.

Sự cần thiết của tư vấn tâm lý học đường

Cập nhật: 16:13, 17/06/2018 (GMT+7)

Thực tế thời gian qua cho thấy, khi đối mặt với các sang chấn tâm lý, áp lực, căng thẳng trong học tập, quan hệ xã hội, một số học sinh đã có những hành vi tiêu cực, thậm chí quyên sinh. Trong những trường hợp này, vai trò của công tác tư vấn tâm lý học đường (TVTLHĐ) rất quan trọng, giúp các em có hướng giải quyết phù hợp, giảm thiểu tác động tiêu cực có thể xảy ra; đồng thời hỗ trợ học sinh rèn luyện kỹ năng sống, tăng cường ý chí, niềm tin, bản lĩnh, thái độ ứng xử phù hợp trong các mối quan hệ xã hội và hoàn thiện nhân cách. 

NHU CẦU HẾT SỨC CẦN THIẾT

Bác sĩ tâm lý Vũ Thiện Toàn tư vấn tâm lý cho HS lớp 12 tỉnh BR-VT trong chương trình hiểu đúng nghề, sáng tương lai năm 2018. Ảnh: KHÁNH CHI 
Bác sĩ tâm lý Vũ Thiện Toàn tư vấn tâm lý cho HS lớp 12 tỉnh BR-VT trong chương trình hiểu đúng nghề, sáng tương lai năm 2018. Ảnh: KHÁNH CHI 

Nhiều tháng đã trôi qua, nhưng có lẽ nhiều người chưa thể quên vụ tự tử đau lòng của một học sinh lớp 8 Trường THCS Đất Đỏ (huyện Đất Đỏ) xảy ra vào cuối năm 2017. Do bị nghi ngờ lấy trộm tiền quỹ lớp, em này đã dùng cái chết để chứng minh mình bị oan. Gần đây nhất, ngày 12-5-2018, một bé gái 9 tuổi ở xã Phước Hội (huyện Đất Đỏ) cũng đã treo cổ tự tử vì buồn chuyện gia đình. Cái chết của các em đã để lại sự đau thương và tiếc nuối cho gia đình, bạn bè và thầy cô. Đồng thời, cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng một số học sinh phải sống trong lo âu, căng thẳng, buồn phiền nhưng lại không nhận được sự chia sẻ, động viên, định hướng kịp thời của người thân, thầy cô, bạn bè. 

Theo kết quả nghiên cứu đề tài cấp tỉnh về sức khỏe tâm lý, tâm thần của học sinh THCS trên địa bàn tỉnh trong năm 2017 của Thạc sĩ Nguyễn Văn Hồng (Trường Cao đẳng Sư phạm BR-VT) cho thấy, có hơn 19% học sinh THCS được điều tra có biểu hiện rối loạn về sức khỏe tâm thần, hơn 13% học sinh có biểu hiện trầm cảm và 13% học sinh có biểu hiện rối loạn lo âu, lệch lạc về cảm xúc và hành vi, rối loạn ứng xử, xung đột bạo lực… 

Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Chí Tăng, Trường Cao đẳng Sư phạm BR-VT cho biết, uất ức dồn nén dẫn đến hành động tiêu cực là điều dễ hiểu ở lứa tuổi học sinh. Bởi ở lứa tuổi này, các em chưa phải là người lớn nhưng cũng không còn là trẻ con, đã có khả năng nhận thức nhưng những nhận thức của các em chưa thật sự chín chắn và có thể sẽ sai lệch nếu không được định hướng tốt. Ở độ tuổi này, các em cũng thường phải đối mặt với rất nhiều áp lực, từ nhiều phía của gia đình, nhà trường, xã hội. Cụ thể, đó là những yêu cầu, kỳ vọng của cha mẹ, ông bà, là bầu không khí trong gia đình, là mối quan hệ giữa con cái với cha mẹ, là áp lực về học tập, quan hệ với thầy cô, bạn bè… Chưa kể, ra ngoài xã hội, các em non nớt trước nhiều cám dỗ. “Đối diện với những áp lực đó, nhiều em sẽ không biết nhìn nhận, giải quyết vấn đề như thế nào cho hợp lý, dẫn đến những hành vi sai lệch”, Tiến sĩ  Nguyễn Chí Tăng nhận định.

Chính vì vậy, Tiến sĩ Nguyễn Chí Tăng cho rằng, các trường học cần phải coi trọng công tác TVTLHĐ. Bởi sự trợ giúp kịp thời và đúng đắn từ phía người lớn, đặc biệt là từ các thầy cô giáo, những người giao tiếp với các em hàng ngày là một nhu cầu bức thiết. Khi có sự chia sẻ kịp thời từ phía thầy cô, học sinh sẽ giải quyết được các vấn đề về rối loạn tâm lý, tâm thần.

NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC TVTLHĐ

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Duy, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh cung cấp kiến thức về giới tính cho học sinh Trường TH Hạ Long (TP. Vũng Tàu). Ảnh: MẠNH THẮNG 
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Duy, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh cung cấp kiến thức về giới tính cho học sinh Trường TH Hạ Long (TP. Vũng Tàu). Ảnh: MẠNH THẮNG 

Tháng 12-2017, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông. Theo đó, từ ngày 2-2-2018, các trường phổ thông phải thành lập tổ tư vấn để hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh về giới tính, hôn nhân, gia đình, sức khỏe sinh sản vị thành niên… Thành phần tổ tư vấn gồm đại diện lãnh đạo nhà trường; cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý, nhân viên y tế trường học; cán bộ, giáo viên phụ trách công tác Đoàn, Đội; đại diện cha mẹ học sinh và một số học sinh là cán bộ lớp.

Cô Võ Thị Thiên Lý, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Xuyên Mộc (huyện Xuyên Mộc) cho biết, Tổ TVTLHĐ của trường được thành lập từ năm 2013. Thời gian qua, Tổ TVTLHĐ đã trực tiếp thực hiện nhiều đợt can thiệp, hỗ trợ những học sinh có dấu hiệu trầm cảm, lười học, yêu sớm, ham chơi... Đa số những học sinh này sau khi được hỗ trợ tâm lý đã có sự thay đổi về hành vi. Đơn cử trong năm 2017, tổ tư vấn của Trường THPT Xuyên Mộc đã tư vấn thành công cho 1 học sinh nữ lớp 10 bị trầm cảm nặng. Do các mối quan hệ trong gia đình thiếu gắn kết, mọi người không quan tâm tới nhau, dẫn đến nữ học sinh này mất niềm tin, cảm thấy cô đơn, cự tuyệt tất cả các mối quan hệ. “Nhận thấy đây là một ca khó, tổ tư vấn nhà trường đã phối hợp chặt chẽ với giáo viên chủ nhiệm để tiếp cận, thuyết phục. Mới đầu, em không hợp tác nhưng giáo viên tâm lý vẫn kiên trì tiếp cận. Sau một thời gian, em bắt đầu chịu mở lời, rồi từ từ mở lòng và đến nay đã bắt đầu nói chuyện với thầy cô, bạn bè. Tâm lý của em học sinh này đã có chuyển biến tích cực. Qua đó cho thấy, hoạt động tư vấn tâm lý học sinh là nhu cầu hết sức cần thiết, hỗ trợ cho việc dạy tốt, học tốt”, cô Võ Thị Thiên Lý chia sẻ.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Duy, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.Hồ Chí Minh tuyên truyền, phổ biến kiến thức về giới tính cho học sinh Trường Tiểu học Quang Trung (phường 9, TP. Vũng Tàu). Ảnh: MẠNH THẮNG
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Duy, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.Hồ Chí Minh tuyên truyền, phổ biến kiến thức về giới tính cho học sinh Trường Tiểu học Quang Trung (phường 9, TP. Vũng Tàu). Ảnh: MẠNH THẮNG

Được biết, từ năm 2013, ngoài Trường THPT Xuyên Mộc, nhiều trường phổ thông trên địa bàn tỉnh đã thành lập tổ TVTLHĐ, tổ chức một số hoạt động ngoại khóa lồng ghép nội dung TVTLHĐ. Tuy nhiên, hoạt động tư vấn tâm lý còn mang tính hình thức và tự phát, chủ yếu vẫn ở 2 nội dung: chăm sóc sức khỏe sinh sản và hướng nghiệp. Về hiệu quả của công tác tư vấn, một số trường thừa nhận vẫn chưa được như mong muốn, nguyên nhân là do giáo viên làm công tác tư vấn còn kiêm nhiệm, chưa được đào tạo bài bản, kỹ năng tư vấn của giáo viên còn hạn chế, việc phối hợp với phụ huynh học sinh chưa tốt…

Thầy Lê Văn Tuyền, Trưởng Phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT cho hay, hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 143 trường TH, 88 trường THCS, 33 trường THPT và 8 Trung tâm GDTX có tổ TVTLHĐ. Khó khăn hiện nay là tại hầu hết các trường, đội ngũ làm công tác tư vấn tâm lý chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa qua đào tạo chuyên môn; lãnh đạo nhà trường chưa thực sự hiểu vai trò của công tác TVTLHĐ nên không có những hỗ trợ thiết thực; điều kiện cơ sở vật chất, các tài liệu phục vụ công tác TVTLHĐ còn thiếu… Do đó, hiệu quả mang lại chưa cao, chưa thu hút được nhiều học sinh tham gia. Những hạn chế này cần sớm được khắc phục.

TRÚC GIANG

ÔNG NGUYỄN THANH GIANG, GIÁM ĐỐC SỞ GD-ĐT:

Nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác tư vấn tâm lý học sinh

Thời gian qua, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức thực hiện hoạt động TVTLHĐ. Nhưng đội ngũ làm công tác này hầu hết là kiêm nhiệm, chưa qua đào tạo chuyên môn, nên hiệu quả tư vấn chưa đạt yêu cầu. Do vậy, vấn đề cần quan tâm tới là phải bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác TVTLHĐ tại các trường học. Sở GD-ĐT đã đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí đào tạo giáo viên làm công tác TVTLHĐ. Đồng thời, giao Trường Cao đẳng Sư phạm chủ trì xây dựng các chương trình tập huấn, mở các lớp bồi dưỡng, mời các chuyên gia tâm lý về tập huấn kiến thức TVTLHĐ cho giáo viên ngay trong dịp hè này để vào năm học mới 2018-2019, công tác TVTLHĐ hoạt động hiệu quả hơn. 

 

.
.
.