Đừng để "mất điểm" vì ham vui
Ngày tháng trôi qua như cái chớp mắt. Đã cuối năm rồi, gần Tết rồi. Những ngày này, thời tiết lành lạnh. Xuống phố, phải khoác thêm áo ấm. Dường như ai cũng cảm thấy bận rộn hơn, vội vã hơn.
Bình thường chẳng sao, mỗi ngày mở mắt dậy đã có thể bình tâm, ngang nhiên phóng xe xuống phố, vào công sở làm việc. Nhưng những ngày này lại khác. Tự dưng cảm thấy trong nhà có bao nhiêu thứ phải thay đổi, phải bày biện, sắp xếp lại.
Sắp Tết rồi. Năm mới mọi thứ phải mới hơn chứ? Đúng quá. Do suy nghĩ chín chắn, tích cực ấy nên cô vợ mới bảo chồng: “Chiều nay tan sở, anh về nhà ngay, cấm la cà quán nhậu như mọi ngày”. Anh chồng ngạc nhiên: “Chuyện gì nữa đây?”. Vợ tròn xoe mắt: “Anh không biết sắp Tết rồi à?”. Ừ, thì Tết. Chà, bao nhiêu việc phải mó tay vào đây. Trước kia, khi bàn chuyện gì trong nhà, người chồng thường đánh trống lảng: “Đợi gần Tết làm luôn một thể em à”. Thoáng đó, hạn định đó đã đến gần.
Thế nhưng, khổ nỗi dịp này lại có biết bao cuộc gặp gỡ, họp mặt thân tình khó có thể từ chối, thậm chí cũng không thể vắng mặt. Nào là liên hoan tổng kết năm, mừng năm mới của công ty mà ngay cả các phòng ban, rồi của anh em đồng nghiệp cũng “xé lẻ” tổ chức. Mà đã xong đâu, phía đối tác lại mời họp mặt tri ân, chung vui cuối năm, gắn kết tình thân năm mới. Đã thế, còn có thêm những cuộc liên hoan hội hè, tổng kết của các đoàn thể tại địa phương. Nói tắt một lời, lịch “tổng kết cuối năm” dày kín. Mà cuộc họp mặt nào sau khi tuyên bố lý do cũng “tình thương mến thương” bằng những tiếng hô “vang trời lở đất” thể hiện quyết tâm “năm mới thắng lợi mới”: “Một, hai, ba! Trăm phần trăm! Dzô!”.
Vui quá, thân tình quá, thân mật quá, hào hứng quá nên tàn cuộc lại “ngất trên cành quất”!
Dù với hàng trăm, hàng ngàn lý do chính đáng nhưng rồi nhiều người vẫn “mất điểm” như thường. Sau khi nghe vợ dặn dò, sực nhớ lịch hẹn chiều nay, người chồng thoái thác ngay tắp lự: “Vội gì em, để đó anh tính”. Anh ta tính như thế nào? Chà, đêm nào về nhà cũng nồng nặc mùi bia rượu mà phát ngán! Chẳng lẽ cằn nhằn, trách móc? Thôi thì, đành ngậm bồ hòn làm ngọt vì chồng họp hành, chứ có phải ăn nhậu như mọi ngày đâu. Nhưng rồi qua ngày sau, một hai ngày kế tiếp cũng như hũ chìm thì mọi việc lại khác.
“Anh chỉ được cái nết ăn như rồng cuốn, uống như rồng leo là giỏi!”. Nghe mà nóng mặt. Chồng muốn cự lại một câu nhưng vội vàng kiềm chế, bèn “xuống nước” thở than: “Thông cảm cho anh, trong năm chỉ có dịp này mà chẳng lẽ mình từ chối, né tránh thì coi sao được em ơi?”.
Lời than vãn ấy không của riêng đàn ông. Nhiều phụ nữ cũng gặp phải tình huống này. Dù không phải sếp đứng đầu cơ quan này nọ, chỉ nhà báo, công nhân viên chức, buôn bán bình thường… nhưng do mối quan hệ xã hội, công ăn việc làm nên họ không thiếu các lời mời tương tự. Thời gian này, công việc nhà thay đổi xoành xoạch, chẳng còn nề nếp như trước nên nhiều người chồng khó chịu ra mặt. Ai đời, cả mấy ngày liền bếp núc lạnh tanh, trong khi đó, cô vợ lại đang đàn đúm, hội hè tận đẩu tận đâu: “Em bận tổng kết cuối năm. Anh chịu khó nấu nướng rồi cho con ăn uống qua loa gì đó giúp em nha, em thương”. Nghe lời nhắn nhủ ngọt như mía lùi nhưng cũng cảm thấy bực bội.
Thật ra, khó có thể dùng “biện pháp hành chánh” ngăn cấm, hạn chế “người của mình” tham dự các cuộc gặp gỡ, họp mặt đó. Mà vì yêu vì thương nên mối quan tâm lớn nhất vẫn vì sức khỏe của vợ/chồng. Đã có không ít người cảm thấy sức khỏe “có vấn đề” vào dịp này bởi tâm lý hào hứng sắp nghỉ ngơi, sắp Tết nên ăn uống vô tội vạ. Sự kiêng khem, chừng mực, điều độ trong năm chẳng mấy chốc “đổ sông đổ biển” ráo trọi.
Vẫn biết thế, nhưng lại khó có thể vắng mặt ở các cuộc vui. “Nếu cư xử thế thì còn chơi với ai nữa?”. Do nghĩ vậy nên nhiều người vẫn tìm cách “lách”. Chẳng hạn, có người nghĩ ra chiêu độc, sau mỗi lần họp mặt ồn ào, náo nhiệt là chàng vào cửa hàng mua ngay món quà; hoặc bỏ tiền vào bì thư đem về “dâng” vợ để cho thấy mỗi lần đi là “được ăn, được nói, được gói đem về”! Cô vợ có vui không? Ắt có, nhưng rồi cũng bảo: “Ở nhà còn nhiều việc phải làm lắm đó anh”. Đúng rồi, phải sơn lại nhà cửa, đánh bóng lư đồng, vệ sinh máy lạnh v.v… Những việc đó dù gọi thợ cũng được nhưng rồi mải mê họp hành, ăn nhậu liên tục thì ai trông nom, giám sát?
Vậy thì, cách tốt nhất của mỗi người vẫn tự mình “thắng” lại. Vâng, phải tự mình, chứ không vì sự cằn nhằn, nhắc nhở của “một nửa”. Hơn ai hết, chính mình mới biết cuộc họp mặt tổng kết nào mà mình cần có mặt, hoặc có thể vắng mặt để có quyết định cần thiết nhất. Cuối năm, nếu cứ dễ dãi bởi lời mời “ai kêu tôi đó, có tôi đây”, bất kể lời mời nào dù thân thiết, dù xã giao cũng có mặt thì chắc chắn, dù vợ/chồng có thông cảm thì cũng sẽ “mất điểm” ngay. Hơn nữa, điều quan trọng nhất vẫn là sức khỏe của chính mình.
Những ngày này, việc “nạp năng lượng” thái quá thì biết đâu, thoáng chốc đến Tết lại kém vui do sức khỏe “trở chứng”? Đừng quên rằng, dịp cuối năm vẫn còn biết bao nhiêu việc mà mình phải “ra tay” sắp xếp, chỉnh trang, tân trang ngay tại nhà mình. Mà khoảng thời gian này trôi qua cái vèo, nhanh lắm nên dù bận rộn gì đi nữa, tự mình phải biết cách điều chỉnh hợp lý.
LÊ MINH QUỐC