.

Chỗ dựa của những người yếu thế

Cập nhật: 17:38, 28/12/2018 (GMT+7)

Sau 2 năm mở rộng các dịch vụ công tác xã hội tại cộng đồng, Trung tâm Công tác xã hội (CTXH) tỉnh đã tổ chức tư vấn các chính sách hỗ trợ, kết nối tìm người thân, ổn định tâm lý cho hàng trăm người khuyết tật, trẻ em lang thang, trẻ bị xâm hại tình dục, người cao tuổi trên địa bàn tỉnh. 

Các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được chăm sóc tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh.
Các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được chăm sóc tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh.

Chị Huỳnh Thị Cảnh, chuyên viên Phòng Nghiệp vụ CTXH là người trực tiếp tiếp nhận trẻ em lang thang, tư vấn tâm lý, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương giúp tìm lại gia đình cho trẻ. Chị cho biết, từ đầu năm đến nay trung tâm đã tiếp nhận và giải quyết cho 6 trường hợp trẻ em lang thang trở về gia đình. “Mỗi em có một hoàn cảnh khác nhau nhưng đều đáng thương và rất cần sự can thiệp kịp thời của cả cộng đồng ngay tại thời điểm đó. Vì hầu hết các em tuổi còn rất nhỏ, rất dễ bị kẻ xấu lôi kéo, dụ dỗ làm những việc trái pháp luật”, chị Cảnh chia sẻ. 

Theo lời kể của chị Cảnh, 7 giờ tối ngày 1-12 vừa qua, em P.T.H (7 tuổi) ở xã Tân Hưng, TP. Bà Rịa được lực lượng công an xã đưa đến Trung tâm CTXH tỉnh trong tình trạng tâm lý hoảng sợ, quần áo lấm lem, xộc xệch, bụng đói cồn cào sau một ngày bỏ nhà đi lang thang. Sau khi được các cô chú trong trung tâm cho ăn uống và hỏi chuyện, H. đã bình tĩnh trở lại. H. kể, em bị cha dượng đánh nên sợ và muốn bỏ đi khỏi nhà. Biết được sự việc, ngay ngày hôm sau, lãnh đạo trung tâm đã cử các chuyên viên liên hệ với cán bộ LĐTBXH xã Tân Hưng, tìm đến gia đình của H. để tìm hiểu rõ nguyên nhân sự việc. Theo đó, H. chỉ được học hết lớp 1 rồi cùng mẹ từ quê (miền Tây) lên thuê trọ ở xã Tân Hưng. Hàng ngày, mẹ đi làm đến 9 giờ tối nên em ở nhà với cha dượng. Cha dượng không có việc làm ổn định, thường xuyên nhậu nhẹt nên có lần nhậu say đã đánh em.

Sau 2 tuần được chăm sóc tại trung tâm, được các cô chú động viên, H. đã vui vẻ trở lại, nô đùa cùng các bạn và không còn ý định bỏ nhà đi lang thang nữa. Trung tâm đã cử cán bộ đưa H. về nhà, đồng thời liên hệ với chính quyền địa phương hỗ trợ gia đình làm thủ tục đăng ký tạm trú để xin cho H. đi học, vận động gia đình cam kết không để xảy ra bạo lực đối với con mình. 

Tương tự, trường hợp của em N.C.C (10 tuổi, Trường TH Tân Hưng, TP. Bà Rịa) bỏ nhà đi lang thang cũng được trung tâm tiếp nhận, hỗ trợ về mặt tâm lý và giúp em có môi trường sống an toàn hơn. C. kể, em không biết cha mẹ mình là ai. Từ nhỏ, em được người dì ruột cưu mang, đưa về nhà chăm sóc. “Một mình dì nuôi 3 người con. Dì em đi làm đến 9 giờ tối mới về, em thường bị các con dì bắt nạt, đánh đập nên em muốn bỏ nhà đi nhưng không biết phải đi đâu”, C. kể lại. Sau 1 tuần được chăm sóc tại trung tâm, C. được đưa về nhà nhưng sau đó em lại tiếp tục bỏ nhà đi và được công an xã đưa trở lại trung tâm. Để giúp em có môi trường sống ổn định, an toàn hơn, Trung tâm CTXH tỉnh đã liên hệ với Trung tâm Bảo trợ Trẻ em Vũng Tàu giúp C. được đi học và chăm sóc tại đây. 

Với mục tiêu đẩy mạnh công tác can thiệp, tư vấn, hỗ trợ những người bị tổn thương về mặt tâm lý, thể xác, người rơi vào hoàn cảnh nguy hiểm ngoài cộng đồng, từ năm 2017 đến nay, Trung tâm CTXH tỉnh đã hỗ trợ, tư vấn, tham vấn hướng dẫn các chính sách, pháp luật cho 288 người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em lang thang, trẻ bị bạo hành, xâm hại tình dục (trong đó: 188 trường hợp tư vấn qua điện thoại, 100 ca tư vấn trực tiếp). Ngoài ra, trung tâm còn hỗ trợ khẩn cấp, tiếp nhận 27 trường hợp tạm lánh.

Bà Nguyễn Thị Liên, Giám đốc Trung tâm CTXH tỉnh cho biết: “Những năm qua, trung tâm đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng các dịch vụ CTXH. Qua đó, chuyên nghiệp hoá nghề CTXH một cách hệ thống và bài bản, đáp ứng được nhu cầu của xã hội, trợ giúp cho các đối tượng yếu thế trong cộng đồng, đặc biệt là trẻ em. Bên cạnh đó, trung tâm cũng khảo sát tìm kiếm gia đình thay thế, giúp các em có được môi trường sống tốt hơn, được hòa nhập và phát triển toàn diện”. 

Bài, ảnh: TƯỜNG NGÂN

 
.
.
.