.
HUYỆN ĐẤT ĐỎ:

Nỗ lực xây dựng huyện nông thôn mới

Cập nhật: 17:01, 28/03/2019 (GMT+7)

Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI, huyện Đất Đỏ được chọn là một trong 2 huyện điểm (huyện Long Điền và Đất Đỏ) của tỉnh để xây dựng huyện nông thôn mới (NTM). Để đạt được mục tiêu trên, huyện Đất Đỏ đã và đang nỗ lực phấn đấu để hoàn thành các tiêu chí của huyện NTM vào năm 2020.

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng của gia đình ông Lê Trọng Nghĩa (xã Lộc An).
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng của gia đình ông Lê Trọng Nghĩa (xã Lộc An).

Tại các xã NTM đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao thu nhập cho người dân như: Vận động, hướng dẫn bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trong đó tập trung phát triển diện tích vườn chuyên canh cây ăn trái, đưa cây màu xuống ruộng và phát triển nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản. Nhiều mô hình sản xuất được ứng dụng, nhân rộng và phát huy hiệu quả như: Mô hình trồng hoa lan, sản xuất lúa giống xác nhận, trồng rau an toàn, chuyên canh mãng cầu ta, nhãn xuồng cơm vàng, đầu tư máy ấp trứng, lò sấy thuốc lá... Nhờ vậy, thu nhập của người dân không ngừng được nâng cao. 

Đơn cử như tại xã Lộc An, đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 53,7 triệu đồng/người/năm. Để đạt được tiêu chí thu nhập, UBND xã xây dựng nhiều mô hình NTM ứng dụng công nghệ cao như: Trồng nhãn xuồng cơm vàng, nuôi tôm thâm canh áp dụng mô hình công nghệ cao, chế biến thủy hải sản, nhân rộng các mô hình nuôi cá chẽm… Ông Ngô Văn Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc An cho biết, trước đây khi chưa thực hiện xây dựng NTM, thu nhập của người dân trên địa bàn xã còn thấp, các mô hình sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, hàng hóa sản xuất ra chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường. Từ khi triển khai xây dựng NTM, nhờ sự đồng lòng của chính quyền và nhân dân, các chính sách đầu tư xây dựng các dự án nâng cao thu nhập cho người dân đã được triển khai thuận lợi. Chẳng hạn, sau khi 20 hộ dân chuyển sang trồng nhãn xuồng cơm vàng trên hơn 30ha và áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, đời sống của người dân đã ổn định hơn, với mức thu nhập từ 300-350 triệu đồng/ha. Mô hình nuôi tôm 24ha/5 hộ, đến nay năng suất trung bình đạt 40-50 tấn/ha, lợi nhuận thu được 800 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/vụ... Nhờ tận dụng mọi nguồn lực của địa phương, nhất là nguồn lực của nhân dân đến nay, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí và được công nhận xã NTM, góp phần thay đổi diện mạo của địa phương.

Cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, thể thao ngày càng được hoàn thiện, tạo điều kiện cho người dân rèn luyện thân thể, tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao. Trong ảnh: Người dân tham gia hội thao do huyện Đất Đỏ tổ chức.
Cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, thể thao ngày càng được hoàn thiện, tạo điều kiện cho người dân rèn luyện thân thể, tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao. Trong ảnh: Người dân tham gia hội thao do huyện Đất Đỏ tổ chức.

Theo ông Nguyễn Hồng Phúc, Chủ tịch UBND xã Long Tân, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, thời gian qua, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể xã luôn cố gắng làm tốt công tác tuyên truyền, khâu dễ làm trước, khâu khó làm sau, vận động nhân dân hiến đất làm đường giao thông nông thôn. Bằng nhiều biện pháp vận động, tuyên truyền của chính quyền, đoàn thể địa phương, người dân đã tự nguyện hiến hàng chục ha đất để làm đường; xây dựng các công trình phúc lợi; kênh mương nội đồng phục vụ cho việc tưới tiêu sản xuất, tiêu biểu như hộ ông Nguyễn Văn Thanh (ấp Tân Hòa) hiến 30m2 đất và ngày công lao động; ông Võ Hữu Nghĩa (ấp Tân Hòa) hiến gần 1.500m2 để làm đường trong ấp.

Tính đến nay, tổng vốn thực hiện chương trình NTM trên địa bàn huyện Đất Đỏ hơn 1.900 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước khoảng 300 tỷ đồng, chiếm 15,8%; vốn tín dụng khoảng 1.000 tỷ đồng, chiếm 52,6%; vốn nhân dân đóng góp 270 tỷ đồng, chiếm 14,2%; các nguồn vốn lồng ghép 330 tỷ đồng, chiếm 17,4% trên tổng vốn đầu tư. Từ nguồn vốn trên huyện đã đầu tư nâng cấp khoảng 72,3km đường giao thông nông thôn; bê tông hóa và nạo vét 39km kênh mương thủy lợi; đầu tư 13 tuyến điện với tổng chiều dài 32km đường dây điện trung và hạ thế; xây mới 8 trường học và các công trình khác như chợ, các trung văn hóa - học tập cộng đồng các xã, thị trấn; các mô hình, dự án sản xuất kinh doanh được triển khai thực hiện… Tính đến tháng 3-2019, huyện Đất Đỏ đã hoàn thành chỉ tiêu 100% xã (6/6 xã) đạt chuẩn NTM. 

Ông Lê Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Đất Đỏ cho biết, để đạt mục tiêu huyện NTM vào năm 2020, huyện sẽ tập trung mọi nguồn lực và đề ra các giải pháp để hoàn thành 4 tiêu chí còn lại vào cuối năm 2019. Huyện dự kiến bố trí khoảng 145,8 tỷ đồng để thực hiện triển khai tiêu chí quy hoạch, giao thông, thủy lợi. Riêng tiêu chí về sản xuất, huyện tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về ATTP, đẩy mạnh các vùng sản xuất hàng hóa, mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất để nâng cao giá trị hàng hóa, tăng thu nhập cho nông dân, đẩy mạnh liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản… Ngoài ra, huyện cũng kiến nghị các sở, ngành liên quan xem xét bố trí nguồn vốn đầu tư trên và hỗ trợ huyện trong việc chuẩn bị thủ tục hồ sơ xét công nhận huyện NTM.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

.
.
.