.

Đổi mới phương thức giới thiệu, tư vấn việc làm

Cập nhật: 19:58, 04/06/2018 (GMT+7)

Thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã phát huy hiệu quả các hoạt động tiếp nhận tư vấn giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động, tư vấn đào tạo nghề và giải quyết chế độ chính sách cho người lao động. Trao đổi với PV Báo BR-VT, ông Trần Anh Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh cho biết:  

Từ tháng 6-2017, Trung tâm DVVL tỉnh đã xây dựng và đưa vào thực hiện quy trình một cửa chung, tạo thuận lợi cho người lao động khi đến trung tâm tìm kiếm cơ hội việc làm. Thay vì phải làm thủ tục tại 4 quầy khác nhau về tư vấn giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động, tư vấn đào tạo nghề và giải quyết chính sách chế độ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) như trước đây thì hiện nay người lao động chỉ cần làm việc tại 1 quầy với 1 nhân viên tư vấn cố định. Nhân viên này sẽ nắm toàn bộ thông tin cá nhân, nhu cầu việc làm, nhu cầu giải quyết các chế độ của người lao động để giải quyết nhanh hơn, tránh bị thất lạc thông tin. Nhờ đó người lao động sẽ tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại; Số lượt lao động được tư vấn tăng 29.013 người so với cùng kỳ năm trước. Tính đến thời điểm này có 92.555 lượt lao động được tư vấn về việc làm, học nghề và chính sách chế độ lao động ngay tại trung tâm. Thời gian mỗi lao động được tư vấn tăng gấp đôi, công tác tư vấn giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động, tư vấn đào tạo nghề, giải quyết chế độ chính sách cho người lao động được bảo đảm thông suốt. Trong năm 2017, có 805 lao động được tuyển dụng trực tiếp tại trung tâm (đạt 134% kế hoạch năm), 76 lao động đăng ký xuất khẩu lao động.

Người lao động đến tìm việc làm tại Phiên giao dịch việc làm được tổ chức tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tháng 3-2018. Ảnh: ĐÔNG TRÚC
Người lao động đến tìm việc làm tại Phiên giao dịch việc làm được tổ chức tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tháng 3-2018. Ảnh: ĐÔNG TRÚC

Ngoài ra, trung tâm còn phối hợp với các Phòng LĐTBXH, Ban Quản lý các khu công nghiệp, Đoàn thanh niên các địa phương tổ chức thành công 12 phiên giao dịch việc làm, thu hút 12.748 lượt lao động tham gia. Trong đó, 2.189 lượt người được tiếp nhận hồ sơ, 2.630 lượt người được hẹn phỏng vấn. Trung bình mỗi phiên có khoảng 25-28 doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo trong, ngoài tỉnh, thu hút khoảng 1.063 lượt lao động tham gia. Riêng 5 tháng đầu năm 2018, trung tâm đã tư vấn cho 39.515 lao động về việc làm, học nghề và chính sách chế độ lao động; giới thiệu việc làm cho 1.181 người. 

* Trong quá trình hoạt động, trung tâm còn gặp những khó khăn gì, thưa ông? 

- Thời gian qua, Trung tâm DVVL tỉnh đã phát huy vai trò của mình trong việc kết nối cung, cầu lao động, đào tạo nghề, thực hiện chính sách về lao động và BHTN đối với người lao động. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, trung tâm còn gặp một số khó khăn. Quá trình cung ứng lao động mới đáp ứng được một phần nhu cầu của doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp có mức lương cao, chính sách đãi ngộ tốt đòi hỏi tay nghề, trình độ, kỹ năng và đặc biệt là kinh nghiệm làm việc, trong khi thị trường lao động trong tỉnh vẫn tập trung chủ yếu là người chưa có kinh nghiệm, sinh viên mới ra trường. Một số ứng viên tìm việc còn hạn chế về kỹ năng mềm, ngoại ngữ, tin học nên chưa thể đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. 

Ngoài ra, nhận thức của một số người lao động, người sử dụng lao động về chính sách BHTN đã có chuyển biến, tuy nhiên vẫn còn hạn chế. Một số người chưa hiểu rõ quyền và trách nhiệm của mình trong việc tham gia và hưởng BHTN, một số người chưa trung thực khi khai báo tình trạng việc làm, gây khó khăn cho trung tâm trong việc kiểm soát thông tin, phối hợp với BHXH tỉnh chi trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động.  

* Vậy trung tâm sẽ có giải pháp gì nhằm khắc phục những khó khăn nêu trên, thưa ông? 

- Năm 2018, Trung tâm đặt ra nhiệm vụ tổ chức 8 phiên giao dịch việc làm, giải quyết việc làm cho 600 lao động, đào tạo nghề cho 600 học viên. Ngoài ra, trung tâm sẽ tăng cường công tác tìm kiếm, nắm bắt thông tin nhu cầu việc làm của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; tiếp cận các doanh nghiệp để đẩy mạnh công tác đào tạo nghề theo địa chỉ; tăng cường công tác tư vấn, đào tạo nghề cho các đối tượng đang hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp; tiếp tục mở các lớp tập huấn công tác cung-cầu lao động; tăng cường công tác tuyên truyền hướng nghiệp học nghề trong các trường THPT, THCS; xây dựng, đổi mới chương trình giảng dạy cũng như các khâu tuyển sinh, đào tạo, tổ chức thi tốt nghiệp, phát chứng nhận nghề…

* Xin cảm ơn ông!

TƯỜNG NGÂN
(Thực hiện) 

.
.
.