.
KỶ NIỆM NGÀY THẦY THUỐC VIỆT NAM 27/2

Nơi tuyến đầu phòng chống dịch COVID-19

Cập nhật: 21:09, 25/02/2020 (GMT+7)

Khoa Nhiễm, Bệnh viện Bà Rịa là nơi tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19 tuyến cuối của tỉnh, nhưng nếu xét về nguy cơ bị phơi nhiễm, các bác sĩ ở đây lại đang trên “tuyến đầu”. Họ chấp nhận mọi gian nguy trong một cuộc chiến căng thẳng với kẻ thù giấu mặt. 

Bác sĩ Nguyễn Văn Phi kiểm tra thiết bị điều trị cho bệnh nhân tại khu vực bố trí tiếp nhận điều trị cách ly  bệnh nhân nhiễm COVID-19.
Bác sĩ Nguyễn Văn Phi kiểm tra thiết bị điều trị cho bệnh nhân tại khu vực bố trí tiếp nhận điều trị cách ly bệnh nhân nhiễm COVID-19.

KHÔNG KHÍ LÀM VIỆC CĂNG THẲNG

Sáng 25/2 có mặt tại Khoa Nhiễm, chúng tôi cảm nhận được bầu không khí khá căng thẳng trên gương mặt của các y, bác sĩ. Trên sảnh, những tấm biển xanh, vàng, đỏ phân biệt khu vực cách ly về COVID-19 như vô hình tạo nên những áp lực chưa từng có ở bệnh viện. 

Mỗi một bệnh nhân đến khám, mọi yêu cầu về an toàn phòng dịch của y bác sĩ được thực hiện nghiêm ngặt. Các vật dụng y tế, máy móc thiết bị được vệ sinh thường xuyên. Phía trong kho, những bộ đồ bảo hộ phòng chống dịch luôn sẵn sàng bất cứ lúc nào. 

Chúng tôi gặp cái thở phào nhẹ nhõm của bác sĩ Nguyễn Văn Phi, Trưởng Khoa Nhiễm vừa bước ra từ phòng khám kiểm tra các trường hợp nghi ngờ nhiễm COVID-19: “May mắn vì tất cả đều là cảm cúm thông thường”. Bác sĩ Phi thông tin thêm: “Mấy ngày gần đây, số trường hợp có yếu tố dịch tễ của COVID-19 cần kiểm tra đã giảm nhiều. Căng thẳng nhất là ở thời điểm sau Tết. Lúc đó, mỗi ngày luôn có khoảng 4-5 trường hợp cần phải kiểm tra”.  

“Đường dây nóng” của khoa trong những ngày này cũng réo liên tục. Khi thì các khoa gọi đến cần hỗ trợ chẩn đoán các trường hợp viêm phổi có biểu hiện nghi ngờ COVID-19, có lúc là các phòng khám gọi điện để thông báo chuyển người bệnh có yếu tố dịch tễ. Khoa chỉ có 7 bác sĩ và 21 điều dưỡng phải xoay tua để trực chống dịch. “Có khi 9 giờ tối, dưới Khoa Nội chuyển lên 1 bệnh nhân viêm phổi có yếu tố dịch tễ. Cả ca trực phải vất vả cả đêm kiểm tra”, bác sĩ Phi chia sẻ.

Các y, bác sĩ, nhân viên y tế tại Khoa Nhiễm trao đổi chuyên môn, làm thủ tục bệnh án cho bệnh nhân.
Các y, bác sĩ, nhân viên y tế tại Khoa Nhiễm trao đổi chuyên môn, làm thủ tục bệnh án cho bệnh nhân.

VƯỢT QUA NỖI SỢ HÃI

Với những y bác sĩ Khoa Nhiễm hằng ngày phải tiếp xúc với bệnh nhân mắc những bệnh truyền nhiễm nên đã xác định làm ở đây, ai cũng phải trong tâm thế vượt qua nỗi sợ lây nhiễm.

Bác sĩ Nguyễn Văn Hùng đã gắn bó với khoa này hơn 1 năm chia sẻ: “Nếu đã sợ nhiễm bệnh thì không thể làm việc ở đây. Bản thân sợ bệnh thì làm sao chia sẻ, động viên bệnh nhân điều trị tốt. Để hạn chế thấp nhất những rủi ro có thể đánh đổi bằng tính mạng, mỗi bác sĩ Khoa Nhiễm luôn tự nhắc nhở bản thân phải tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn phòng bệnh”. 

Còn với bác sĩ Nguyễn Văn Phi, là người đã có nhiều năm làm việc tại Khoa Nhiễm, anh luôn căn dặn đồng nghiệp đừng bao giờ lơ là việc cập nhật kiến thức. “Làm việc trong Khoa Nhiễm, ai cũng phải cập nhật kiến thức để biết cách trang bị kỹ năng phòng bệnh tối ưu nhất”, bác sĩ Phi nói. 

Không chỉ bác sĩ Hùng, bác sĩ Phi, còn rất nhiều y, bác sĩ, nhân viên y tế của khoa chấp nhận mọi nguy cơ lây nhiễm để dốc sức cứu chữa cho bệnh nhân. Trong mặt trận phòng chống dịch bệnh COVID-19, họ còn là những người ở tuyến đầu - nơi luôn có nguy cơ đối diện kẻ thù giấu mặt. 

Bài, ảnh: MINH THIÊN

.
.
.