Lương không thể chia cắt được lòng người Nam Bắc; Hải Phòng - Đà Nẵng “nặng lòng tình nghĩa”; Nghệ An - Quảng Ngãi “An Ngãi quật khởi”; Hải Dương - Phú Yên “Thắm tình Hải Phú”; Hà Tĩnh - Bình Định “Bình Hà quyết thắng”; Bạc Liêu - Ninh Bình “Keo sơn gắn bó mối tình Bắc - Nam”…

Vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam. Ảnh tư liệu.
Vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam. Ảnh tư liệu.

TIẾP SỨC CHO TIỀN TUYẾN

Các tỉnh thành giữa hai miền kết nghĩa đã tạo sức mạnh tinh thần và vật chất to lớn đè bẹp kẻ cướp nước và lũ bán nước. Đồng bào miền Nam đã động viên miền Bắc thi đua sản xuất “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Hàng loạt các cuộc tuần hành, lấy chữ ký đòi Mỹ - Diệm hủy bỏ Luật 10/59; phản đối Mỹ - Diệm đàn áp khủng bố đồng bào miền Nam rầm rộ diễn ra. Qua làn sóng Đài Phát thanh giải phóng, nhân dân miền Bắc gửi lời thăm hỏi, động viên, cổ vũ, chung vui với những chiến công của nhân dân các tỉnh thành kết nghĩa miền Nam. Dù đời sống còn khó khăn, nhưng các gia đình ở miền Bắc sẵn sàng, tự nguyện đón nhận nuôi dưỡng cán bộ tập kết và con em miền Nam kết nghĩa ra Bắc; đầu tư xây dựng những ngôi trường khang trang để cho con em miền Nam có điều kiện học tập tốt nhất; lựa chọn những học sinh miền Nam có khả năng, triển vọng gửi sang Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu học tập, sau này trở thành những cán bộ cốt cán của đất nước. 

Được động viên, cổ vũ từ đồng bào các tỉnh thành kết nghĩa, cả miền Bắc “mỗi người làm việc bằng hai”, “Làm ngày chưa đủ, tranh thủ làm đêm”, tạo nhiều của cải vật chất nhất, dồn sức người, sức của vì miền Nam thương yêu. Từng tỉnh thành đưa các đơn vị bộ đội của mình vào tỉnh thành kết nghĩa ở miền Nam chiến đấu; đưa các đoàn văn công vào tận chiến trường phục vụ, tặng thư viện, đài truyền thanh… Sau ngày miền Nam giải phóng, các tỉnh thành kết nghĩa tiếp tục chia sẻ, giúp đỡ nhau về giáo dục, y tế, văn hóa, sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống... 

 Đồng bào miền Nam chia lửa để giữ cuộc sống bình yên cho nhân dân miền Bắc yên tâm xây dựng CNXH. Khắp chiến trường miền Nam “Bám thắt lưng địch mà đánh”, đánh giặc bằng ba mũi giáp công, trên cả ba vùng chiến lược, đấu tranh chính trị và quân sự song song. Hình ảnh miền Bắc XHCN thôi thúc nhân dân miền Nam lan tỏa rộng khắp phong trào thi đua yêu nước: “Bám đất giữ làng”, “Một tấc không đi, một li không rời”, “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”, “Căng địch ra mà đánh, vây chúng lại mà diệt”… 

Ngày nay, nhiều con đường, trường học, thư viện, công viên… ở các tỉnh thành kết nghĩa vẫn mang tên của nhau - đó là dấu ấn lịch sử lưu giữ mãi với thời gian. Mối tình kết nghĩa là biểu tượng đẹp đẽ của ý chí “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, tạo nên sức mạnh tổng lực giúp dân tộc ta biến cái không thể thành có thể: Kết thúc chiến tranh thắng lợi, mở ra kỷ nguyên độc lập, thống nhất, CNXH và tình kết nghĩa Bắc - Nam mãi vẫn là bài học quý trong sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc hôm nay.

HÀ NGUYỄN

 
.
.
.