Quản lý thực phẩm từ gốc vẫn là mối lo lớn
Trong Tháng hành động vì ATVSTP (15-4 đến 15-5) chủ đề “Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, bảo vệ người tiêu dùng”, các cơ quan chức năng đã thành lập các đoàn kiểm tra các cơ sở kinh doanh, sản xuất, chế biến thực phẩm. Qua đó đã phát hiện chấn chỉnh nhiều trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại, theo báo cáo từ các cơ quan chức năng là việc quản lý thực phẩm từ gốc vẫn đang rất khó khăn.
Đoàn kiểm tra liên ngành do ngành y tế phụ trách kiểm tra ATVSTP tại Chợ Phước Nguyên (TP.Bà Rịa). |
PHÁT HIỆN NHIỀU CƠ SỞ VI PHẠM
Ngày 3-5, theo chân Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP của Bộ Y tế do ông Nguyễn Hùng Long, Phó Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) làm Trưởng đoàn đã kiểm tra đột xuất tại cơ sở Cửa hàng tự chọn Phước Trung trên địa bàn phường Phước Trung (TP.Bà Rịa).
Cơ sở này kinh doanh gia vị, thực phẩm đóng gói. Nhìn bề ngoài, cơ sở khá rộng rãi, khang trang, các mặt hàng thực phẩm được bố trí đẹp mắt. Tuy nhiên, kể cả trong điều kiện kinh doanh khá chuyên nghiệp thì ngay tại cửa hàng này, cơ quan chức năng cũng phát hiện các vi phạm về bảo quản sản phẩm. Cụ thể, đoàn kiểm tra phát hiện 50 lốc sữa chua tại cửa hàng không được bảo quản ở nhiệt độ 2-8 độ C như yêu cầu của nhà sản xuất. Chủ cửa hàng thì biện minh: “Cửa hàng có đầu tư kho lạnh để bảo quản nhưng do hàng nhập về nhiều chưa kịp đưa vào kho”.
Ông Nguyễn Hùng Long cho hay, các sản phẩm như sữa chua, nước uống lên men, váng sữa... không bảo quản đúng hướng dẫn của nhà sản xuất, để ở nhiệt độ cao sẽ nhanh bị ôxy hóa, có thể sinh ra các chất mới có hại cho con người khi sử dụng. Đoàn yêu cầu chủ cơ sở nhanh chóng khắc phục lỗi vi phạm, đồng thời yêu cầu cơ quan chức năng tại địa phương tiếp tục giám sát cơ sở theo quy định.
Theo báo cáo của BCĐ liên ngành ATTP tỉnh tại buổi làm việc với Đoàn kiểm tra liên ngành ATTP của Bộ Y tế, từ 15-4 đến đầu tháng 5-2019, các cơ quan có liên quan đã kiểm tra 1.274 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, dịch vụ ăn uống và phát hiện hàng trăm cơ sở có vi phạm về ATTP. Cụ thể, ngành Y tế địa phương kiểm tra và phát hiện 169 cơ sở vi phạm, đã xử phạt 3 cơ sở với số tiền là 67 triệu đồng. Cơ quan Quản lý thị trường kiểm tra, phát hiện 3 vụ vi phạm về ATVSTP, phạt 17,5 triệu đồng và tịch thu hàng hóa vi phạm trị giá 261 triệu đồng. Trong khi đó, qua lấy mẫu giò chả để kiểm tra dư lượng nhóm chất bảo quản Natri Benzoat, ngành NTPTNT phát hiện 5 mẫu giò chả, 1 mẫu bò viên có sử dụng vượt mức cho phép loại chất bảo quản nói trên.
Về công tác quản lý ATVSTT, qua kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa tại các chợ Vũng Tàu, Bà Rịa, Long Điền và Kim Long của ngành Công Thương cho thấy BQL các chợ chưa xây dựng kế hoạch và quy chế thực hiện việc kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa.
KHÓ KIỂM SOÁT THỰC PHẨM TỪ GỐC
Theo đánh giá của BCĐ ATTP tỉnh, thời gian qua, nhận thức và việc chấp hành các quy định về ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, dịch vụ ăn uống đã được cải thiện hơn trước. Người tiêu dùng quan tâm hơn về nguồn gốc xuất xứ của thực phẩm; từ đó đòi hỏi người sản xuất kinh doanh cũng phải đáp ứng tốt hơn các yêu cầu về ATTP.
Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng cơ sở thực phẩm cố tình sử dụng chất cấm, vi phạm các lỗi về sản xuất, chế biến thực phẩm không bảo đảm an toàn; việc khám sức khỏe và tập huấn kiến thức về ATTP cho nhân viên chưa được quan tâm. Đáng chú ý là đa số các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm chưa có hệ thống truy xuất nguồn gốc, không ghi chép đầy đủ nguồn nguyên liệu đầu vào, không ghi nhật ký sản xuất. Ở nhiều địa phương việc tổ chức lấy mẫu giám sát, cảnh báo nguy cơ ATTP còn hạn chế.
ÔNG NGUYỄN HÙNG LONG, PHÓ CỤC TRƯỞNG CỤC ATTP (BỘ Y TẾ):
Tập trung hơn nữa cho việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm
Để kiểm soát, ngăn chặn thực phẩm không bảo đảm an toàn, cơ quan chức năng các địa phương cần phải chú trọng kiểm tra nguồn gốc thực phẩm. Phải truy xuất được nguồn gốc thực phẩm thì việc kiểm soát ATTP mới hiệu quả. Lấy ví dụ, Ban Quản lý chợ sử dụng test nhanh phát hiện dư lượng thuốc trừ sâu trên rau, thì việc cần làm đầu tiên là phải ngay lập tức áp dụng các biện pháp truy xuất nguồn gốc, biết được người bán lấy rau ở đâu, để đến đó kiểm tra, tiến hành xử lý vi phạm. Đồng thời, Ban Quản lý chợ phải có trách nhiệm nghiêm cấm, hoặc yêu cầu cơ sở buôn bán không được tiếp tục bán sản phẩm có dấu hiệu nghi ngờ không bảo đảm ATVSTP.
|
Chính vì vậy, để nâng cao chất lượng thanh, kiểm tra ATTP, trong tuần này, BCĐ ATTP sẽ thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành tập trung kiểm tra công tác quản lý ATVSTP tại các địa phương; đồng thời kiểm tra thực tế việc chấp hành quy định về ATVSTP tại một số cơ sở thực phẩm trên địa bàn huyện, thị, thành phố. Qua đó, đoàn đánh giá công tác quản lý ATTP ở các địa phương, đồng thời tháo gỡ vướng mắc, hướng dẫn các địa phương trong công tác thanh kiểm tra, đặc biệt là xử lý vi phạm của các cơ sở. Đoàn còn kết hợp tuyên truyền, vận động chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chấp hành tốt quy định của pháp luật về ATVSTP.
Bài, ảnh: MINH THIÊN