Đặt ra tiêu chuẩn ngoại ngữ mới với GV mầm non: Không phải lần đầu, vì sao vẫn "kêu" khó?
Bộ GD-ĐT quy định 1 trong 5 tiêu chí bắt buộc của giáo viên mầm non (GVMN) là phải sử dụng được một ngoại ngữ (ưu tiên tiếng Anh) và có trình độ ngoại ngữ tối thiểu là bậc 1 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Đây không phải là quy định mới, nhưng nhiều GV vẫn lo lắng vì thời gian và lứa tuổi khó để tham gia đào tạo, còn các nhà quản lý giáo dục thì cho rằng cần có giai đoạn chuyển tiếp.
Tại các trường MN, ngoài việc chăm sóc, dạy dỗ trẻ, GV còn được tập huấn kiến thức, kỹ năng bảo đảm an toàn cho trẻ. Nếu có trình độ tiếng Anh, việc lồng ghép dạy trẻ qua trò chơi, hướng dẫn an toàn, tập hát giúp trẻ tiếp thu sớm có lợi hơn trong học ngoại ngữ. Trong ảnh: Một tiết học tại Trường MN Ánh Dương (huyện Châu Đức. Ảnh: KHÁNH CHI |
NGOẠI NGỮ LÀ TIÊU CHUẨN BẮT BUỘC
Mới đây, Bộ GD-ĐT vừa ban hành Thông tư 26/2018/TT-BGDĐT quy định chuẩn nghề nghiệp GVMN. Quy định này áp dụng đối với tất cả GVMN đang làm việc tại các nhà trẻ, nhóm trẻ, trường, lớp mẫu giáo, trường mầm non thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ học kỳ II năm học 2018-2019 và thay thế cho Quyết định số 02/2008/QĐ-BGDĐT ngày 22-1-2008 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Thông tư yêu cầu GVMN phải đáp ứng 5 tiêu chuẩn về phẩm chất; chuyên môn, nghiệp vụ; xây dựng môi trường giáo dục; phát triển mối quan hệ giữa nhà trường, gia đình, cộng đồng; sử dụng ngoại ngữ... Trong đó, đáng chú ý tiêu chuẩn 5 của Thông tư quy định GVMN phải sử dụng được một ngoại ngữ (ưu tiên tiếng Anh). Để bảo đảm việc thực hiện nghiêm các tiêu chuẩn, Bộ GD-ĐT cũng đưa ra những mức xếp loại tương ứng với từ “đạt, khá, tốt” kèm theo các tiêu chuẩn để đánh giá GV.
Theo đó, ở mức đạt, GV sử dụng được các từ ngữ, câu đơn giản trong giao tiếp bằng một ngoại ngữ (ưu tiên tiếng Anh). Với mức khá, GV trao đổi thông tin đơn giản bằng một ngoại ngữ với nội dung liên quan đến hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Ở mức tốt, GV viết và trình bày đoạn văn đơn giản về các chủ đề quen thuộc bằng một ngoại ngữ trong hoạt động chuyên môn về nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Trước đó, năm 2015, Liên Bộ GD-ĐT, Bộ Nội vụ cũng đã từng ban hành Thông tư liên tịch số 20/2015/TTLT-BGDĐT-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non công lập. Theo đó, GVMN phải có trình độ ngoại ngữ tối thiểu là bậc 1 Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.
VÌ SAO NHIỀU GV CHO RẰNG QUÁ SỨC VỚI HỌ?
Rõ ràng, việc đặt ra chuẩn ngoại ngữ đối với GVMN không phải là điều gì đó quá mới mẻ. Tuy nhiên, vì sao, từ trước đến nay, câu chuyện chuẩn năng lực ngoại ngữ vẫn chưa thực hiện được và đến bây giờ, GVMN vẫn tiếp tục “kêu” khó. Hiển nhiên là có lý do!
Nhiều GVMN và chuyên gia giáo dục cho rằng, tiêu chuẩn về ngoại ngữ là không thiết thực đối với GV ở bậc học MN. Cô Nguyễn Thị Nhung, GV Trường MN Hoa Phượng (TP.Vũng Tàu) cho biết, trước đây, khi thi tuyển, GVMN phải thi ngoại ngữ. Tuy nhiên, bài thi chỉ yêu cầu chia các thì trong tiếng Anh hoặc đọc hiểu một đoạn văn đơn giản, không có tiếng Anh giao tiếp. Do đó, yêu cầu GV phải sử dụng được một ngoại ngữ để giao tiếp là “quá sức” với GV. Cô Nhung cũng khẳng định, trong quá trình giảng dạy hơn 10 năm của mình, vốn tiếng Anh gần như bị bỏ quên vì không bao giờ phải sử dụng đến trong giảng dạy. “GVMN làm việc liên tục khoảng 12 tiếng/ngày, ngoài ra còn lo toan cho gia đình, con cái, thu nhập lại tương đối thấp nên việc sắp xếp thời gian và chi phí để học lại tiếng Anh là một khó khăn không nhỏ”, cô Nhung chia sẻ.
Giáo viên MN nếu có kiến thức ngoại ngữ (tiếng Anh) có thể dạy cho trẻ thông qua các trò chơi tại lớp học.
Trong ảnh: GV Trường MN 2-9 (TP. Vũng Tàu) cùng trẻ vừa học vừa chơi.
|
Cùng quan điểm với cô Nhung, cô Trần Thị Huyền, Hiệu trưởng Trường MN Búp Sen Hồng (huyện Xuyên Mộc) cho hay, yêu cầu về trình độ tiếng Anh khiến hầu hết GVMN cảm thấy lo lắng, nhất là những GV lớn tuổi. Nếu không đáp ứng được điều kiện này thì GV không đạt chuẩn chức danh nghề nghiệp, việc xếp loại, thăng hạng, nâng lương cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, không phải GV nào cũng sắp xếp để theo học được và không phải ai cũng tiếp thu được, thi đậu ngay từ lần đầu tiên, có khi phải thi lại nhiều lần. Đây là những lý do mà đến nay, nhiều GVMN vẫn chưa thể bồi dưỡng trình độ ngoại ngữ đạt chuẩn theo quy định của Bộ.
Tại Trường MN Búp Sen Hồng, toàn trường có 27 GV thì chỉ có 2 GV tuổi còn trẻ có chứng chỉ ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Các GV còn lại chỉ có chứng chỉ A, B, C bị cho là đã lạc hậu, không đáp ứng tiêu chuẩn. Còn tại Trường MN Ánh Dương (huyện Châu Đức), nhà trường có 39 GV nhưng chưa ai đáp ứng được trình độ ngoại ngữ theo tiêu chuẩn. Cô Hoàng Thị Xuân Lành, Hiệu trưởng Trường MN Ánh Dương cho rằng, yêu cầu sử dụng ngoại ngữ không thực sự cần thiết đối với GVMN. Thay vì bắt buộc, Bộ GD-ĐT chỉ nên khuyến khích GVMN nâng cao trình độ ngoại ngữ, tạo điều kiện cho GV trau dồi trình độ chuyên môn, bảo đảm an toàn cho trẻ. Còn việc dạy tiếng Anh cho trẻ, cần phải hợp đồng GV được đào tạo đúng chuyên ngành, đạt chuẩn trình độ để bảo đảm chất lượng giảng dạy.
Tuy đạt chuẩn Quốc gia, nhưng Trường MN Ánh Dương vẫn khó khăn về trình độ ngoại ngữ của đội ngũ GV. Trong ảnh: Cô trò Trường MN Ánh Dương (huyện Châu Đức) cùng lao động giữ gìn vệ sinh môi trường. |
CẦN CÓ GIAI ĐOẠN CHUYỂN TIẾP
Trước quy định trên, một số chuyên gia giáo dục cho rằng, Bộ GD-ĐT cần cân nhắc khi đưa tiêu chuẩn ngoại ngữ vào quy định chuẩn nghề nghiệp GVMN. Năng lực ngoại ngữ như vậy quá xa thực tế, dễ phát sinh những tiêu cực trong việc làm đẹp hồ sơ gây tốn kém, lãng phí. Đơn cử là sự việc Trung tâm Anh ngữ Golden Voice (TP.Vũng Tàu) tổ chức thi tiếng Anh theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc khi chưa được cấp phép, cấp giấy chứng nhận bất hợp pháp cho một số GV và cán bộ quản lý giáo dục gây xôn xao dư luận vào cuối năm 2017 vừa qua.
Bà Trần Thị Ngọc Châu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, quy định của Bộ GD-ĐT về trình độ ngoại ngữ của GVMN đã gây vướng mắc trong tuyển dụng GV với cả MN công lập và tư thục. Hiện nay, hầu hết các tỉnh thành, địa phương đều xảy ra tình trạng “khan hiếm” GVMN đạt chuẩn. Do đó, GV đáp ứng được yêu cầu không mặn mà ứng tuyển vào MN công lập mà đều tìm đến những nơi có chế độ chính sách tốt hơn. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh cũng ghi nhận thực trạng nhiều cơ sở giáo dục MN tư thục muốn tuyển dụng GV đã nghỉ hưu, giàu kinh nghiệm để có đủ GV cơ hữu theo nhóm lớp đạt chuẩn nhưng những GV này lại thiếu chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định nên chỉ có thể làm việc ở vị trí bảo mẫu.
Bà Trần Thị Ngọc Châu cho rằng, việc nâng tầm GVMN, đặc biệt về tiêu chuẩn ngoại ngữ là yêu cầu tất yếu. Bởi tiêu chuẩn GV càng cao cũng đồng nghĩa với chất lượng giáo dục càng được nâng lên. GVMN cũng như người lao động ở bất cứ lĩnh vực nào cũng cần tự hoàn thiện mình, đáp ứng yêu cầu hội nhập. Vì vậy, Sở GD-ĐT đồng tình với chủ trương nâng chuẩn GV. Song, việc thực hiện cần có giai đoạn chuyển tiếp, để GV có thời gian chuẩn bị, thích nghi. Đến thời điểm này, ngành giáo dục tỉnh vẫn gia hạn để GVMN bước phấn đấu đạt chuẩn. Còn GV tuyển dụng mới phải đáp ứng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo quy định của Bộ GD-ĐT. “Trong giai đoạn chuyển tiếp, cần có cơ chế thích hợp để tạo động lực cho GV nâng cao trình độ ngoại ngữ. Ví dụ, các địa phương tạo điều kiện cho GV học tập, chi ngân sách hỗ trợ những GV đạt chuẩn trình độ ngoại ngữ”, bà Trần Thị Ngọc Châu nói.
Hiện nay toàn tỉnh có hơn 170 trường MN, với 4.805 GV. Trong đó, MN công lập có 2.497 GV, MN tư thục có 2.308. Tỷ lệ GV trên chuẩn đạt trên 55%. Tuy nhiên, theo đại diện Sở GD-ĐT, về tiêu chuẩn ngoại ngữ, một số địa phương vẫn căn cứ chứng chỉ A, B, C chứ chưa áp dụng tiêu chuẩn ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. |
Bài, ảnh: KHÁNH CHI