.

Giàu lên từ nghề làm bún tươi

Cập nhật: 19:05, 23/08/2019 (GMT+7)

Đã từng tham gia chiến trường Tây Bắc (từ tháng 2/1983-6/1986), trở về cuộc sống đời thường tuy gặp không ít khó khăn vất vả nhưng với ý chí và lòng quyết tâm, ông Đỗ Xuân Thủy (ấp Thạnh Sơn 2A, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc) đã chịu khó tìm tòi, học hỏi, làm giàu từ nghề làm bún tươi.

Ông Đỗ Xuân Thủy cùng vợ cân bún cho vào bịch để chở đi các chợ.
Ông Đỗ Xuân Thủy cùng vợ cân bún cho vào bịch để chở đi các chợ.

Đứng trước ngôi nhà khang trang, có tường rào, cổng ngõ tươm tất, ông Đỗ Xuân Thủy (SN 1965) tự hào cho biết, nhờ tích lũy 20 năm với nghề làm bún mới có điều kiện để xây dựng ngôi nhà này. Hiện nay, các con ông Thủy đều được ăn học và có việc làm ổn định. 

Sau khi xuất ngũ về quê ở TP. Hải Phòng, do hoàn cảnh khó khăn, năm 1987, ông Thủy vào miền Nam làm thuê kiếm sống và học nghề làm bún tươi. Câu hỏi làm sao để thoát nghèo, làm nghề gì để phù hợp với sức lực của mình, làm gì để giúp gia đình thoát khỏi sự túng quẫn đã làm ông trăn trở từng đêm. Ông nhận thấy ở xã Phước Thuận chưa có ai làm bún tươi, cộng với ở đây nguồn lúa gạo phong phú, chất đốt là củi lại sẵn có, chỉ cần chịu khó bỏ công đi cưa những vườn cây tạp người dân chặt bỏ, là có thể dùng đốt lò quan năm. 

Với quyết tâm đó, năm 1988, ông Thủy mạnh dạn vay mượn 8 chỉ vàng đầu tư máy ép, nồi hơi và các vật dụng khác để mở lò sản xuất bún tươi tại nhà người thân trên địa bàn xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc.

Để kịp cho ra lò những mẻ bún tươi, bỏ mối cho các chợ và cơ sở kinh doanh, mỗi ngày từ 23 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau, vợ chồng ông Thủy luôn tất bật với công việc chẻ củi, đốt lò, ngâm gạo, xay bột, hấp bún, đóng gói, vận chuyển… 

Nghề làm bún của gia đình ông Thủy đã dần dần ăn nên làm ra. Bún của lò ông ngon có tiếng. Với hơn 20 năm làm nghề bún tươi, đến nay bún của ông Thủy nổi tiếng với thương hiệu: “Bún tươi Xuân Thủy”. Bà Nguyễn Thị Hoa (ở xã Xuyên Mộc) cho biết, bún do gia đình ông Thủy làm rất ngon, sạch, giá cả phải chăng nên được nhiều người ưa thích. “Những ngày lễ, tiệc, gia đình tôi đều mua bún của nhà ông Thủy”, bà Hoa nói.

Đến nay, trung bình mỗi ngày ông Thủy sản xuất gần 2 tấn bún, bỏ mối cho các chợ Bình Châu, Bông Trang, Bà Tô và các KDL Hồ Tràm, Hồ Cốc. Theo ông nhẩm tính, thu nhập từ việc làm bún “bỏ công làm lời” này trung bình mỗi tháng thu hơn 40 triệu đồng.

“Những năm đầu, từ vài chục ký gạo xay bột làm bún mỗi ngày bán tại chỗ trong xã, thấy thị trường bắt đầu ưa chuộng, năm 2007, tôi đầu tư gần 1 tỷ đồng mua các loại máy, nồi hơi, lò hấp, bồn lược, dây chuyền và các dụng cụ làm bún quy mô lớn để sản xuất, phục vụ người tiêu dùng. Nhờ đầu tư máy móc, nhân công cũng giảm đáng kể, từ hơn 10 công lao động sản xuất bún mỗi ngày, đến nay chỉ còn 5 lao động thường xuyên. Đặc biệt, cơ sở sản xuất bún tươi của tôi tuyệt đối không sử dụng chất bảo quản; bún không pha tạp chất, sử dụng nguyên liệu 100% từ gạo. Do đó, bún mới ra lò sẽ có mùi thơm, dẻo ướt, sợi bún mềm và khi ăn sẽ nhận ra ngay được mùi vị của bột gạo”, ông Thủy chia sẻ. 

Không những tập trung đầu tư sản xuất, ông Thủy còn bỏ ra gần 500 triệu đồng xây hầm biogas, cùng 4 bể lắng, lọc để xử lý nước thải đạt chuẩn theo quy định bảo vệ môi trường, sau đó, nước thải được đưa ra ruộng theo đường ống nhựa khoảng 1km. Bên cạnh đó, ông còn tự nguyện hiến hơn 400m2 đất (trị giá hơn 300 triệu đồng) để xây dựng trụ sở ấp Thạnh Sơn 2A; vận động nhân dân trồng hoa, cây cảnh, vệ sinh đường làng, ngõ xóm xanh - sạch - đẹp; kêu gọi bà con chung tay xây dựng nông thôn mới. Điều đáng vui hơn mà ông Thủy chia sẻ, đó là ông thử sức mình tại Kỳ thi THPT Quốc gia năm nay và kết quả ông đã đậu tốt nghiệp, bởi hồi xưa, nhà ông nghèo, không được học hành đến nơi, đến chốn. 

“Không những sản xuất kinh doanh giỏi, ông Thủy còn tích cực tham gia công tác xã hội, sống chan hòa với bà con lối xóm, chấp hành tốt pháp luật của Nhà nước. Với vai trò Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Thạnh Sơn 2A, nhiều năm liền ông Thủy được công nhận đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hội viên CCB gương mẫu xuất sắc; gia đình ông luôn đạt “Gia đình văn hóa tiêu biểu”, bản thân ông và gia đình thường xuyên được cấp ủy, chính quyền và tổ chức Hội khen thưởng, nêu gương làm kinh tế giỏi của địa phương”, ông Tống Văn Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Phước Thuận nói.

Bài, ảnh: ĐINH HÙNG

.
.
.