.

Khó triển khai mô hình phòng khám bác sĩ gia đình

Cập nhật: 19:12, 13/10/2019 (GMT+7)

Mô hình phòng khám bác sĩ gia đình (BSGĐ) được Bộ Y tế triển khai từ năm 2013, nhằm chăm sóc sức khỏe ban đầu một cách toàn diện hơn cho người dân, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. Tuy nhiên, việc triển khai mô hình này trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn.

Nhân viên y tế đo huyết áp cho người dân tại Trạm Y tế thị trấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ), một trong những nơi đang triển khai phòng khám bác sĩ gia đình. Ảnh: MINH THIÊN
Nhân viên y tế đo huyết áp cho người dân tại Trạm Y tế thị trấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ), một trong những nơi đang triển khai phòng khám bác sĩ gia đình.

Phòng khám BSGĐ là mô hình xây dựng cơ sở chăm sóc sức khoẻ ban đầu, đồng thời là cơ sở đầu tiên trong mạng lưới chuyển tuyến của hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh, có trách nhiệm giới thiệu và chuyển người bệnh tới bác sĩ chuyên khoa hoặc bệnh viện khi có yêu cầu về chuyên môn. Quy mô một phòng khám có BSGĐ bao phủ một cụm dân cư tối thiểu 500 dân. BR-VT hiện đã triển khai được 7 phòng khám BSGĐ tại các trạm y tế gồm: Hòa Bình, Hòa Hiệp (huyện Xuyên Mộc); Xà Bang, Suối Rao (huyện Châu Đức); phường 12 (TP. Vũng Tàu), thị trấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ) và thị trấn Long Điền (huyện Long Điền). 

CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN

Chúng tôi có mặt tại Trạm Y tế thị trấn Long Điền vào một ngày đầu tháng 10. Dù đã gần trưa nhưng trạm vẫn có khá đông bệnh nhân đến khám, chữa bệnh. Bà Trần Thị Phụng (61 tuổi, khu phố Long Tân, thị trấn Long Điền, huyện Long Điền) hàng tháng vẫn đều đặn đến đây để khám và lấy thuốc điều trị bệnh tiểu đường. Bà nói: “Tôi bị tiểu đường đã 6 năm. Lúc trước, tôi thường chữa trị ở Trung tâm Y tế huyện (TTYT) huyện Long Điền. Từ đầu năm 2019, tôi nghe nói trạm y tế đã có thuốc trị tiểu đường, lại có bác sĩ của TTYT luân phiên về khám bệnh nên tôi chuyển về trạm điều trị cho gần nhà. Hơn nữa, ở đây tôi được theo dõi tình trạng bệnh thường xuyên, mỗi lần đến khám đều được tư vấn kỹ và ít phải chờ đợi”.

Trạm Y tế thị trấn Long Điền là 1 trong 7 xã, phường trên toàn tỉnh triển khai mô hình phòng khám BSGĐ. Ông Huỳnh Tân Tiến, Trưởng trạm cho biết, trạm chính thức triển khai phòng khám BSGĐ từ đầu năm 2019. Khi triển khai mô hình, trạm được bác sĩ của TTYT tăng cường về 4 buổi chiều/tuần để hỗ trợ khám, chữa bệnh. Một số danh mục thuốc chữa các bệnh mãn tính đã được bổ sung thêm. Nhờ đó, phòng khám đã thu hút khá đông bệnh nhân. Hiện nay trung bình 1 tháng trạm có từ 1.700-1.800 bệnh nhân đến khám, chữa bệnh.

Bên cạnh những mặt đã đạt được, mô hình BSGĐ ở các trạm y tế còn gặp khó khăn. Khảo sát tại một số trạm y tế cho thấy, các trang thiết bị phục vụ cho việc khám, chữa bệnh còn thiếu, chỉ có những thiết bị thông thường như ống nghe, nhiệt kế, máy đo đường huyết. Bên cạnh đó, danh mục thuốc ở các trạm y tế cũng hạn chế, thậm chí không đủ khám, chữa bệnh thông thường. Ông Tiến dẫn chứng, hiện nay một số loại thuốc chữa bệnh thông thường nhưng không nằm trong danh mục cho phép trạm y tế được dùng như Telmisartan 40mg (bệnh cao huyết áp), Atorvastatin (bệnh mỡ máu cao), kháng sinh Cefixim 100, 500... Do đó, nảy sinh bất cập trong việc bác sĩ của TTYT khi tham gia phòng khám BSGĐ tại trạm nếu kê những loại thuốc này cho bệnh nhân thì trạm y tế sẽ không được BHYT thanh toán chi phí này.

Theo các trưởng trạm y tế, để mô hình này hoạt động có hiệu quả cần khắc phục những bất cập hiện nay. Trước hết là phải bảo đảm danh mục thuốc đầy đủ, đầu tư trang thiết bị y tế, tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cho các trạm y tế. Mặt khác, nhiều ý kiến cũng băn khoăn về việc BSGĐ tại các trạm y tế xã, phường sẽ gặp khó khăn khi muốn giới thiệu chuyển tuyến cho bệnh nhân đến các cơ sở điều trị phù hợp, cũng như khó theo dõi và quản lý bệnh nhân tại địa phương. Vai trò của BSGĐ sẽ mờ nhạt nếu không có quy trình kết nối giữa BSGĐ với cơ sở điều trị và giữa BSGĐ với bệnh nhân. Để làm được điều này, ngành y tế cần có cơ chế liên thông, chuyển tuyến thuận lợi, hiệu quả, nhất là với bệnh nhân có bảo hiểm y tế... Ngoài ra, cần phải có cơ chế linh hoạt cho các trạm trong việc thanh toán BHYT khi triển khai phòng khám BSGĐ. 

Một trong những giải pháp để triển khai phòng khám bác sĩ gia đình mà nhiều nơi đang thực hiện là tăng cường sự hỗ trợ bác sĩ của đơn vị y tế tuyến trên cho các trạm y tế có phòng khám bác sĩ gia đình.  Trong ảnh: Bác sĩ Bệnh viện Phổi Phạm Hữu Chí, khám tư vấn về bệnh lao phổi tại Trạm Y tế xã Bưng Riềng (huyện Xuyên Mộc).
Một trong những giải pháp để triển khai phòng khám bác sĩ gia đình mà nhiều nơi đang thực hiện là tăng cường sự hỗ trợ bác sĩ của đơn vị y tế tuyến trên cho các trạm y tế có phòng khám bác sĩ gia đình. Trong ảnh: Bác sĩ Bệnh viện Phổi Phạm Hữu Chí, khám tư vấn về bệnh lao phổi tại Trạm Y tế xã Bưng Riềng (huyện Xuyên Mộc).

THIẾU NHÂN LỰC

Bác sĩ Phạm Mạnh Hà, Trưởng Phòng Hành nghề y dược (Sở Y tế) cho hay, Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch triển khai mô hình phòng khám BSGĐ của tỉnh giai đoạn 2018-2020. Dự kiến tới năm 2022 sẽ có 80% trạm y tế triển khai phòng khám BSGĐ. Hiện nay, phần lớn các trạm y tế đều đạt chuẩn quốc gia nên cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu tổ chức phòng khám BSGĐ. Tuy nhiên, khó khăn nhất vẫn là nhân lực. Hiện nay, toàn tỉnh mới chỉ có 40% trạm y tế có bác sĩ. Bên cạnh đó, các chức danh khác như điều dưỡng, kỹ thuật viên làm việc tại các phòng khám BSGĐ chủ yếu là kiêm nhiệm và chưa được đào tạo chuyên ngành y học gia đình...

Trên thực tế, một số nơi đã khắc phục tình trạng thiếu bác sĩ ở trạm bằng cách tăng cường bác sĩ từ TTYT hỗ trợ cho trạm. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời, bởi theo yêu cầu của việc xây dựng mô hình, BSGĐ phải là người chuyên tâm quản lý mọi vấn đề sức khỏe người dân, trong khi bác sĩ của TTYT còn phải thực hiện nhiều nhiệm vụ chuyên môn khác. Hơn nữa, để phụ trách phòng khám BSGĐ, bác sĩ phải được đào tạo chuyên khoa y học gia đình, trong khi hiện nay, số lượng bác sĩ được đào tạo chuyên khoa này rất ít, chỉ có 7 bác sĩ. Ông Trần Đức Dũng, Trưởng Trạm Y tế xã Bưng Riềng (huyện Xuyên Mộc) cho hay, cơ sở vật chất, trang thiết ở trạm có thể đáp ứng cho việc tổ chức phòng khám BSGĐ, tuy nhiên khó nhất vẫn là nhân lực không có đủ, nhất là bác sĩ được đào tạo chuyên khoa về y học gia đình.

Hơn nữa, theo bác sĩ Hà, việc xây dựng mô hình BSGĐ trên địa bàn tỉnh mới chỉ dựa vào các văn bản và tự tham khảo, chứ chưa có hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế. Nhân viên thực hiện công việc tại phòng khám chưa được tập huấn hướng dẫn và cập nhật kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực quản lý về y học gia đình. Trong khi đó, người dân vẫn chưa hiểu về mô hình phòng khám BSGĐ nên họ chưa có sự quan tâm đúng mức đến việc cùng tham gia phòng khám BSGĐ.

Vì vậy, theo lãnh đạo Sở Y tế, để đạt mục tiêu nói trên, ngành tiếp tục ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực chuyên khoa về y học gia đình; liên kết, hợp tác đào tạo, tập huấn cho bác sĩ, nhân viên thực hiện nhiệm vụ tại phòng khám BSGĐ; tổ chức truyền thông về mô hình, năng lực, khả năng cung ứng dịch vụ y tế của phòng khám BSGĐ đến cộng đồng. Đồng thời, Sở Y tế đề xuất UBND tỉnh cho phép mua sắm trang thiết bị tại trạm y tế xã phường theo Quyết định số 4389/QĐ-BYT ngày 11/7/2017 của Bộ Y tế về việc phê duyệt danh mục trang thiết bị cho trạm y tế mô hình điểm phục vụ triển khai đề án y tế cơ sở theo quyết định số 2348/QĐ-TTg ngày 5/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng đề xuất Bộ Y tế cần có hướng dẫn, cung cấp các loại sổ sách biểu mẫu, hướng dẫn về chuyên môn (chỉ định đơn vị hướng dẫn) cho các đơn vị triển khai phòng khám BSGĐ.

Bài, ảnh: MINH THIÊN

.
.
.