Hướng tới Kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam (20-10): Phụ nữ ngày càng khẳng định vai trò, vị trí trong thời đại mới
Nếu gia đình được xác định là “tế bào của xã hội” thì người phụ nữ được coi là “hạt nhân” của tế bào này. Trong cuộc sống hiện đại, người phụ nữ Việt Nam không còn đơn thuần giữ vai trò “nội trợ”, “giữ lửa” trong gia đình mà họ đã khẳng định vai trò, vị trí và khả năng của mình trong tất cả các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội.
Chị Tạ Thị Lan, Chủ tịch Hội LHPN xã Kim Long, huyện Châu Đức (giữa) trao đổi về hiệu quả mô hình giúp nhau làm kinh tế với hội viên. Ảnh: ĐÔNG TRÚC
|
Trong Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 1992, quan điểm về bình đẳng giới đã được khẳng định tại Điều 63: “Công dân nữ và nam có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình”. Hiện nay, hệ thống các ban “Vì sự tiến bộ của phụ nữ” đã được thành lập ở 45 bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố. Luật Bình đẳng giới chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2007. Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đã hoàn thành báo cáo về tình hình thực hiện Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW).
Khi đất nước bước vào xu thế hội nhập với thế giới ngày càng sâu rộng, trong công cuộc xây dựng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phụ nữ Việt Nam đang đóng vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội. Sự tham gia của phụ nữ trong bộ máy lãnh đạo, quản lý, điều hành đất nước được coi là thước đo cơ bản về vai trò phụ nữ trong nền chính trị hiện đại. Chiến lược và kế hoạch hành động “Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam” đặt ra mục tiêu tăng tỷ lệ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành.
Hiện nay, phụ nữ Việt Nam bên cạnh vai trò quan trọng trong gia đình, còn tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội. Ngày càng nhiều người trở thành chính trị gia, nhà khoa học nổi tiếng, nhà quản lý năng động. Hiện có 26,72% nữ là đại biểu Quốc hội khóa XIV nhiệm kỳ 2016 – 2021. Đặc biệt đây là lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội Việt Nam có Chủ tịch Quốc hội là nữ. Trong các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ đạt tỷ lệ 40%; có 1 nữ Bộ trưởng Y tế, có 1 nữ Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, có 8 phụ nữ lãnh đạo cấp cao của Nhà nước. Trong ngành giáo dục, y tế, dịch vụ, phụ nữ chiếm vị trí ưu thế. Trong công tác chuyên môn, phụ nữ chiếm số đông trong các bộ môn văn học, ngôn ngữ, khoa học xã hội… Theo kết quả nghiên cứu Chỉ số phát triển nữ doanh nhân của Mastercard (MIWE), tỷ lệ nữ doanh nhân tại Việt Nam chiếm 31,3%, xếp thứ 6 trong số 10 quốc gia, khu vực có tỷ lệ nữ doanh nhân cao nhất được MIWE công bố ngày 19-5-2018.
Chị Lý Thị Thương, Xí nghiệp Chế biến Hải sản thuộc Công ty CP Thủy sản và Xuất nhập khẩu Côn Đảo là tấm gương giỏi việc nước- đảm việc nhà. Ảnh: TUYẾT MAI |
Những con số thống kê trên cho thấy, sự gia tăng số lượng cán bộ nữ tham gia quản lý Nhà nước và các hoạt động chính trị, kinh doanh trong những năm qua chứng tỏ năng lực của cán bộ nữ ngày càng được nâng cao; xã hội phải thừa nhận phụ nữ có khả năng tham gia lĩnh vực chính trị không thua kém nam giới; đã có sự nhìn nhận, đánh giá đúng hơn về vai trò, vị trí của phụ nữ trong các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.
“Về phần mình, chị em phụ nữ không nên ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng cho mình, mà tự mình phải tự cường, phải đấu tranh”, thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phụ nữ Việt Nam trong thời kỳ đổi mới đã phát huy truyền thống “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”; chủ động, tự tin vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp cận với công nghệ thông tin, tự học tập, tự tích lũy và làm giàu tri thức để phục vụ thật tốt cho Tổ quốc. Chị em phụ nữ đã vượt lên chính mình để sánh vai ngang bằng với đồng nghiệp nam theo xu thế thời đại.
Trong bài nói chuyện tại Hội nghị cán bộ thảo luận Luật Hôn nhân và gia đình ngày 10-10-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”. Người cũng căn dặn trong Di chúc để lại cho Đảng, cho nhân dân và con cháu muôn đời sau: “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày càng thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo”.
|
ĐỖ NGUYỆT HƯƠNG
(Chủ tịch Hội KH-LS tỉnh)