.

Chuyện bé, sao lại xé ra to?

Cập nhật: 09:55, 06/07/2018 (GMT+7)

Cuộc sống gia đình, có những chuyện bé xíu, chẳng hề ảnh hưởng gì đến “hòa bình thế giới” nhưng rồi người vợ/chồng lại làm “lớn chuyện”. Bởi lẽ, thông tin đó bị vợ/chồng “hình sự hóa vấn đề”. Thế mới gay go.

Minh họa của MINH SƠN.
Minh họa của MINH SƠN.

Trong đám bạn tôi, H. được phong danh hiệu rất oách: “Anh Hai thời sự”. Ai phong? Vợ anh ta chứ ai. Có lần, chúng tôi không thể nín cười khi nghe câu chuyện cứ tưởng như đùa do vợ H. kể lại. Ngày kia, trường con gái anh tổ chức cho học sinh nghỉ hè tại thành phố biển. Mọi kế hoạch nghỉ ngơi, chương trình vui chơi đều được hội phụ huynh “duyệt” và thông qua. Sự chu đáo này khiến vợ chồng anh yên tâm. Nào ngờ, đến “phút 89”, H. lại đổi ý cái roẹt. Cô con gái dù sắp tốt nghiệp trung học nhưng vẫn còn mau nước mắt, giẫy nẩy, khóc tấm tức. Vợ anh cũng ngạc nhiên không thốt nên lời.

Nguyên cớ gì đây?

H. bảo: “Mẹ con em biết một mà không biết mười. Báo chí đưa tin đoạn đường đến nơi đó vừa xảy ra tai nạn giao thông. Ai dám bảo chuyến đi của con “an toàn trên xa lộ”? Ai dám bảo xe cộ không trục trặc dọc đường? Ai dám bảo ăn uống ở nơi đó an toàn thực phẩm? Lo xa vẫn hơn chứ?”. Nghe chồng nói một hơi như đinh đóng cột, vợ H. cười ruồi mà rằng: “Bộ anh quên câu: “Đi cho biết đó, biết đây/Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn?”. Không cho nó đi chơi đợt này, em áy náy quá”.

Nghe vợ nói đâu ra đó, có lý quá nhưng H. “phản biện” lại phải thế nào?

À, phải nói thật, có nhiều người đàn ông cảm thấy vui vẻ, hào hứng khi hay tin vợ đi xa đâu đó một vài ngày. Thời gian đó, mình có thể “tự do” tùy thích miễn không bỏ bê việc nhà, vẫn chăm sóc con cái chu đáo. Thế nhưng với N. - cậu bạn tôi lại khác hẳn. Những lúc ấy, anh ta thường buồn rầu như đã sắp đến ngày tận thế. N. tâm sự: “Trước kia, lúc chưa quen nhau, vợ tớ có yêu một người ở Hà Nội. Bây giờ, vợ tớ ra đó cả tuần lễ, lại vào dịp mùa thu trăng thanh gió mát, Thủ đô phong cảnh hữu tình, biết đâu “tình xưa” có cơ hội thức dậy?”. Nghe câu nói rầu rầu mà nhịp nhàng, du dương ấy khiến tôi cười toáng lên: “Thôi đi cha nội, sao không trở thành nhà thơ đi? Tưởng tượng gì mà khéo thế?”.

Ai đó đã bảo, dời núi dời non cực kỳ khó khăn nhưng thay đổi một suy nghĩ đã định hình trong đầu còn khó hơn bội phần. Với N. cũng thế. Những ngày vợ đi công tác, anh liên tục điện thoại, nhắn tin dù “ngụy trang” dưới hình thức thăm hỏi nhớ nhung, thông báo việc nhà nhưng cô vợ thừa thông minh để biết chỉ là một trò “kiểm tra từ xa”. Thử hỏi, ai lại không bực mình? Với gia đình khác, khi có người đi xa về thì trong nhà lại náo nhiệt, rôm rả chuyện trò, hỏi han tíu tít, còn với N. lại khác. Phải mất vài ngày sau mới xóa tan đi không khí “hình sự” giữa vợ và chồng.

Đúng là lãng xẹt.

Ai lại không từng trải qua trường hợp này: “Anh ơi, em lo quá. Hic, hic. Nếu chẳng may... em làm sao sống nổi?”. Cô vợ khóc tấm tức như đúa trẻ bị mắng oan. Bực không chịu nổi. Chuyện chưa có gì mà đã bù lu bù loa như nhà sắp cháy đến nơi. Tâm tính gì bi quan, yếu đuối quá vậy trời? Phải la cho một câu, chứ lèo nhèo mãi chẳng giải quyết được gì, chỉ khiến “người ta” thêm rối trí. Người chồng bèn nghiêm giọng: “Có im ngay đi không? Chuyện bé xé ra to. Ai chịu nổi?”.

Ơ hay, mẹ lo cho con là thường tình, hơn nữa, sự việc đang “nghiêm trọng” nhưng hỡi ôi! Người đâu “sắt đá”, “vô trách nhiệm”, chẳng yêu thương, quan tâm gì đến con cái? Lập tức, nỗi bực dọc ấy thể hiện hùng hồn qua câu hỏi sắc lẹm: “Anh còn nói vậy à? Tôi biết ngay mà…”.

Chà, chuyện gì mà căng thế?

Chuyện là, vợ chồng anh H. đưa con nhập viện. Bác sĩ bảo, bệnh của cháu cần phải phẫu thuật gấp, không nên đắn đo, chần chừ. Vốn là nơi quen biết với bác sĩ chuyên khoa nên anh yên tâm. Hơn nữa, ca mổ này chỉ chừng nửa giờ là xong. “Còn nhanh hơn họp giao ban đầu tuần ở cơ quan”, một bác sĩ nói đùa. Ấy thế, vợ H. lại lo sót vó. Sau khi mọi việc ổn định đâu vào đó, cô vợ mới thở phào: “Đừng giận cưng nhá, tính em nó thế, vốn lo xa”.

Thật ra, có những tình huống mà người trong cuộc cần phải mạnh mẽ, xem nó “bình thường như cân đường, hộp sữa”. Có như thế mới khiến “nửa kia” yên tâm, cùng bàn cách vượt qua nghịch cảnh. Nếu không, mệt lắm đây.

Nói đi cũng phải nói lại, sự lo lắng trước một tình huống nào đó là điều hết sức bình thường. Tuy nhiên, nếu qua đó lại thể hiện sự yếu đuối, bi quan một cách quá đáng thì không nên, cần phải biết kiềm chế, giữ lại trong lòng. Vì tâm lý, tâm trạng bất ổn của mình thể hiện ra bên ngoài, còn có ảnh hưởng đến tâm lý “nửa kia”.

Vẫn biết rằng, chẳng ai luôn luôn “mạnh mẽ” trước mọi tình huống, nhưng có những lúc, nếu cần thì phải “cứng rắn” hơn. Có như thế, nó mới là nguồn động viên tích cực để cùng “một nửa” giải quyết vấn đề khó khăn. Vẫn biết rằng, lo lắng cho “người của mình” là không có gì sai, thậm chí còn cần khuyến khích nữa là khác. Nhưng nếu lúc nào cũng “trầm trọng hóa vấn đề” ắt sự việc “nhỏ như cái móng tay” bỗng dưng trở nên lớn như trái núi án ngữ ngay trước mặt.

Buồn cười thật, tự dưng lại vác “cục lo” chình ình ấy vào người. Để làm gì vậy ta? Không chỉ khổ tâm cho mình, ngay cả người thân cũng khổ theo!

LÊ MINH QUỐC

.
.
.