Nhiều công trình thủy lợi an toàn thấp
Mùa mưa năm 2018 được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp. Do đó, việc bảo đảm an toàn cho các hồ thủy lợi được UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương quan tâm. Ngoài việc tu bổ, nâng cấp các hồ chứa đã xuống cấp, các cơ quan chức năng còn quan tâm công tác dự báo, chủ động các kịch bản và phương án ứng phó trong mọi tình huống.
KHẨN TRƯƠNG NÂNG CẤP, SỬA CHỮA CÁC HỒ THỦY LỢI
Nhân viên Trạm quản lý khai thác công trình thủy lợi đầu mối hồ Sông Ray kiểm tra bảo trì máy bơm thủy lực tại trạm. |
Hồ chứa nước Kim Long (ấp Tân Long, xã Kim Long, huyện Châu Đức) được đưa vào sử dụng từ năm 1988, hiện đã xuống cấp trầm trọng. Một số vị trí mái thượng lưu, hạ lưu đập chính bị sạt lở, lớp đá gia cố bảo vệ mái thượng bong tróc, mặt đập lồi lõm, nhấp nhô. Kênh tháo sau tràn xả lũ có nguy cơ sạt lở. Hiện nay, đập hồ chứa nước Kim Long có độ an toàn thấp, không bảo đảm khả năng xả lũ. Điều đáng lưu ý, mặt đập hồ Kim Long cũng là đường giao thông chính nối 2 thôn Tân Long - Hoa Long. Theo ông Huỳnh Thành, Chủ tịch UBND xã Kim Long, khu vực hạ lưu hồ chứa nước Kim Long có 14 hộ dân, với 55 khẩu, 14ha diện tích trồng tiêu, cà phê, do đó nếu đập hồ chứa nước này bị vỡ sẽ gây thiệt hại không nhỏ cho người dân.
Tương tự, đê Chu Hải (xã Tân Hải, TX.Phú Mỹ) được xây dựng vào năm 1976 và nâng cấp vào năm 1992, với tổng chiều dài 14.600m, có nhiệm vụ ngăn mặn cho vùng chuyên canh rau, màu, lúa ở phía Đông con đê và dọc Quốc lộ 51. Hiện nay, hạ tầng đê Chu Hải cũng bị xuống cấp nghiêm trọng, toàn bộ mái thượng, hạ lưu của đê và nhiều vị trí trên thân đê bị sạt lở, mặt đê bị thoải giảm cao trình và có hiện tượng nước tràn qua đê khi triều cường lớn. Các cống số 1, 2, 3, 4, 5, 7 cũng bị bong tróc bê tông, sụt lún hư hỏng, đất đắp mang cống bị xói lở nghiêm trọng. Theo đánh giá trực quan, công trình không bảo đảm an toàn khi triều cường cũng như bão lũ.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, đa số các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh được đưa vào sử dụng từ những năm 1982-1983, đến nay chưa được đầu tư sửa chữa lớn, với ảnh hưởng của thời tiết như mưa, bão, nắng, gió đã làm cho một số hạng mục các công trình hư hỏng, hệ thống đê bao, đập của nhiều hồ chứa nước đã xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố. Kết quả kiểm tra, rà soát các công trình thủy lợi của Sở NN-PTNT cho thấy, hiện 10/17 hồ chứa nước, 2 tuyến đê do Trung tâm Khai thác, quản lý các công trình thủy lợi tỉnh quản lý bị xuống cấp, mức độ an toàn thấp, nguy cơ xảy ra vỡ hồ vào mùa mưa là rất lớn. Còn với các hồ thủy lợi thuộc phạm vi quản lý của UBND huyện, thành phố, mặc dù mức độ an toàn được bảo đảm, tuy nhiên trên thực tế, hầu hết các công trình này đều không có thiết bị quan trắc và lập sổ theo dõi lượng mưa qua các năm; chưa lập phương án phòng, chống lũ, lụt cho vùng hạ du; phương án bảo vệ công trình, quy trình vận hành điều tiết hồ chứa nước.
Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, trước tình trạng các hồ thủy lợi bị xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ gây ảnh hưởng đến đời sống, hoạt động sản xuất của bà con nhân dân xung quanh nhất là mùa mưa bão sắp đến, ngành nông nghiệp tỉnh đã tiến hành khảo sát, đánh giá chất lượng thực tế để xây dựng kế hoạch và phương án bảo đảm an toàn hồ chứa. Theo đó, Sở NN-PTNT đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh cần chỉ đạo Trung tâm Quản lý, khai thác các công trình thủy lợi tỉnh thực hiện việc duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa hư hỏng, sạt lở đối với một số hồ chứa nước Suối Giàu, Gia Hoét I, Kim Long, Tầm Bó, Lồ Ồ, Núi Nhan, Suối Các, Sông Hỏa, Xuyên Mộc, Suối Môn, Châu Pha; xử lý tổ mối, phát dọn cỏ mọc trên mặt đập và hai bên mái đập đối với các hồ chứa nước Suối Giàu, Gia Hoét I, Lồ Ồ, Suối Các, Sông Hỏa, Núi Nhan, Châu Pha, Kim Long, Tầm Bó; hoàn chỉnh hồ sơ trình phê duyệt việc lắp đặt các thiết bị quan trắc tại các hồ thủy lợi…
SẴN SÀNG KẾ HOẠCH ĐIỀU TIẾT NƯỚC
Kỹ sư của Trạm Quản lý khai thác công trình thủy lợi đầu mối hồ Sông Ray theo dõi việc vận hành tràn xả lũ qua hệ thống điều khiển từ xa tại Nhà quản lý đầu mối. |
Ông Vũ Văn Lợi, Trưởng phòng Quản lý nước, Trung tâm Quản lý, khai thác các công trình thủy lợi cho biết, lượng nước tại các hồ chứa nước năm nay thấp hơn so với năm 2017 từ 10-30%. Cụ thể, đến thời điểm này, trữ lượng tại 17 hồ chứa nước trong tỉnh chỉ đạt 40-50% dung tích thiết kế. Do đó, áp lực từ hệ thống hồ chứa nước mỗi khi có mưa lớn là không đáng kể. Tuy nhiên, theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, lượng mưa năm nay có khả năng ít hơn cùng kỳ năm 2017, nhưng các hiện tượng thời tiết cực đoan có khả năng sẽ xảy ra như mưa rất to trong thời gian ngắn, giông mạnh kèm theo tố lốc, sét, mưa đá, đặc biệt là những cơn bão mạnh có khả năng ảnh hưởng đến BR-VT vào các tháng 10-12 có nguy cơ lớn gây ảnh hưởng đến an toàn của các hồ đập thủy lợi nên công tác bảo đảm an toàn cho các hồ chứa nước luôn được Trung tâm chú trọng. Qua kinh nghiệm nhiều năm điều tiết lũ, lưu vực chảy của hồ Sông Ray rất lớn khoảng 770km2. Bình thường sau mỗi trận mưa, lượng nước đổ về hồ này vào khoảng 8 triệu m3/ngày đêm, lúc đỉnh điểm lên đến 30 triệu m3/ngày đêm. Do đó, Trung tâm luôn có kế hoạch điều tiết trước từng đợt để tránh khi lượng nước đổ về nhiều, mực nước lên cao mới xả lũ.
Ông Trần Quang Vinh, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án chuyên ngành NN-PTNT tỉnh cho biết, theo kế hoạch vốn đầu tư công năm 2018, UBND đã đồng ý bố trí vốn cho việc thực hiện các dự án: Xây mới tràn xả lũ công trình hồ chứa nước Gia Hoét I; sửa chữa nâng cấp các hồ chứa nước Suối Sao, Kim Long, Suối Đôi I, Gia Hoét II (huyện Châu Đức); cải tạo nâng cấp tràn xả lũ và kênh dẫn hồ chứa nước Suối Các, Xuyên Mộc, đập dâng Suối Bang (huyện Xuyên Mộc); nâng cấp đê Chu Hải (TX.Phú Mỹ). Hiện Ban Quản lý dự án chuyên ngành NN-PTNT đang đẩy nhanh tiến độ hoàn tất các thủ tục để triển khai sửa chữa nâng cấp các dự án hồ thủy lợi đã được phê duyệt nhằm bảo đảm an toàn cho các hồ.
Một đoạn đê Chu Hải, xã Tân Hải, TX.Phú Mỹ xuống cấp, dễ hư hỏng trong mùa mưa bão cần được sửa chữa. Ảnh: QUANG VINH |
Trước mắt, để chủ động phòng chống lụt bão vào đỉnh điểm mùa mưa, Trung tâm đã phối hợp với các đơn vị, ban ngành liên quan kiểm tra mức độ an toàn của các hồ chứa, bảo dưỡng các loại máy đóng mở cửa tràn, cửa van; tổ chức tập huấn công tác vận hành cũng như xử lý việc xả lũ cho cán bộ quản lý các hồ chứa khi có tình huống bất ngờ xảy ra. “Về quy trình điều tiết xả lũ khi có mưa lớn và lụt, bão xảy ra, các trạm thủy lợi sẽ thực hiện nghiêm quy trình vận hành đã được UBND tỉnh duyệt riêng cho từng hồ chứa. Trước hết phải kịp thời thông báo cho chính quyền các địa phương để phổ biến đến nhân dân vùng hạ lưu và các cơ quan liên quan ít nhất 6 giờ trước khi xả lũ, để người dân chủ động phòng tránh và tổ chức di dời đến nơi an toàn. Đơn vị còn phối hợp chặt chẽ với Đài Khí tượng thủy văn tỉnh và các cơ quan truyền thông để nắm bắt và thông báo kịp thời mọi diễn biến của thời tiết cho người dân biết để cảnh giác, chủ động ứng phó với lụt, bão; cử cán bộ trực 24/24 giờ để theo dõi chặt chẽ lưu lượng nước về các hồ, để có phương án linh hoạt, hợp lý trong quá trình tích nước, xả lũ và xử lý kịp thời khi có sự cố xảy ra, nhằm bảo vệ công trình đầu mối, cũng như đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng, tài sản của nhân dân và các công trình dân sinh ở vùng hạ lưu”, ông Lợi thông tin thêm.
Bài, ảnh: NGÔ THANH, QUANG VINH
Theo số liệu thống kê của Sở NN-PTNT, hiện toàn tỉnh có 53 công trình thủy lợi, bao gồm: 29 hồ chứa nước lớn nhỏ, 9 đập dâng, 3 kênh tiêu, 3 đê ngăn mặn, 1 đê ngăn lũ, 4 kè biển, 2 trạm bơm, 2 công trình khu neo đậu trú bão. Tổng dung tích các hồ chứa theo thiết kế là 316,28 triệu m3. Trong đó, Trung tâm Quản lý, khai thác các công trình thủy lợi tỉnh quản lý 17 hồ chứa nước, 9 đập dâng, 3 kênh tiêu, 3 đê ngăn mặn, 1 đê ngăn lũ và 1 kè biển; UBND các huyện, thành phố quản lý 11 hồ chứa nước, 3 kè biển; Ban Quản lý rừng phòng hộ quản lý 1 hồ chứa nước. Các công trình thủy lợi được đưa vào khai thác và sử dụng đã phát huy được năng lực thiết kế góp phần quan trọng cho việc sản xuất nông nghiệp tại địa phương (phục vụ tưới cho khoảng 10.000ha sản xuất nông nghiệp). |