Nhân Ngày Dân số Việt Nam (26-12): Thay đổi nhận thức của người dân về công tác dân số
Nhân Ngày Dân số Việt Nam (26-12), phóng viên Báo BR-VT đã có cuộc trao đổi với bác sĩ Tôn Thất Khoa, Chi cục trưởng Chi cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh về những kết quả đạt được và mục tiêu của công tác DS-KHHGĐ.
Bác sĩ Bệnh viện Bà Rịa chăm sóc sản phụ sau khi sinh. Ảnh: MINH THIÊN |
* Phóng viên: Xin bác sĩ cho biết kết quả của công tác DS, chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) trên địa bàn tỉnh?
- Bác sĩ Tôn Thất Khoa: Thời gian qua, ngành Y tế tỉnh đã tích cực phối hợp với các cấp, ngành triển khai nhiều biện pháp thiết thực, trong đó trọng tâm là công tác tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người dân về DS-KHHGĐ. Hiện nay, tỉnh đang tích cực triển khai một số mô hình nhằm nâng cao chất lượng dân số, như: Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; Xã hội hóa sàng lọc trước sinh và sơ sinh; Đề án “Can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”… Nhờ đó, nhận thức, thái độ, hành vi về dân số, SKSS của cán bộ, nhân dân trong tỉnh có chuyển biến tích cực. Đến nay, tổng tỷ suất sinh toàn tỉnh (số con trung bình của mỗi người phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) chỉ còn 1,37 con.
Trong năm 2018, số phụ nữ được khám sàng lọc trước sinh đạt 78%. Số trẻ em được sàng lọc sơ sinh đạt 70,3%. Tổng số thực hiện dịch vụ kế hoạch hóa gia đình 70.161 người, đạt 129,93% kế hoạch.
* Chủ đề của Ngày Dân số Việt Nam năm nay là “Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên vì tương lai giống nòi”. Bác sĩ có thể cho biết ý nghĩa của chủ đề này và những hoạt động cụ thể đã được thực hiện trong Tháng hành động Quốc gia về dân số (tháng 12) năm 2018?
-Chăm sóc SKSS vị thành niên, thanh niên là một trong những yếu tố quan trọng có ý nghĩa quyết định đến chất lượng DS, chất lượng nguồn nhân lực và tương lai của giống nòi. Theo đó, vấn đề SKSS vị thành niên, thanh niên được Bộ Y tế xác định là một nội dung ưu tiên trong Chiến lược Dân số - Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Do đó “Chăm sóc SKSS vị thành niên, thanh niên vì tương lai giống nòi” không chỉ là tập trung hướng dẫn các biện pháp tránh thai hay sinh hoạt tình dục an toàn, mà còn là chăm sóc SKSS tiền hôn nhân nhằm mục đích chuẩn bị tâm, sinh lý cho thanh niên trước khi xây dựng một gia đình.
Trong tháng hành động, ngành Y tế BR-VT đã tập trung vào một số hoạt động như: Tổ chức truyền thông giáo dục ở các cấp học, trong đó đẩy mạnh mô hình truyền thông chuyên biệt, ưu tiên các nội dung về SKSS cho vị thành niên, thanh niên (Kỹ năng sống lành mạnh, tình dục an toàn, phòng tránh mang thai ngoài ý muốn và tác hại của phá thai không an toàn, các bệnh lây truyền qua đường tình dục); Tham gia tư vấn cho thanh, thiếu niên về lợi ích của việc khám sức khỏe trước hôn nhân, tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh, tật trước sinh và sơ sinh; Nâng cao chất lượng, đa dạng hóa dịch vụ chăm sóc SKSS, sức khỏe tình dục thân thiện cho vị thành niên, thanh niên; Kêu gọi gia đình, cộng đồng và toàn xã hội hãy quan tâm, chăm sóc sức khỏe cho vị thành niên, thanh niên…
Cán bộ y tế tư vấn công tác dân số cho người dân tại Trạm Y tế xã Hòa Long (TP. Bà Rịa). |
* Phương hướng, nhiệm vụ thực hiện công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh thời gian tới là gì, thưa bác sĩ?
-Trong thời gian tới, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh sẽ chủ động duy trì vững chắc mức sinh thay thế, hạn chế tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dân số và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững. Cụ thể, trong năm 2019, ngành đặt ra các chỉ tiêu: Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên: 10,4‰; Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên nhỏ hơn 10% số sinh; Tỷ số giới tính khi sinh ≤106,8 nam/100 nữ; Tỉ lệ sàng lọc trước sinh đạt 70%; Tỉ lệ sàng lọc sơ sinh 80%; Tăng thêm tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ lên 15%; Số người mới thực hiện biện pháp tránh thai hiện đại là 54.000 người.
Ngoài ra, Chi cục sẽ đẩy mạnh công tác “Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ, SKSS tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển giai đoạn 2018-2020” trên địa bàn toàn tỉnh. Duy trì các hoạt động truyền thông lồng ghép, tư vấn trực tiếp tại cộng đồng, tại trạm y tế. Tổ chức các hoạt động truyền thông, vận động thông qua các kênh truyền thông thích hợp tại các điểm triển khai mô hình (thảo luận nhóm, sinh hoạt câu lạc bộ, các cuộc thi, giao lưu, sinh hoạt lồng ghép với các tổ chức xã hội, các buổi giáo dục về SKSS, các buổi tư vấn tại cộng đồng).
* Xin cảm ơn bác sĩ!
Hiện tại, dân số của tỉnh trung bình hơn 1,1 triệu người. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 10,5‰. Năm 2018, tỷ suất sinh là 12,92‰ (giảm 0,23‰ so với năm 2017). Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên là 9,43% (tăng 1,51% so với năm 2017) nhưng thấp hơn so với chỉ tiêu giao (chỉ tiêu giao dưới 10,0%). Tỷ số giới tính khi sinh là 106,4 nam/100 nữ, thấp hơn so với năm 2017 (chỉ tiêu giao là 110,0 nam/100 nữ).
|
TƯỜNG NGÂN
(thực hiện)