.
KHÁM CHỮA BỆNH BHYT:

Khắc phục ngay tình trạng thiếu thuốc

Cập nhật: 19:33, 06/05/2019 (GMT+7)

Việc chậm trễ trong đấu thầu tập trung thuốc khiến các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) rơi vào tình trạng thiếu thuốc trong thời gian gần đây, làm ảnh hưởng đến bệnh nhân KCB BHYT. Trước thực trạng này, chiều 6-5, đồng chí Trần Đình Khoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đã chủ trì buổi làm việc yêu cầu ngành Y tế và các cơ sở KCB báo cáo thực trạng, phân tích nguyên nhân và tìm giải pháp tích cực khắc phục, không để tình trạng thiếu thuốc tiếp tục xảy ra.

Đồng chí Trần Đình Khoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh kết luận tại buổi làm việc.
Đồng chí Trần Đình Khoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh kết luận tại buổi làm việc.

SẼ KHÔNG CÒN THIẾU THUỐC

Sáng 6-5, trao đổi với phóng viên Báo BR-VT về vấn đề này, dược sĩ Vũ Thị Thanh Huyền, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Sở Y tế cho biết, ngày 3-5, Sở Y tế đã có Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cung ứng thuốc. Theo đó, các cơ sở KCB trực thuộc, TTYT Vietsovpetro, Trung tâm điều dưỡng thương binh Long Đất, ký hợp đồng với các đơn vị trúng thầu, để bảo đảm có thuốc, vắc xin đầy đủ, kịp thời phục vụ công tác KCB. Đối với cơ sở thuốc của Ban Bảo vệ sức khỏe cán bộ tỉnh, Sở Y tế giao cho BV Lê Lợi chủ trì, phối hợp với BV Bà Rịa thống nhất phân bổ toàn bộ số lượng thuốc trúng thầu của Ban Bảo vệ sức khỏe cán bộ tỉnh về BV Bà Rịa.

Cũng trong ngày 6-5, các cơ sở KCB đã đặt hàng mua thuốc với các đơn vị trúng thầu. Theo đó, các nhà thầu sẽ cung cấp thuốc đầy đủ cho các cơ sở KCB ngay sau khi đặt hàng. Thông tin từ BV Lê Lợi, sáng 7-5, các đơn vị cung ứng thuốc sẽ cung cấp đầy đủ các loại thuốc thiết yếu đang thiếu cho các cơ sở KCB. Các thuốc trong danh mục của gói thầu sẽ tiếp tục được cung ứng trong tuần.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc, BV Bà Rịa. Ảnh: MINH THIÊN
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc, BV Bà Rịa. Ảnh: MINH THIÊN

Trước đó, Phòng Bạn đọc Báo BR-VT đã tiếp nhận phản ánh của ông V.T. ngụ tại phường Thắng Nhất (TP.Vũng Tàu) về việc 2 tuần trở lại đây, khi đi khám bệnh tiểu đường tại BV Lê Lợi, ông phải tự bỏ tiền túi ra ngoài mua 2 loại thuốc đặc trị tiểu đường là INSULIN và BISO 2,5 mà trước đó ông vẫn được BV cấp và được thanh toán BHYT. Bác sĩ giải thích với ông là do BV đang thiếu 2 loại thuốc này nên bệnh nhân phải tự túc. Vợ ông là bà N. thì đang chạy thận tại BV Lê Lợi, khoảng gần 1 tháng trở lại đây, bà cũng không được sử dụng thuốc tạo máu do BV đang thiếu loại thuốc này.

Trước đó, tại các bệnh viện, bệnh nhân điều trị một số bệnh lý nội tiết, tiểu đường đều phải mua thuốc ngoài hoặc được đề nghị nhập viện để sử dụng loại thuốc tiêm, do một số thuốc điều trị ngoại trú không còn. Thậm chí, một bệnh nhân đang điều trị tiền liệt tuyến được kê thuốc bổ thận thay thế và hẹn tái khám để lấy thuốc bổ sung sau.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Phước, Giám đốc BV Lê Lợi cho hay, tình trạng thiếu thuốc tại BV diễn ra khoảng 3 tuần qua. Các loại thuốc đang thiếu chủ yếu là các thuốc đặc trị bệnh tiểu đường, một số loại thuốc trị bệnh gan, thuốc dùng trong điều trị thận… Tại các cơ sở KCB khác, tình trạng thiếu thuốc cũng diễn ra tương tự.

Nguyên nhân thiếu thuốc là do việc đầu thấu chậm trễ nên các đơn vị KCB không kịp đặt hàng với nhà thầu để cung ứng các gói thầu thuốc trong danh mục quy định. BV Lê Lợi đã tìm cách khắc phục bằng các giải pháp như mua sắm bổ sung, mượn, điều phối từ các đơn vị khác về cho BV.

Tại BV Bà Rịa, để giải quyết tình trạng thiếu thuốc trong khi chờ kết quả đầu thầu, BV đã chủ động mua thuốc bổ sung bằng hình thức chỉ định thầu để mua một số loại thuốc thiết yếu đang thiếu với tổng trị giá hơn 800 triệu đồng, dược sĩ Cao Văn Cư, Trưởng Khoa Dược BV này cho biết.

Bệnh nhân làm thủ tục KCB tại BV Bà Rịa.
Bệnh nhân làm thủ tục KCB tại BV Bà Rịa.

CẦN SỰ PHỐI HỢP CHẶT CHẼ

Tại buổi làm việc với HĐND tỉnh chiều 6-5, bác sĩ Nguyễn Văn Thái, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, công tác đấu thầu chậm trễ là do chưa có sự thống nhất giữa các cơ sở KCB và BHXH tỉnh về danh mục thuốc dự kiến sử dụng nên thời gian xây dựng danh mục thuốc kéo dài. Lý do là các cơ sở KCB mong muốn có danh mục thuốc phong phú, số lượng lớn, thuốc đạt tiêu chí kỹ thuật cao để phục vụ nhu cầu KCB trên địa bàn tỉnh cũng như dự phòng trong những trường hợp đột xuất, tăng lượt KCB, dịch bệnh… Trong khi, BHXH tỉnh căn cứ vào dự toán chi cho KCB BHYT để giảm tổng giá trị tiền thuốc dự kiến sử dụng, bảo đảm nguồn quỹ BHYT không bị vượt. Ngoài ra, đây là năm đầu tiên BV Lê Lợi đứng ra tổ chức đầu thầu thuốc tập trung toàn tỉnh nên một số khâu vẫn còn lúng túng.

ĐỒNG CHÍ TRẦN ĐÌNH KHOA,
ỦY VIÊN BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY, PHÓ CHỦ TỊCH HĐND TỈNH:
Không để tái diễn tình trạng tương tự
Sở Y tế phải đề xuất UBND tỉnh ngay lập tức xây dựng 1 hệ thống quản lý dược thông minh, kết nối, cung cấp dữ liệu cho cơ quan BHXH và các cơ sở KCB trong toàn tỉnh; trong đó, đơn vị nắm quyền điều hành là Sở Y tế. Đồng thời ngành Y tế tỉnh cần thành lập 1 quy trình đấu giá thuốc, trong đó xác lập, tính toán rõ ràng thời gian, hoàn thành mục tiêu đề ra và phải bảo đảm từ nay về sau không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc do chậm trễ trong đấu thầu.

Để khắc phục tình trạng thiếu thuốc do đấu thầu chậm trễ, trong năm 2019, để chuẩn bị tốt cho đấu thầu tập trung cấp địa phương trong những năm tiếp theo, Sở Y tế sẽ có chỉ đạo các đơn vị rút ngắn thời gian lập dự trù mua thuốc, phối hợp chặt chẽ với BHXH thống nhất danh mục thuốc dự kiến để quá trình đầu thầu được rút ngắn, kịp thời có thuốc.

MINH THIÊN, BÙI HƯƠNG

.
.
.