.
ÔNG PHẠM QUANG VIỆT, GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM DỊCH VỤ VIỆC LÀM TỈNH:

Phổ biến thông tin việc làm đến tận phường, xã

Cập nhật: 18:31, 06/05/2019 (GMT+7)

Thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (thuộc Sở LĐTBXH) đã có những đóng góp không nhỏ trong giải quyết việc làm cho NLĐ. Ông Phạm Quang Việt, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo BR-VT về vai trò “cầu nối” của Trung tâm giữa người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động.

Doanh nghiệp tư vấn thông tin việc làm cho người lao động tại phiên giao dịch việc làm lần thứ 2 năm 2019.
Doanh nghiệp tư vấn thông tin việc làm cho người lao động tại phiên giao dịch việc làm lần thứ 2 năm 2019.

* Năm nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã triển khai những giải pháp mới nào để nâng cao hiệu quả công tác giải quyết việc làm, thưa ông?

- Ông Phạm Quang Việt: Phát huy hiệu quả kết nối cung-cầu lao động, cung cấp thông tin về thị trường lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho NLĐ đến tận các xã, phường.

Khác với mọi năm, năm nay, trước mỗi đợt diễn ra Phiên giao dịch việc làm, thông tin tuyển dụng được chúng tôi cập nhật thường xuyên, chia sẻ liên tục về 82 xã, phường để giới thiệu đến NLĐ. Điều này giúp NLĐ nắm bắt thông tin một cách rõ ràng và nhanh chóng. Phương án cung cấp thông tin này giúp NLĐ tiết kiệm thời gian tìm việc, dễ dàng xác định nhu cầu lao động tại địa phương. Đây là năm đầu tiên, Trung tâm liên kết, phối hợp với các xã, phường trong cung cấp thông tin việc làm cho NLĐ.

* Các phiên giao dịch việc làm vẫn là cầu nối tốt nhất giữa NLĐ và DN. Việc triển khai các phiên giao dịch việc làm sắp tới có gì thay đổi thưa ông?

- Triển khai hiệu quả Phiên giao dịch việc làm là một trong những giải pháp quan trọng nhằm kết nối cung-cầu lao động, giúp NLĐ chủ động tìm kiếm cơ hội việc làm. Năm nay theo kế hoạch được phê duyệt thì chúng tôi chỉ tổ chức 8 phiên giao dịch việc làm. Tại các phiên giao dịch việc làm sẽ tạo điều kiện cho NLĐ cơ hội gặp gỡ trực tiếp và dự phỏng vấn tuyển chọn từ các DN có nhu cầu tuyển dụng. Ngoài ra, sẽ có rất nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ NLĐ tìm kiếm việc làm hiệu quả nhất. Đơn cử như: tổ chức hoạt động phỏng vấn tuyển dụng trực tiếp giữa NLĐ và DN tại các bàn tuyển dụng; Tư vấn và tiếp nhận bảo hiểm thất nghiệp; Tư vấn, giới thiệu việc làm xuất khẩu lao động tại các nước... Nếu NLĐ không có điều kiện tham gia các phiên giao dịch việc làm thì có thể liên hệ với trung tâm thông qua website. Với nỗ lực như hiện nay, chúng tôi kỳ vọng sẽ làm thay đổi nhận thức của NLĐ cũng như của các cấp lãnh đạo ở từng địa phương về việc giải quyết việc làm cho NLĐ. Qua đó để thấy rằng vấn đề giải quyết việc làm cho NLĐ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và cần sự vào cuộc của nhiều đơn vị.

* Khó khăn khi tổ chức các phiên giao dịch việc làm là gì, thưa ông?

- Chúng tôi phải căn cứ vào thị trường lao động tại từng thời điểm, từng địa phương để xây dựng nội dung các phiên giao dịch việc làm. Nhưng khó khăn hiện nay là cơ sở dữ liệu thị trường lao động tại BR-VT chưa thực sự hoàn thiện. Để thực hiện điều này, tỉnh đã đầu tư phần mềm Ngân hàng lao động xã hội và trung tâm hiện đang trực tiếp triển khai, khai thác, sử dụng, cập nhật dữ liệu thị trường lao động hàng năm. Trên cơ sở điều tra cung-cầu lao động, hàng năm, trung tâm đều cập nhật nhu cầu nhân lực, xu hướng thị trường lao động tại BR-VT. Tôi nghĩ, các cơ quan quản lý nhà nước có thể sử dụng dữ liệu này để hoạch định chính sách vĩ mô về chuẩn bị nguồn nhân lực trong công tác đào tạo nhằm cung ứng tốt nhất cho thị trường. Còn NLĐ có thể truy cập vào phần mềm Ngân hàng lao động này để khai thác các vị trí việc làm trống mà thị trường lao động đang cần nhằm tìm kiếm cơ hội việc làm. Đối với các cơ sở đào tạo thông qua dữ liệu này sẽ hoạch định kế hoạch đào tạo, điều chỉnh chương trình đào tạo để phù hợp với thị trường lao động hiện nay.

Trong 5 năm (từ 2013-2018), Trung tâm đã tổ chức gần 60 phiên giao dịch. Mỗi năm, trung bình trung tâm tư vấn cho khoảng 10.000 lượt NLĐ, trong đó có hơn 2.000 lượt NLĐ được nhận hồ sơ trực tiếp, gần 4.000 người được hẹn phỏng vấn. Riêng 2019, tổ chức 2 phiên, tư vấn cho khoảng 1.500 lượt người và khoảng 300 lượt NLĐ có việc làm.

* Sau nhiều năm tổ chức, các phiên giao dịch việc làm có thật sự giúp NLĐ tìm được việc không, thưa ông?

- Trước hết cần phải nói rằng từ năm 2010 đến nay thông qua các phiên giao dịch việc làm, Trung tâm đã tư vấn và giới thiệu cho hàng chục ngàn NLĐ. Đồng thời, kết nối NLĐ đến với DN, hỗ trợ tích cực cho DN trong tuyển dụng lao động. Tuy nhiên, là đơn vị điều phối thị trường lao động, chúng tôi nghĩ tỉnh cần có giải pháp nâng cao nguồn nhân lực đào tạo trên địa bàn nhằm cân đối thị trường lao động. Trong đó, cần bảo đảm về cơ cấu chất lượng, giữa các trình độ, chất lượng đi vào thực chất. Đề nghị tỉnh quan tâm, hỗ trợ để trung tâm xây dựng dữ liệu thị trường lao động hàng năm để cập nhật thường xuyên, bảo đảm tính khoa học, độ tin cậy, chính xác về thông tin mà trung tâm cung cấp cho thị trường lao động.

* Xin trân trọng cảm ơn ông!

NHÃ UYÊN (Thực hiện)

.
.
.