.

Phản hồi về bài viết: "Di dời Nhà Thiếu nhi tỉnh"

Cập nhật: 21:10, 22/08/2019 (GMT+7)

Báo Bà Rịa - Vũng Tàu số 7793, ra ngày 21/8/2019 có bài: “Di dời Nhà Thiếu nhi tỉnh - Bảo đảm đầy đủ các hoạt động cho thiếu nhi”. Nội dung bài viết thông tin về việc chuẩn bị di dời trụ sở Nhà Thiếu nhi tỉnh (30, Quang Trung, phường 1, TP. Vũng Tàu) sang khuôn viên Nhà Văn hóa Thanh niên tỉnh (160, Hạ Long, phường 2, TP. Vũng Tàu) nằm cách nhau khoảng 500m. Sau khi báo phát hành, có nhiều ý kiến phản hồi về nội dung này. Báo Bà Rịa-Vũng Tàu trích đăng một số ý kiến như sau:

Các em nhỏ tham gia lớp năng khiếu vẽ tại Nhà Thiếu nhi tỉnh.
Các em nhỏ tham gia lớp năng khiếu vẽ tại Nhà Thiếu nhi tỉnh.

ÔNG LÊ VĂN TUYỀN, CHÁNH VĂN PHÒNG SỞ GD-ĐT

Có nhiều lựa chọn khác cho hoạt động tập luyện, vui chơi của các em

Tôi thấy rằng, Nhà Thiếu nhi tỉnh chuyển đến địa điểm mới, nằm trong khuôn viên Nhà Văn hóa Thanh niên tỉnh có nhiều điểm hợp lý. Cả 2 đơn vị sử dụng chung một số cơ sở vật chất như sân bãi, hội trường, sân khấu... sẽ tăng tần suất sử dụng và tăng thêm tính hiệu quả khai thác cơ sở vật chất của cả 2 công trình cũng là điều tốt. Hơn nữa, khi hoạt động cùng nhau trong một khuôn viên, hai bên sẽ phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau trong thực hiện các hoạt động; Phụ huynh có con sinh hoạt tại 2 đơn vị này cũng thuận lợi trong việc đưa đón con em của mình. 

Tuy nhiên, cũng có một số phụ huynh lo ngại, khi Nhà Thiếu nhi tỉnh chuyển đến địa điểm mới có phần hạn chế về bãi tập, khu vui chơi hay phòng sinh hoạt và tập luyện của các CLB, gây thiệt thòi cho các em. Tôi cho rằng cách nghĩ này chưa đúng đắn lắm. Theo tôi, mô hình sinh hoạt thanh thiếu niên hiện nay đang xã hội hóa rất tốt. Ví dụ như trên địa bàn TP.Vũng Tàu đang có rất nhiều trung tâm, CLB, khu vui chơi… tổ chức các hoạt động tương tự như ở Nhà Thiếu nhi tỉnh. Phụ huynh vẫn có thể lựa chọn, đăng ký cho con em mình học tập, sinh hoạt, tập luyện kỹ năng tại những địa điểm khác, như: Trung tâm đào tạo Lan Anh (77, Nguyễn Thái Học, phường 7); Công viên nước Vũng Tàu (36, Nguyễn Thái Học, phường 7); Trung tâm Văn hóa Vietsovpetro (39, Nguyễn Tri Phương, phường 7); CLB múa Sao Biển (40/18, Nguyễn Tri Phương, phường 7); hồ bơi tại các khách sạn, khu du lịch, các sân bóng đá mini... Hoạt động của các trung tâm, CLB này cũng đang được đánh giá cao về hiệu quả, chất lượng.

Nhà Thiếu nhi tỉnh là nơi các CLB võ thuật tổ chức học tập, thi thăng hạng, lên đai.
Nhà Thiếu nhi tỉnh là nơi các CLB võ thuật tổ chức học tập, thi thăng hạng, lên đai.

---------

BÀ NGUYỄN NGỌC ÁNH, NGUYÊN GIÁM ĐỐC NHÀ THIẾU NHI TỈNH

Sẽ tạo thành tổ hợp tập luyện kỹ năng, vui chơi chung của thiếu nhi, thanh thiếu niên

Nhà Thiếu nhi tỉnh (30, Quang Trung, phường 1, TP. Vũng Tàu) là địa điểm quen thuộc của biết bao lớp thiếu nhi tỉnh BR-VT suốt hàng chục năm qua. Nên khi chuyển đến địa điểm mới, nhiều người lo rằng sẽ không tránh khỏi khó khăn đối với đội ngũ quản lý cũng như sinh hoạt của các CLB, đội, nhóm. Tuy nhiên sự dịch chuyển từ Nhà Thiếu nhi cũ sang Nhà Thiếu nhi mới cách nhau chưa đầy 1km và cùng nằm trên tuyến đường ven biển Bãi Trước, TP. Vũng Tàu thì mọi việc không quá khó như mọi người nghĩ.

Là người đã gắn bó với Nhà Thiếu nhi tỉnh suốt 30 năm qua, tôi cho rằng, Nhà Thiếu nhi tỉnh cũng nên đặt ở khu vực đông dân cư như hiện nay. Vấn đề quan trọng là cần đầu tư trang thiết bị cho các em sinh hoạt, tập luyện kỹ năng, đặc biệt là các phòng chức năng (như phòng dạy Anh văn, vẽ tranh, tập aerobic, cờ vua, múa, đàn…); có sân khấu để các em tổ chức hội thi, hội diễn hoặc tập luyện trước khi tham gia các hội thi, hội diễn khu vực và toàn quốc; có sân tập ngoài trời rộng rãi để các CLB võ thuật, bóng rổ tập luyện. Ngoài ra, Nhà Thiếu nhi tỉnh rất cần có hồ bơi đạt chuẩn, bảo đảm cho việc dạy - học bơi, phòng chống đuối nước cho trẻ.

Khi chuyển sang trụ sở mới, Ban Giám đốc Nhà Thiếu nhi tỉnh và Chủ nhiệm các CLB cần cố gắng phát huy hết điều kiện cơ sở vật chất, như: sân bãi, hội trường, sân khấu, sử dụng chung với Nhà Văn hóa Thanh niên tỉnh để hoạt động, tập luyện. Hy vọng rằng, trong thời gian tới, Nhà Văn hóa Thanh niên - Nhà Thiếu nhi tỉnh sẽ tạo thành tổ hợp tập luyện, là điểm đến vui chơi chung của thiếu nhi, thanh thiếu niên trong tỉnh nói chung và TP.Vũng Tàu nói riêng.

---------

ÔNG TRẦN TIẾN GIẢNG (79 TUỔI, 55 TUỔI ĐẢNG, Ở 50, TRẦN BÌNH TRỌNG, PHƯỜNG 8)

Thiết kế các khu chức năng phải phù hợp lứa tuổi

Các phân khu chức năng của Nhà Văn hóa Thanh niên tỉnh được thiết kế phục vụ nhu cầu phát triển đồng bộ thể chất, tinh thần của lứa tuổi thanh niên, khác với lứa tuổi thiếu nhi. Nếu hai lứa tuổi này sinh hoạt chung trong một khuôn viên thì các phân khu chức năng phải thiết kế phù hợp với chiều cao, tâm lý, độ tuổi. Nhà Thiếu nhi và Nhà Văn hóa Thanh niên đều nằm trong hệ thống thiết chế quan trọng, đáp ứng nhu cầu học tập, sáng tạo, hưởng thụ, gìn giữ văn hóa, luyện tập thể dục thể thao. Do vậy, cần cân nhắc kỹ khi thu hồi Nhà Thiếu nhi tỉnh để bán đấu giá.

--------- 

CHỊ MAI THỊ THANH (PHƯỜNG 1, TP.VŨNG TÀU)

Quan trọng là tiếp tục duy trì việc tổ chức các hoạt động cho thiếu nhi

Tôi có con trai đang học khối lớp 5 Trường TH Hạ Long. Hè vừa rồi, tôi có cho con học bơi, học bóng rổ tại Nhà Thiếu nhi tỉnh. Được biết, ngày 15/10 tới đây, Nhà Thiếu nhi cũ sẽ chuyển về địa điểm Nhà Thiếu nhi mới cách đó hơn 500m. Tôi thấy không có gì bất lợi cho phụ huynh đưa đón con em. Theo tôi, quan trọng là Ban Giám đốc Nhà Thiếu nhi tiếp tục duy trì việc tổ chức đầy đủ các hoạt động học tập, vui chơi, giải trí, sinh hoạt tập thể của các cháu là phụ huynh yên tâm.

BR-VT

 
.
.
.