.

Thực hiện tốt cuộc tổng điều tra về dân tộc thiểu số

Cập nhật: 20:38, 11/10/2019 (GMT+7)
Từ ngày 1 đến 31/10, Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê tiến hành điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số (DTTS) tại 54 tỉnh, thành phố có đông đồng bào DTTS, trong đó có Bà Rịa - Vũng Tàu. Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Thư (ảnh), Cục trưởng Cục Thống kê, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tổng điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của DTTS tỉnh cho biết:  
 

Cuộc điều tra là cơ sở khoa học cho công tác biên soạn các chỉ tiêu thống kê về công tác dân tộc, phục vụ xây dựng và hoạch định chính sách phát triển cho các vùng DTTS giai đoạn 2021-2025, làm cơ sở cập nhật hệ thống thông tin, dữ liệu thống kê về DTTS tại Việt Nam. Kết quả thu được từ cuộc điều tra này đồng thời là căn cứ quan trọng để Đảng và Nhà nước có cơ sở để đánh giá sát thực về công tác dân tộc, từ đó xây dựng các chính sách, chiến lược về công tác dân tộc trong giai đoạn tới mang tính tổng thể, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả. Riêng đối với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, số liệu thống kê từ cuộc tổng điều tra còn dùng làm cơ sở cập nhật hệ thống thông tin, dữ liệu thống kê về DTTS trên địa bàn. Đây là thông tin quan trọng để các cấp ủy Đảng, chính quyền thực hiện tốt công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành trong từng giai đoạn của mỗi địa phương.

● Cuộc điều tra được thực hiện ra sao và tập trung vào những nội dung gì, thưa ông?

- Đây là lần thứ 2 cuộc điều tra thực trạng kinh tế xã hội 53 dân tộc thiểu số được tổ chức sau lần thứ nhất được tổ chức vào năm 2015. Điểm mới đáng chú ý của cuộc điều tra lần này là việc sử dụng hình thức thu thập thông tin với sự trợ giúp của thiết bị điện tử di động như máy tính bảng, điện thoại thông minh để thu thập thông tin nhằm làm tăng chất lượng dữ liệu do kiểm soát được các lỗi trong quá trình thu thập thông tin, giám sát được việc điều tra viên thống kê đến hộ phỏng vấn, đồng thời tiết kiệm được thời gian hoàn thành phiếu điều tra, rút ngắn thời gian xử lý và công bố dữ liệu do không phải làm sạch phiếu và nhập tin.

Điều tra viên Nguyễn Thị Liên (bìa trái, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức) thu thập thông tin tại hộ gia đình bà Đào Thị Dương (thôn Lồ Ồ, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức).
Điều tra viên Nguyễn Thị Liên (bìa trái, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức) thu thập thông tin tại hộ gia đình bà Đào Thị Dương (thôn Lồ Ồ, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức).

Song song với hình thức thu thập thông tin bằng các thiết bị điện tử di động, cuộc điều tra cũng sẽ áp dụng hình thức điều tra qua Internet. Theo đó, đại diện UBND xã/phường, thị trấn sẽ được cung cấp tài khoản và mật khẩu để vào trang web điều tra và chủ động được thời gian để trả lời thông tin trên phiếu hỏi.

Cuộc điều tra được thực hiện trên 2 loại phiếu: Phiếu điện tử (đối với phiếu hộ) và kê khai trực tuyến trên Webform (phiếu xã). Có 98 chỉ tiêu được thu thập thông tin, chia thành 10 nhóm nội dung gồm dân số; lao động; đói nghèo và an sinh xã hội; an toàn xã hội và an ninh trật tự; văn hóa, xã hội; tiếp cận giáo dục; tiếp cận y tế; tiếp cận cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội; cán bộ, đảng viên người DTTS; tôn giáo người DTTS.

Toàn tỉnh có 9.356 hộ với hơn 10 DTTS thuộc diện điều tra, trong đó dân tộc Hoa và Châu Ro chiếm 60% là đối tượng được điều tra lần này. Nội dung điều tra bao gồm: nhân khẩu thực tế thường trú, điều kiện kinh tế - xã hội và nhà ở, thông tin về lịch sử sinh của nữ vị thành niên từ 10-14 tuổi và phụ nữ từ 15-49 tuổi; thông tin về người chết của hộ trong 12 tháng qua (từ 1/10/2018 đến 1/10/2019), số lượng từng loại gia súc chủ yếu; thông tin về tình hình văn hóa - xã hội và tiếp cận dịch vụ công cộng của hộ...

● Để cuộc điều tra hoàn thành tốt, UBND, Cục Thống kê tỉnh và Ban Dân tộc tỉnh đã có những sự chuẩn bị như thế nào, thưa ông?

- Do hầu hết đồng bào DTTS sinh sống tại các địa phương vùng xa, không tập trung, nên để bảo đảm tiến độ tổng điều tra, các địa phương đã có sự chuẩn bị kỹ về công tác tuyển chọn điều tra viên. Điều tra viên phải am hiểu địa bàn và nắm được phong tục tập quán của đồng bào DTTS tại địa phương mình. Gần 140 điều tra viên và tổ trưởng đã tham gia đầy đủ các buổi tập huấn, là lực lượng nòng cốt góp phần cho sự thành công của đợt tổng điều tra lần này. Lãnh đạo UBND tỉnh rất quan tâm đến công tác dân tộc nên đã trích một phần kinh phí để cùng với Trung ương tiến hành điều tra toàn bộ hộ DTTS trên địa bàn. Ngày 1/10 vừa qua, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đồng loạt tổ chức ra quân tổng điều tra về thực trạng kinh tế - xã hội của DTTS. Dự kiến, việc điều tra sẽ hoàn thành vào ngày 31/10.

● Công tác tuyên truyền cho cuộc điều tra đã được triển khai như thế nào, thưa ông?

- Cục Thống kê tỉnh đã có kế hoạch đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc điều tra, trong đó tập trung tuyên truyền vào thời điểm, thời gian tiến hành điều tra đã được quy định trong phương án điều tra. Bên cạnh đó, tăng cường sự phối hợp của các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân trong công tác tuyên truyền; khuyến khích huy động các nguồn kinh phí hợp pháp hỗ trợ cho việc tuyên truyền cuộc điều tra. Nội dung, hình thức tuyên truyền phong phú, chính xác, kịp thời, phù hợp với từng đối tượng, thời gian cụ thể, đảm bảo hiệu quả, thiết thực.

● Xin cảm ơn ông!

MINH NHÂN

(Thực hiện)

 
 
.
.
.