.

Dự thảo Nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục: Nhiều nội dung chưa phù hợp với nghề

Cập nhật: 18:25, 18/10/2018 (GMT+7)

Bộ GD-ĐT vừa công bố Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục để tổ chức lấy ý kiến đóng góp đến hết ngày 25-11-2018. Bên cạnh những ý kiến đồng tình, cũng có những phản biện băn khoăn với các quy định mới chưa phù hợp với nghề dạy học và môi trường giáo dục.

HS lớp 6A1,Trường THCS Châu Thành (TP. Vũng Tàu) trong giờ học Toán.
HS lớp 6A1,Trường THCS Châu Thành (TP. Vũng Tàu) trong giờ học Toán.  

SỰ THAY ĐỔI CẦN THIẾT

Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục (gọi tắt là Dự thảo) vừa được công bố mới đây, đã gây xôn xao dư luận vì đề xuất mức xử phạt bằng tiền đối với các hành vi vi phạm rất cao, cụ thể như: Xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học, GV sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng; xâm phạm thân thể HS, GV bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng; phạt từ 3-5 triệu đồng đối với GV đang hưởng lương từ quỹ lương đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường; phạt tiền từ 4-6 triệu đồng đối với hành vi sử dụng người dạy thêm không đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định; phạt tiền từ 6-8 triệu đối với hành vi tổ chức dạy thêm theo các lớp học chính khóa.

Ngoài ra, những vi phạm về quy định, quy chế thi cử, kiểm tra, đánh giá cũng được đề xuất xử phạt mạnh tay: phạt tiền từ 10-20 triệu đồng với hành vi sửa chữa nội dung bài thi, sửa điểm, đánh tráo bài thi; phạt từ 20-25 triệu đồng với hành vi tổ chức chấm thi sai quy định; phạt từ 20-30 triệu đồng với hành vi làm lộ bí mật hoặc làm mất đề thi; phạt từ 30-50 triệu đồng với hành vi tổ chức ra đề thi không đúng quy định…

Theo Luật sư Vũ Anh Thao, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh BR-VT, Trưởng Văn phòng Luật sư họ Vũ, quản lý Nhà nước về giáo dục cần nhiều công cụ, trong đó pháp luật là công cụ cơ bản. Hệ thống pháp luật về giáo dục gần đây ngày càng được hoàn thiện, nhưng vẫn có một đặc điểm là thiếu chế tài, có những hành vi không đúng pháp luật nhưng không có cơ sở để xử lý. Năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 138/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Sau 5 năm, Nghị định này đã bộc lộ rõ những bất cập và tình hình thực tiễn có nhiều thay đổi, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung. Về mặt pháp lý, Nghị định số 138/2013/NĐ-CP được ban hành trên cơ sở Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học. Hiện nay, các luật này đã và đang được sửa đổi, bổ sung và thông qua, nên việc ban hành Nghị định mới quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, thay thế Nghị định số 138/2013/NĐ-CP là cần thiết. 

Giáo viên Trường MN Châu Thành (TP. Vũng Tàu) đọc sách cho trẻ nghe. Ảnh: HOÀNG DƯƠNG
Giáo viên Trường MN Châu Thành (TP. Vũng Tàu) đọc sách cho trẻ nghe.

NHƯNG CÒN ĐÓ NHỮNG BẤT CẬP

Về vấn đề xâm phạm danh dự, nhân phẩm người học, cô Huỳnh Thị Hảo, Hiệu trưởng Trường MN Phước Thạnh (huyện Đất Đỏ) cho rằng, với mức xử phạt lên tới 30 triệu đồng thì tiền lương GV eo hẹp không đủ nộp phạt. Mặt khác, việc xử phạt cũng không hề dễ dàng, bởi nếu không có bằng chứng thuyết phục thì rất khó kiểm chứng, không thể chỉ tin vào lời nói của phía HS hay phụ huynh mà xử lý GV. 

Bên cạnh đó, quan điểm của mỗi người trong việc giáo dục trẻ em khác nhau, nếu các hành vi bị xử phạt không được cụ thể hóa thì dễ dẫn tới tình trạng khi GV rầy la, trách mắng hay phạt HS cũng có thể bị xử lý. Hậu quả là nhà giáo sẽ biến thành những cỗ máy vô cảm, chỉ biết giảng bài cho xong nhiệm vụ, còn HS sẽ mặc sức thể hiện “cái tôi” của bản thân vì không ai dám xâm phạm đến mình. “Như vậy, mối quan hệ thầy – trò truyền thống sẽ dần bị phá vỡ, tạo nên những áp lực lên vai những người làm giáo dục. Điều này có thể khiến GV giảm nhiệt huyết và sự gắn bó với nghề”, cô Huỳnh Thị Hảo băn khoăn.

Về đề xuất xử phạt mạnh tay với vi phạm trong tổ chức dạy thêm, nhiều GV, phụ huynh cũng chỉ ra những điểm bất cập. Theo cô L.Q. đang công tác tại một trường TH trên địa bàn TP. Vũng Tàu, chính sách tiền lương hiện nay chưa đủ đáp ứng nhu cầu cuộc sống, khiến nhiều GV phải dạy thêm mới có thể sống được với nghề. Không chỉ vậy, cấu trúc chương trình học còn nặng nề, đề kiểm tra, đánh giá vượt ra ngoài chương trình học, nên HS phải học thêm mới theo kịp. “Dù có mạnh tay xử lý dạy thêm, nhưng cũng không giải quyết được căn nguyên của vấn đề”, cô L.Q nói. 

Còn chị Lê Phương Khanh, phụ huynh HS Trường TH Lê Lợi (TP. Vũng Tàu) cho rằng, quy định xử phạt 10 triệu đồng nếu ép HS học thêm khó có cơ sở để xác định. Bộ GD-ĐT cần nêu rõ ép như thế nào, chứ không thể nêu ra quy định chung chung như vậy. Ngoài ra, những HS có học lực yếu cần được kèm cặp thêm. Trong khi đó, không phải phụ huynh nào cũng có thời gian dành cho con cái hay có điều kiện thuê gia sư, nên việc cho đi học thêm ngoài nhà trường là lựa chọn tối ưu. “Nếu cấm GV các trường công lập dạy thêm ngoài nhà trường thì phụ huynh sẽ gặp nhiều khó khăn trong chăm lo việc học cho con em của mình”, chị Khanh bày tỏ.

Về mặt pháp lý, Dự thảo còn nhiều điểm bất cập, chồng chéo với các quy định khác, gây nên tình trạng “luật chồng luật”. Cụ thể, một số hành vi vi phạm quy chế thi cử, kiểm tra, đánh giá đã vi phạm pháp luật hình sự nhưng lại được Dự thảo “hành chính hóa” là trái với quy định của pháp luật.

KHÔNG NÊN CHỈ XỬ PHẠT BẰNG TIỀN

Qua tổ chức lấy ý kiến đóng góp, nhiều ý kiến cho rằng những hành vi đã quy định xử lý ở các văn bản quy phạm pháp luật khác, không nên tiếp tục đưa vào Dự thảo để tránh chồng chéo, gây áp lực cho GV và khó thực thi. “Trong lĩnh vực giáo dục, mối quan hệ thầy - trò, phụ huynh - GV... được điều chỉnh bởi quan hệ đạo đức, văn hóa. Vì vậy, nên để đạo đức điều chỉnh hoặc áp dụng xử lý hành chính bằng Luật Cán bộ, công chức hay Luật Viên chức. Còn nếu xử phạt hành chính bằng tiền thì cần quy định cụ thể hành vi để tránh sự lúng túng khi thực hiện”, cô Huỳnh Thị Hảo kiến nghị. 

Về việc xử lý vi phạm dạy thêm, học thêm, không ít ý kiến cho rằng đừng lạm dụng chế tài mà nên giải quyết vấn đề từ “gốc rễ”. Theo đó, thầy Nguyễn Ngọc Hoàng, Hiệu trưởng Trường TH Thanh Bình (huyện Xuyên Mộc) đề xuất Bộ GD-ĐT cải tiến chương trình, giảm khối lượng kiến thức, đổi mới việc ra đề kiểm tra, đánh giá HS để giảm áp lực học tập. 

Mặt khác, trong đào tạo SV sư phạm, bên cạnh việc truyền đạt kiến thức, cần bồi dưỡng cho SV kỹ năng ứng xử trong các tình huống sư phạm. Còn trong tuyển dụng, cần lựa chọn những GV có năng lực, yêu trẻ, mến nghề, kiên quyết xử lý những GV vi phạm đạo đức nghề nghiệp và các quy định của ngành giáo dục. “Có như vậy, mới giải quyết tận gốc những tiêu cực trong dạy thêm, học thêm hay trong mối quan hệ giữa GV - HS và GV - phụ huynh”, thầy Nguyễn Ngọc Hoàng nói.

Về hành vi có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác, thì bất cứ công dân nào vi phạm cũng bị xử lý theo Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình”, với mức phạt tiền từ 100 - 300 ngàn đồng. Còn theo Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, cũng với hành vi trên mà bị phạt từ 10-20 triệu đồng thì quá nghiêm khắc, chưa bảo đảm sự công bằng, không thống nhất về mặt pháp lý.

(Luật sư Vũ Anh Thao, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh BR-VT, Trưởng Văn phòng Luật sư họ Vũ)

Bài, ảnh: HOÀNG DƯƠNG

.
.
.