.
BẢO HIỂM XÃ HỘI

Hiểu về BHXH tự nguyện, người dân tích cực tham gia

Cập nhật: 17:37, 24/12/2018 (GMT+7)

Nhờ tăng cường công tác phối hợp với các ban, ngành trong công tác tuyên truyền, vận động nên chính sách BHXH tự nguyện càng được nhiều người biết đến. 

Người dân được nhân viên bưu điện tư vấn trực tiếp về chính sách BHXH tự nguyện.
Người dân được nhân viên bưu điện tư vấn trực tiếp về chính sách BHXH tự nguyện.

Đầu tháng 12-2018, chị Nguyễn Thị Hoa (43 tuổi, ở 70/8 đường Bà Huyện Thanh Quan, TP.Vũng Tàu) được BHXH tỉnh mời đến tham gia một buổi tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện. Sau khi nghiên cứu các thông tin về mức đóng, phương thức đóng, quyền lợi và mức hưởng, chị đã quyết định đăng ký tham gia BHXH tự nguyện cho mình. Chị Hoa cho biết, chị làm nghề sửa quần áo nên thu nhập chỉ có khoảng 4 triệu đồng/tháng. Khi chưa biết đầy đủ thông tin về chính sách BHXH tự nguyện, chị nghĩ rằng với thu nhập này không thể tham gia BHXH. Thế nhưng khi được nhân viên BHXH tỉnh tư vấn, chị Hoa mới vỡ lẽ nhiều điều về BHXH tự nguyện. Do đó, chị đã tham gia BHXH tự nguyện với mức đóng hơn 226 ngàn đồng/tháng tương ứng với mức thu nhập 1,1 triệu đồng/tháng. “BHXH tự nguyện có nhiều mức đóng linh hoạt. Tùy thuộc vào thu nhập của mình mà tôi lựa chọn mức đóng thích hợp. Nếu biết được thông tin này thì tôi đã tham gia BHXH tự nguyện từ lâu. Tôi tham gia BHXH tự nguyện với mức đóng không cao, nhưng khi về già nhận được một khoản lương hưu hàng tháng thì tôi cũng cảm thấy yên tâm cho tương lai của mình”, chị Hoa nói thêm.

Không riêng gì chị Hoa, chị Nguyễn Thị Thái Anh (40 tuổi, ở 24B đường Phạm Văn Dinh, TP.Vũng Tàu) cũng vừa đăng ký tham gia BHXH tự nguyện cho cả hai vợ chồng. Chị Thái Anh cho biết, thu nhập của vợ chồng chị khoảng 10 triệu đồng/tháng. Lâu nay, với khoản thu nhập này chỉ vừa đủ trang trải mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình và học tập của 2 người con. Song, khi được nhân viên đại lý thu của BHXH tỉnh tư vấn, chị thấy với thu nhập và hoàn cảnh của gia đình mình vẫn có thể tham gia BHXH tự nguyện. Do đó, chị đã tham gia loại bảo hiểm này với mức đóng hơn 292 ngàn đồng/người/tháng, tương đương với mức thu nhập 1,4 triệu đồng/tháng. Chị Thái Anh cho hay: “Hàng tháng tôi tiết kiệm chi tiêu khoảng 600 ngàn đồng để đóng BHXH tự nguyện cho cả tôi và chồng. Thu nhập của gia đình tôi không cao nên lựa chọn mức đóng này cũng phù hợp. Khi về già, vợ chồng tôi có lương hưu sẽ giảm một phần gánh nặng tài chính cho con cái, đồng thời chủ động được cuộc sống”.

Trên đây là 2 trong số rất nhiều người dân đã thay đổi nhận thức về chính sách BHXH tự nguyện khi được nhân viên BHXH tỉnh, các đại lý thu của BHXH tỉnh đến gặp trực tiếp tuyên truyền, tư vấn. Chính sách BHXH tự nguyện được triển khai từ năm 2008, với một số ưu điểm nổi bật như: Nhiều quyền lợi, thủ tục tham gia đơn giản, phương thức đóng linh hoạt… Theo đó, đối tượng tham gia là công dân từ đủ 15 tuổi trở lên (không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc); người dân có thể đến Đại lý thu BHXH tự nguyện ở UBND các xã, phường, thị trấn, Bưu điện, Hội Nông dân, Hội LHPN, hoặc cơ quan BHXH tỉnh, huyện, thị xã, thành phố để đăng ký tham gia. Hàng tháng, người tham gia BHXH tự nguyện đóng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia lựa chọn, với nhiều phương thức đóng, gồm: Hàng tháng, 3 tháng một lần, 6 tháng một lần, 12 tháng một lần, đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần, đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH bắt buộc đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu nhưng còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu. Nhằm mở rộng và phát triển đối tượng, từ 1-1-2018, người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm trên mức đóng BHXH hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn, trong đó hỗ trợ 30% đối với người tham gia thuộc hộ nghèo, 25% đối với người tham gia thuộc hộ cận nghèo và 10% đối với các đối tượng khác. Người dân tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hưởng chế độ hưu trí (gồm hưởng lương hưu hàng tháng và trợ cấp một lần đối với người có thời gian đóng BHXH cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%); trợ cấp mai táng (bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm người tham gia BHXH tự nguyện chết); đồng thời được cấp thẻ BHYT.

Chính sách BHXH tự nguyện có nhiều quyền lợi như vậy nhưng công tác tuyên truyền loại hình bảo hiểm này đến người dân vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Vì vậy, thời gian gần đây, BHXH tỉnh đã đổi mới hình thức tuyên truyền vận động. Riêng trong năm 2018, BHXH tỉnh đã tổ chức hơn 100 hội nghị tuyên truyền tại các khu phố, thôn ấp để vận động người dân tham gia. Mặt khác, BHXH tỉnh chủ động phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn, Bưu điện, Hội Nông dân, Hội LHPN mở thêm 36 đại lý thu, nâng tổng số đại lý thu trên địa bàn tỉnh lên 140, với 204 điểm thu, 239 nhân viên, tạo điều kiện cho người dân tham gia BHXH tự nguyện. Ông Trần Duy Hưng, Giám đốc BHXH tỉnh cho biết, nhờ thay đổi hình thức tuyên truyền tới các khu dân cư, nên số lượng người dân tham gia BHXH tự nguyện ngày càng tăng. Tính đến cuối năm 2018, toàn tỉnh có 2.000 người dân tham gia BHXH tự nguyện. Thời gian tới, để phát triển đối tượng BHXH tự nguyện, BHXH tỉnh tiếp tục chú trọng tuyên truyền đến tận cơ sở, trực tiếp cho người dân tại từng địa bàn dân cư, trong đó tập trung vào đối tượng như chủ kinh doanh cá thể, lao động tự do, lao động ngoại tỉnh nhập cư…; tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông thực hiện các chuyên mục về chính sách BHXH tự nguyện; đồng thời giao chỉ tiêu phát triển BHXH tự nguyện cho từng đại lý thu. Bên cạnh đó, BHXH tỉnh  đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác phát triển đối tượng và giải quyết chế độ BHXH.

Bài, ảnh: TUỆ LÂM

.
.
.