.

Đọc sách tại trường tạo nên không khí học tập mới

Cập nhật: 19:14, 13/10/2019 (GMT+7)

Từ năm học 2019-2020, các trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức dạy 1 tiết đọc sách/tuần trong chương trình học chính khóa. Để triển khai hiệu quả tiết học này, các trường đã có nhiều cách làm sáng tạo, mang đến một không khí học tập nhẹ nhàng, có sự tương tác tốt giữa GV và HS.

GV hướng dẫn HS lớp 6H, Trường THCS Văn Lương (huyện Long Điền) đọc sách.
GV hướng dẫn HS lớp 6H, Trường THCS Văn Lương (huyện Long Điền) đọc sách.

Cuối tuần qua, HS lớp 4A2, Trường TH Quang Trung (TP. Vũng Tàu) có tiết học đọc sách do cô Nguyễn Thị Thuận, GV chủ nhiệm lớp giảng dạy. Tiết học diễn ra tại “Thư viện thân thiện” của nhà trường. Để tổ chức tiết học, cô Nguyễn Thị Thuận chia lớp thành 7 nhóm, mỗi nhóm từ 5-7 em. Mỗi nhóm được phát cho một cuốn truyện với những nội dung khác nhau. Cô yêu cầu nhóm trưởng từng nhóm đọc truyện cho các thành viên nghe trong thời gian từ 5-10 phút.

“Sau khi nghe xong câu chuyện, các em có những cảm nhận và suy nghĩ như thế nào về câu chuyện mà mình vừa được đọc”, cô Thuận hỏi. Nhiều HS giơ tay xin phát biểu. Em Lê Nguyễn Phương Nghi cho biết, em đọc truyện “Tớ đã lớn rồi”. Chuyện kể về bé Nơ Hồng. Trước khi đi vắng, mẹ dặn Nơ Hồng ở nhà phụ giúp ông bà quét nhà. Nhưng Nơ Hồng chưa kịp làm thì bạn rủ đi chơi nên quên lời mẹ dặn. Đến trưa, nghe tiếng mẹ gọi, Nơ Hồng mới chạy về và được mẹ tặng hộp bánh, nhưng Nơ Hồng từ chối. Nơ Hồng xin lỗi mẹ vì mải chơi, quên quét nhà, nên không xứng đáng nhận quà. “Câu chuyện đã giáo dục cho em tính trung thực, khi sai phải xin lỗi”, Phương Nghi rút ra bài học.

Nói về tiết học, cô Thuận chia sẻ: “Trong mỗi tiết đọc sách, ngoài trực tiếp tham gia phát biểu suy nghĩ, các em còn có thể trình bày cảm nhận của mình qua mỗi câu chuyện bằng tranh hoặc viết lại ý kiến tại góc của “Thư viện thân thiện”. Chúng tôi muốn HS có những tiết đọc sách nhẹ nhàng, thoải mái. HS tiếp thu được những câu chuyện có ý nghĩa giáo dục để các em thay đổi bản thân, làm nhiều việc tốt”.

“Thư viện thân thiện” của Trường TH Quang Trung có khoảng 1.000 đầu sách, sắp xếp theo các chủ đề như: Nghệ thuật, trưng bày, góc đọc… Ngoài ra, sàn của thư viện còn được trải thảm, phòng đọc trang trí nhiều con vật ngộ nghĩnh và hình ảnh sinh động. “Nhà trường mong muốn các em được học tiết đọc sách trong không gian mở để HS thảo luận sôi nổi, tiếp thu bài một cách tự nhiên mà không bị gò bó”, cô Vũ Thị Việt Hoa, Hiệu trưởng Trường TH Quang Trung cho hay.

Còn tại Trường THCS Văn Lương (huyện Long Điền), tiết đọc sách cũng được thực hiện tại “Thư viện thân thiện” của trường. Thư viện được bố trí trong không gian mở là khu vực giếng trời trong khu hiệu bộ. Các kệ sách, bàn đọc sách được làm bằng nguyên liệu tái chế. Trong các góc của thư viện đều bố trí kệ sách mini, đầy đủ các loại sách. Cô Tăng Thị Tường Vy, Hiệu trưởng Trường THCS Văn Lương cho biết, thư viện được nhà trường luân chuyển sách mỗi ngày. Ngoài việc sử dụng vào tiết đọc sách cho HS, “Thư viện thân thiện” còn có thể là nơi tổ chức các hoạt động giảng dạy theo hình thức sân khấu hóa. Giờ ra chơi, HS có thể đến thư viện để đọc sách. “Chúng tôi mong muốn tạo cho HS không gian đọc sách mới mẻ, vừa đọc sách và thư giãn sau những tiết học văn hóa căng thẳng. Điều đó góp phần vun đắp tình yêu và thói quen đọc sách mỗi ngày cho HS”, cô Vy nói. Em Tạ Gia Uy (lớp 6H, Trường THCS Văn Lương) cho biết: “Tiết đọc sách diễn ra tại “Thư viện thân thiện” của trường khiến chúng em hào hứng hơn. Nơi đây có không gian rộng rãi, HS được ngồi thành từng nhóm, thoải mái thảo luận về nội dung của tiết đọc sách”.

Ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, năm học 2019-2020 là năm đầu tiên các trường từ bậc TH đến THPT tổ chức dạy 1 tiết đọc sách/tuần vào chương trình chính khóa. Đầu năm học, Sở đã tổ chức tập huấn cho các trường triển khai việc dạy đọc sách cho HS. Các trường nên phân công GV chủ nhiệm các lớp thực hiện tiết dạy đọc sách cho HS. GV căn cứ tâm lý, lứa tuổi HS để lựa chọn những câu chuyện, bài báo hay, có ý nghĩa giáo dục cho các em đọc. Từ đó, GV đưa ra những câu hỏi gợi mở để HS thảo luận, phát biểu ý kiến về nội dung bài đọc. “Có nhiều hình thức để GV tổ chức dạy 1 tiết đọc sách cho HS, GV có thể cho HS tự chọn những cuốn sách mà các em ưa thích để đọc; hoặc cả lớp chỉ đọc một cuốn sách; hay mỗi nhóm đọc một cuốn… Điều quan trọng là GV phải biết cách hướng dẫn HS đọc sách, hình thành cho các em niềm đam mê đọc sách, bổ sung tri thức cho các em”, ông Giang nói thêm.

Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG

.
.
.