.

Thống kê thiệt hại, đề xuất phương án để gỡ khó cho DN du lịch

Cập nhật: 21:13, 26/02/2020 (GMT+7)

Đó là ý kiến chỉ đạo của ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khi khảo sát công tác phòng dịch COVID-19 và nắm bắt tình hình hoạt động của các DN du lịch sáng 26/2. Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở Du lịch thống kê đầy đủ thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra với ngành du lịch, đề xuất cụ thể, sát sườn để UBND tỉnh có giải pháp gỡ khó cho DN.

CÁC DN CHỦ ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG

Báo cáo với đoàn công tác, đại diện các khách sạn Pullman, DIC Star-Cap Saint Jacques và Imperial đều cho biết, từ mùng 4 Tết, khi dịch COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc, các khách sạn bắt đầu dán bảng hướng dẫn quy trình vệ sinh phòng dịch, dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh tại những nơi dễ nhìn, đông người qua lại, kết hợp theo dõi chặt diễn biến dịch bệnh trên thế giới, công tác phòng dịch của Việt Nam và BR-VT. Song song đó, các khách sạn tăng cường khâu kiểm soát nguồn nghi ngờ lây nhiễm bệnh bằng cách đo thân nhiệt, yêu cầu khách rửa tay sát khuẩn ngay khi vừa đến khách sạn. Du khách đến từ đất nước có dịch được sắp xếp ăn, ở khu riêng và thông báo danh sách về cơ quan quản lý nhà nước chuyên môn, trang bị khẩu trang cho nhân viên và phát miễn phí cho khách. Nút bấm thang máy, nắm cửa, những nơi nhiều người cầm nắm đều được đặt khăn giấy nhắc nhở khách nên dùng giấy thao tác. Riêng khách sạn Imperial còn yêu cầu nhân viên khai báo tình hình sức khỏe khi có dấu hiệu đau ốm, người thân đi du lịch hoặc qua đất nước đang có dịch cũng phải kê khai cập nhật vào thông tin nội bộ cho mọi người cùng biết.

Ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khi khảo sát quy trình phòng dịch tại cụm khách sạn DIC Star- Cap Saint Jacques.
Ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khi khảo sát quy trình phòng dịch tại cụm khách sạn DIC Star- Cap Saint Jacques.

Trả lời câu hỏi của ông Trần Văn Tuấn về việc khi có trường hợp nghi nhiễm bệnh, khách sạn xử lý ra sao, đại diện khách sạn cho biết, khách sạn sẽ tổ chức cách ly ở khu riêng có cán bộ y tế giám sát, sau đó báo ngay cơ sở y tế địa phương. Nếu trường hợp chỉ định phải cách ly y tế thì khách sạn sẽ phối hợp đưa khách đi cách ly, còn trường hợp chỉ cần cách ly 14 ngày tại cộng đồng theo hướng dẫn của Bộ Y tế, khách sạn bố trí nguyên tầng cho khách ở. Việc ăn, uống, giặt ủi có nhân viên phục vụ, nhắc nhở và giám sát khách không ra khỏi khu vực đã quy định, nhằm bảo đảm an toàn cho cộng đồng nói chung và khách lưu trú tại khách sạn nói riêng.

Tham gia đoàn khảo sát, ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch thông tin thêm, dù nguồn khách nước ngoài đã được kiểm tra, sàng lọc ngay tại các cửa khẩu, nhưng các DN du lịch vẫn tiến hành sàng lọc thêm bước nữa tại cơ cở bằng cách chủ động cập nhật quốc tịch, điểm quá cảnh trước khi vào Việt Nam, thông báo với Sở Du lịch hàng ngày. Ngược lại, Sở Du lịch cũng liên tục thông tin nhanh quan điểm, chỉ đạo của Nhà nước về kinh doanh trong mùa dịch. Nhờ quy trình phòng dịch chặt chẽ, du lịch BR-VT đã khẳng định độ an toàn, tin cậy với du khách.

SỚM TẬP HUẤN PHÒNG DỊCH CHO DN, NGƯỜI KINH DOANH DỊCH VỤ 

Dù an toàn, nhưng ngành du lịch BR-VT chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19.  Ông Đỗ Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Phát triển Phương Nam, chủ đầu tư khách sạn Pullman cho biết, lượng khách đoàn hủy lịch tổ chức hội nghị, hội thảo, sự kiện, tiệc cưới trong tháng 2, 3/2020 khiến khách sạn mất gần 14 tỷ đồng doanh thu. Riêng tháng 2/2020, khách sạn mới chỉ đạt gần 5 tỷ đồng doanh thu, chưa bằng 1/3 so cùng kỳ năm 2019. Ông Phạm Bá Phúc, Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch - Thương mại DIC thông tin thêm, thống kê thiệt hại từ khách hủy dịch vụ tháng 2/2020 gần 4,6 tỷ đồng, trong đó hơn 50% là dịch vụ ăn uống cho khách đoàn. Khách sạn Imperial cũng chỉ đón khách lẻ nước ngoài, khách nội địa gia đình từ sau Tết đến nay. “Trên hệ thống đặt phòng, ngày nào cũng hàng chục thư hủy dịch vụ”, ông Đào Vĩnh Duy, Giám đốc Nhân sự - Đào tạo khách sạn Imperial nói.

Một vấn đề được các khách sạn đặt ra tại buổi làm việc là việc mua khẩu trang y tế hiện nay rất khó, đề nghị các ngành chức năng hỗ trợ tìm nguồn cung khẩu trang. Giải đáp vấn đề trên, bác sĩ Hà Văn Thanh, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cho rằng, khảo sát quy trình phòng dịch các khách sạn đều thực hiện chặt theo khuyến cáo của Bộ Y tế. “Các khách sạn đều trang bị dung dịch rửa tay sát khuẩn, chỉ cần hướng dẫn khách rửa tay trong ít nhất 30 giây. Khẩu trang chỉ nên dùng khi đến nơi tập trung đông người, có thể dùng khẩu trang vải chứ không nhất thiết phải là khẩu trang y tế”, bác sĩ Thanh nói.

Sau khi đi khảo sát, ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở Du lịch thống kê đầy đủ thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra với ngành du lịch, đề xuất cụ thể, sát sườn để UBND tỉnh có giải pháp gỡ khó cho DN. “Sở Y tế cần phối hợp với Sở Du lịch tổ chức sớm tập huấn phòng dịch cho DN, người kinh doanh dịch vụ để nắm vững kiến thức, không hoang mang trước dịch bệnh, đón tiếp ứng xử với khách bằng thái độ tự tin, nồng nhiệt và thân thiện”, ông Trần Văn Tuấn nói.

Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA

 
.
.
.