Chăm lo đời sống đồng bào dân tộc thiểu số
Trong 4 năm qua (2016-2019), nhờ các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn TX. Phú Mỹ không ngừng được nâng cao.
Đoàn khảo sát Ban Văn hóa-xã hội HĐND tỉnh khảo sát tình hình chăn nuôi bò giống của hộ đồng bào DTTS tại TX. Phú Mỹ. |
TX. Phú Mỹ hiện có gần 180.000 người, trong đó có hơn 5.400 người DTTS (chiếm 3,45%). Với phương châm “Nhà nước hỗ trợ, nhân dân tự làm, cộng đồng giúp đỡ”, thời gian qua, 89 hộ đồng bào DTTS trên địa bàn TX. Phú Mỹ được hỗ trợ xây nhà mới, cuộc sống đã ổn định hơn.
Giữa trưa nắng, quán nước mía của gia đình chị Kiên Thị Sa Rinh (dân tộc Khơ-me) ở ấp Phước Bình, xã Sông Xoài tấp nập khách ra vào. Nhanh tay ép nước mía cho khách, chị Sa Rinh vừa tươi cười, đon đả mời chào. Kể lại quãng thời gian mới về BR-VT lập nghiệp, chị cho biết, cách đây 5 năm, cả gia đình chị từ Trà Vinh lên BR-VT sinh sống. Không có đất ở, không có vốn làm ăn, vợ chồng chị và con trai phải ở trong căn nhà mái tôn xập xệ, lợp tạm trên nền đất của người anh trai. Hàng ngày, vợ chồng chị đi làm thuê tại các vườn bưởi trong ấp với thu nhập bấp bênh 100-200 ngàn đồng/ngày. Năm 2018, gia đình chị được Ban Dân tộc tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng để xây nhà ở và nhà vệ sinh. Nhờ chăm chỉ làm việc, vợ chồng chị được người chủ vườn bưởi cho mượn thêm 80 triệu đồng để xây nhà. Giờ đây, có căn nhà mới khang trang diện tích gần 80m2, lại mở thêm được quán bán nước ngay tại nhà với thu nhập khoảng 250 ngàn đồng/ngày, vợ chồng chị yên tâm làm ăn để lo cho con ăn học.
Gia đình chị Dương Thị Ngọc (dân tộc Châu Ro, ấp Phước Bình, xã Sông Xoài, TX. Phú Mỹ) được hỗ trợ 1 con bò giống để phát triển sản xuất năm 2017. |
Bên cạnh chính sách hỗ trợ nhà ở, giúp đồng bào DTTS “an cư lạc nghiệp”, TX. Phú Mỹ còn chỉ đạo Phòng Dân tộc và các xã, phường tiến hành khảo sát nhu cầu phát triển sản xuất của người dân để hỗ trợ con giống phù hợp. Nhiều mô hình hỗ trợ dê, bò giống đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp bà con phát triển sinh kế, từng bước nâng cao thu nhập.
Năm 2018, gia đình ông Dương Văn Trắng (dân tộc Châu Ro, khu phố Nông Trường, phường Hắc Dịch) được hỗ trợ 2 con dê cái. Nhờ chăm sóc tốt, đến nay 1 con dê cái đã đẻ được 1 dê con, con dê còn lại cũng đang mang bầu. Hay như gia đình chị Dương Thị Ngọc (ấp Phước Bình, xã Sông Xoài) được hỗ trợ 1 con bò cái năm 2017. Ngoài ra, chị còn được tham gia các lớp tập huấn kiến thức cơ bản về kỹ thuật chăm sóc bò sinh sản do địa phương tổ chức. Gần 1 năm sau, con bò này đẻ được 1 con bê. Với số tiền 8 triệu đồng từ việc bán bê, chị Ngọc có thêm vốn để mở quán tạp hóa tại nhà. “Nuôi bò không tốn nhiều diện tích đất cũng như thức ăn, lại được cán bộ thú y xã quan tâm hỗ trợ phòng dịch bệnh cho bò nên vợ chồng tôi rất phấn khởi”, chị Ngọc nói.
Từ năm 2016 đến nay, TX. Phú Mỹ đã hỗ trợ nhà ở cho 89 hộ, nhà vệ sinh cho 105 hộ, hỗ trợ lắp đặt điện kế sinh hoạt cho 92 hộ, lắp đồng hồ nước sinh hoạt cho 174 hộ, hỗ trợ con giống phát triển sản xuất cho 117 hộ. Đến nay, tỷ lệ đồng bào DTTS trên địa bàn thị xã được sử dụng điện sinh hoạt là 99,8%, sử dụng nước sạch sinh hoạt là 85%. |
Ông Nguyễn Văn Tín, Phó Chủ tịch UBND TX. Phú Mỹ cho biết, thời gian qua, thực hiện Đề án phát triển kinh tế-xã hội cho đồng bào DTTS giai đoạn II (2016-2020), TX. Phú Mỹ đã triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ nhà ở, nhà vệ sinh, điện, nước sinh hoạt, con giống, đầu tư đường giao thông, hỗ trợ văn hóa, giáo dục cho đồng bào trên địa bàn. Ngoài ra, địa phương còn tạo điều kiện cho đồng bào DTTS tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, tham gia học nghề giúp bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tránh ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Nhờ đó, cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo là người DTTS đã giảm 68 hộ so với đầu năm 2016.
“Trong 2 năm cuối của giai đoạn, TX. Phú Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả nguồn vốn đầu tư công trình, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đồng thời vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ để đầu tư phát triển kinh tế xã hội cho vùng đồng bào DTTS”, ông Tín cho biết thêm.
Bài, ảnh: TƯỜNG NGÂN