.

Trường học, bếp ăn công nhân tăng cường kiểm tra nguồn thực phẩm

Cập nhật: 18:52, 25/03/2019 (GMT+7)

Do lo ngại thịt heo nhiễm dịch bệnh nên tại một số DN trong các KCN trên địa bàn tỉnh đã loại bỏ thịt heo ra khỏi thực đơn bữa ăn ca dành cho người lao động. Tại Công ty TNHH Prime Asia Việt Nam (KCN Mỹ Xuân, TX.Phú Mỹ) có khoảng 1.500 suất ăn ca dành cho công nhân do công ty tự tổ chức nấu. Từ đầu tháng 3-2019, công ty tạm ngưng sử dụng thịt heo vào bữa ăn ca dành cho công nhân, thay thế thịt heo bằng các món chế biến từ thực phẩm khác như: tôm, cá, thịt bò… Trong khi đó, tại Công ty TNHH E-TOP Việt Nam (KCN B1 Tiến Hùng, TX.Phú Mỹ), có 3.000 lao động, công ty thuê 2 DN bên ngoài vào nấu nhưng việc kiểm tra thực phẩm ngay từ khâu đầu vào nguồn gốc nguyên liệu, sản phẩm thực phẩm được bộ phận tổng vụ và bộ phận an toàn của công ty kiểm tra hàng ngày. Đặc biệt từ khi có dịch ở mồm long móng và dịch tả heo châu Phi, công ty đã hạn chế sử dụng thịt heo vào bữa ăn nhưng không ngưng hẳn. Ngoài chú trọng thực phẩm phải có giấy chứng nhận nguồn gốc rõ ràng, khâu sơ chế cũng được kiểm tra nghiêm ngặt. Bà Nguyễn Thị Mai, Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH E-TOP Việt Nam  cho biết, do công ty có hàng ngàn lao động nên việc bảo đảm an toàn bữa ăn rất quan trọng.

Mua thịt heo an toàn như thế nào?
Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, dịch tả heo châu Phi không gây bệnh trên người. Tuy nhiên, ở heo bệnh thường chứa những vi khuẩn gây hại khác có thể xâm nhập và gây bệnh ở người. Do đó người dân khi sử dụng thịt heo cần mua heo nguồn gốc rõ ràng ở những nơi có uy tín, có kiểm dịch của cơ quan chức năng. Thịt heo cần được nấu chín kỹ, không ăn thịt tái sống, các sản phẩm làm gỏi, nem, tiết canh…
Bác sĩ Tiêu Văn Linh, Chi Cục ATVSTP cho biết, để không mua phải thịt heo nhiễm bệnh, người tiêu dùng nên chọn thịt có màng ngoài khô, màu thịt tươi tắn tự nhiên, phần mỡ trắng phau hoặc trắng sáng, phần da không có các đốm, vết khác thường, vết cắt có màu sắc bình thường, sáng, khô. Tránh thịt có màu hơi xanh nhạt hoặc hơi thâm, thậm chí đen, không bóng, màng ngoài nhớt. Thịt tươi, ngon thường có mùi đặc trưng, có độ rắn chắc, đàn hồi cao, lấy ngón tay ấn vào thịt, không để lại vết lõm khi bỏ ngón tay ra và không bị dính.

Về phía ngành GD-ĐT, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học tổ chức ăn bán trú cho HS, bà Hà Thị Thanh Thuận, Trưởng Phòng Giáo dục MN-TH, Sở GD-ĐT cho biết, Sở GD-ĐT chỉ đạo các trường học tăng cường công tác kiểm soát nguồn thực phẩm. Theo đó, các Phòng GD-ĐT và các đơn vị trực thuộc chủ động phối hợp với ngành y tế để tham mưu với địa phương (theo phân cấp quản lý) tổ chức rà soát lại các quy trình từ cung cấp thực phẩm đầu vào, quy trình tổ chức bếp ăn một chiều và quy trình thức ăn đầu ra phục vụ HS ăn tại trường. Đối với các trường đặt suất ăn công nghiệp, yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ cung cấp đầy đủ hồ sơ liên quan đến an toàn thực phẩm cho nhà trường. Đặc biệt, các cơ sở giáo dục có tổ chức ăn, ở bán trú, nội trú thành lập Tổ bảo đảm ATTP của trường do thủ trưởng đơn vị làm Tổ trưởng và mời Ban đại diện cha mẹ HS tham gia giám sát… Bà Hà Thị Thanh Thuận cũng cho biết thêm, đến thời điểm này, tại các địa phương đã xuất hiện dịch LMLM như Xuyên Mộc, TX. Phú Mỹ thì khuyến cáo các cơ sở giáo dục hạn chế sử dụng thịt heo trong bữa ăn của trẻ và hết sức thận trọng trong lựa chọn đơn vị cung cấp, kiểm soát thực phẩm. Ngày 2-4 tới đây, Sở GD-ĐT sẽ tổ chức đoàn kiểm tra bếp ăn bán trú tại 2 địa phương là huyện Xuyên Mộc và huyện Châu Đức để nắm bắt tình hình thực hiện, kịp thời góp ý, chấn chỉnh.

TUYẾT MAI - KHÁNH CHI

.
.
.