.

Có nên cho trẻ tiếp xúc sớm với tiếng Anh?

Cập nhật: 19:02, 26/02/2019 (GMT+7)

Hiện nay, nhiều phụ huynh đã định hướng cho con tiếp xúc với ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh) ngay từ độ tuổi mầm non. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc trẻ tiếp xúc với ngôn ngữ thứ hai quá sớm sẽ ảnh hưởng đến tiếng mẹ đẻ, thậm chí khiến trẻ bị rối loạn ngôn ngữ, mất tự tin trong giao tiếp.

Trẻ em cần có nền tảng ngôn ngữ mẹ đẻ vững chắc trước khi học ngôn ngữ thứ hai.  Trong ảnh: Cô Trần Thị Ngọc Mỹ, GV lớp Trẻ 2, Trường MN Châu Thành (TP. Vũng Tàu) đọc truyện bằng tiếng Việt cho trẻ nghe tại góc thư viện của trường. Ảnh: Khánh Chi
Trẻ em cần có nền tảng ngôn ngữ mẹ đẻ vững chắc trước khi học ngôn ngữ thứ hai.
Trong ảnh: Cô Trần Thị Ngọc Mỹ, GV lớp Trẻ 2, Trường MN Châu Thành (TP. Vũng Tàu) đọc truyện bằng tiếng Việt cho trẻ nghe tại góc thư viện của trường. Ảnh: Khánh Chi

RÀNH TIẾNG ANH HƠN TIẾNG VIỆT

Chị Trần Thị H. (phường 7, TP. Vũng Tàu) có cô con gái gần 30 tháng tuổi. Bé rất ít nói và chỉ nói được 1-2 từ một lúc với vốn từ hạn chế. Tuy không nói tiếng Việt nhưng bé lại phát âm rõ một số từ tiếng Anh và nói tiếng Anh thường xuyên hơn tiếng Việt. Thấy con có biểu hiện chậm nói so với các bạn cùng trang lứa, chị H. đã đưa con đi khám tại Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP. Hồ Chí Minh). Kết quả, bác sĩ kết luận bé hoàn toàn khỏe mạnh, không bị chậm nói do các khuyết tật về thể chất hay trí não. Song, bác sĩ nhận định khả năng cao dẫn đến tình trạng trên là do bé tiếp xúc với ngôn ngữ thứ hai quá sớm, khi chưa rành tiếng mẹ đẻ. Chị H. cho biết: “Khi cháu khoảng 1 tuổi, để “dụ” cháu ăn, tôi thường mở các chương trình giải trí dành cho trẻ em bằng tiếng Anh cho cháu xem. Có thể đây là lý do khiến khả năng nói tiếng Việt của cháu bị ảnh hưởng, như phân tích của bác sĩ”.

Còn chị T.T.D. (phường Thắng Nhì, TP. Vũng Tàu) quan niệm: “Giỏi tiếng Anh thì làm công việc gì cũng có giá”. Vậy nên, từ khi bé Bi, con trai chị mới 1 tuổi, chị đã cho con nghe, xem những bài hát, chương trình bằng tiếng Anh. Khi con vào lớp 1, chị cho con học tại trường quốc tế để bé được học tập trong môi trường hoàn toàn bằng tiếng Anh. Chị D. tỏ ra tự hào khi mới học lớp 4 mà bé Bi đã giao tiếp với bạn bè cùng trường lớp bằng tiếng Anh trôi chảy, thậm chí xem các bộ phim nước ngoài không cần phụ đề. Tuy vậy, chị D. lại khá lúng túng khi ngoài thời gian ở lớp, bé Bi rất rụt rè khi giao tiếp với mọi người xung quanh bằng tiếng Việt. Bởi nhiều lúc cậu bé ngơ ngác không hiểu hết ý nghĩa câu chuyện, thậm chí “bí” từ, không biết phải trả lời ra sao. Thiếu tự tin trong giao tiếp, bé Bi dần thu mình lại, ít hòa đồng và ngại giao tiếp. Vậy là mấy tháng nay, mỗi tối, chị D. lại phải chật vật kèm con học... tiếng Việt.

THỜI ĐIỂM NÀO LÀ PHÙ HỢP?

Trẻ cần có nền tảng tiếng mẹ đẻ vững vàng trước khi học ngôn ngữ thứ hai. (Ảnh minh họa)
Trẻ cần có nền tảng tiếng mẹ đẻ vững vàng trước khi học ngôn ngữ thứ hai. (Ảnh minh họa)

Cô Lê Thị Chính Lan, Hiệu trưởng Trường MN Happy House (TP. Vũng Tàu) cho rằng, hiện nay, việc cho trẻ tiếp xúc sớm với ngoại ngữ đã trở thành trào lưu được nhiều phụ huynh ưa chuộng. Cô Lan đã tiếp nhiều trường hợp trẻ đang ở độ tuổi nhà trẻ, chưa nói rõ nhưng cha mẹ đã đề nghị cho con học tiếng Anh với GV nước ngoài. Theo cô Lan, việc cho trẻ tiếp xúc với ngôn ngữ thứ hai quá sớm, khi chưa rành tiếng Việt là điều không có lợi. Bởi lẽ, trẻ có thể gặp phải những vấn đề như chậm nói, rối loạn ngôn ngữ, quá tải, mất cân bằng, dẫn đến những vấn đề về tâm lý, dễ thu mình, thụ động trong giao tiếp... Nhìn chung, những vấn đề này gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và tâm lý của trẻ. 

Cô Lê Thị Chính Lan khuyến cáo: “Phụ huynh muốn con giỏi ngoại ngữ là nhu cầu chính đáng, song cần xác định muốn phát triển ngôn ngữ thứ hai thì trẻ phải có nền tảng ngôn ngữ mẹ đẻ chắc chắn. Bởi trẻ là người Việt Nam, đang sống ở Việt Nam, có nhiều mối quan hệ, môi trường giao tiếp bằng tiếng Việt thì việc được bồi đắp tâm hồn bằng tiếng mẹ đẻ là điều cần thiết. Đó là nền tảng để trẻ phát triển ngôn ngữ thứ hai của các em. Việc cho trẻ tiếp xúc với ngôn ngữ thứ hai cần đúng thời điểm và phù hợp với khả năng của từng trẻ mới đem lại hiệu quả cao”.

Cùng quan điểm, chuyên gia Neil Roberts, Phó Giám đốc Trung tâm Giảng dạy Hội đồng Anh cho biết, hầu hết HS Việt Nam học tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai. Nó khác với song ngữ. Một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng học ngoại ngữ ở độ tuổi khi còn quá nhỏ có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới tiếng mẹ đẻ của trẻ. Một số nghiên cứu nổi tiếng cũng đã chỉ ra rằng, sự tiếp nhận ngôn ngữ đầu tiên của trẻ có thể bị chậm lại nếu trẻ được tiếp xúc với ngôn ngữ thứ hai trong thời gian dài ở trường mẫu giáo hoặc nhà trẻ. Một số phụ huynh thậm chí còn cảm thấy cần ngưng sử dụng tiếng mẹ đẻ ở nhà để trẻ luyện ngoại ngữ, nhưng điều này có thể dẫn đến những bối rối và mất tự tin ở trẻ. “Mặc dù có nhiều quan điểm khác nhau nhưng hầu hết các nghiên cứu đều cho rằng độ tuổi quan trọng để phát triển tiếng mẹ đẻ ở trẻ là từ 2-4 tuổi. Theo chương trình chuẩn của Vương quốc Anh, trẻ em nên bắt đầu học ngôn ngữ thứ hai từ giai đoạn 6-7 tuổi”, ông Neil Roberts nói.

Bài, ảnh: HOÀNG DƯƠNG

.
.
.