.

Hưởng ứng ngày Môi trường thế giới 5-6: Chất thải nhựa đe dọa môi trường biển

Cập nhật: 20:00, 04/06/2018 (GMT+7)

Ô nhiễm môi trường biển do chất thải nhựa ngày một trở nên nghiêm trọng. Thay đổi thói quen để giảm gánh nặng ô nhiễm từ chất thải nhựa đang là vấn đề có tính cấp thiết.

GIA TĂNG CHẤT THẢI NHỰA

Khu phố Lộc An (thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ) có bờ biển trải dài khoảng 2km nhưng có đến 23 cơ sở chế biến hải sản hoạt động. Phía sau các cơ sở chế biến hải sản, môi trường ô nhiễm nặng bởi nước thải sơ chế cá và đủ các loại túi nylon, chai nhựa, ly nhựa…

Cách bãi biển Lộc An không xa, bãi biển Hải Hà (thị trấn Long Hải, huyện Long Điền) cũng là một trong những điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Mặc dù chính quyền địa phương đã nhiều lần ra quân dọn dẹp nhưng bãi biển Hải Hà giờ đây vẫn như một cái ao tù đọng nước thải và đủ các loại rác thải của 51 trại sơ chế, phân loại cá trong khu vực. Khu vực này cũng có rất nhiều chai nhựa, túi nylon rất khó phân hủy.

Người dân huyện Long Điền tham gia thu gom, làm sạch “ao Hải Hà”.
Người dân huyện Long Điền tham gia thu gom, làm sạch “ao Hải Hà”.

Đó chỉ là hai trong nhiều bãi biển tại BR-VT đang oằn mình chịu ô nhiễm vì các loại chất thải, trong đó có rác thải từ nhựa. Theo số liệu của Trung tâm Quan trắc và phân tích môi trường tỉnh, trong 2 năm gần đây (năm 2016-2017), các con sông, cửa biển, nhất là khu vực có cơ sở chế biến hải sản đang ô nhiễm nghiêm trọng hơn. Ngoài rác thải sinh hoạt, nước thải chưa xử lý, một phần rất lớn lượng rác thải ra biển là chất thải nhựa.

Nhiều chất thải nhựa và nylon ở bãi biển Lộc An (huyện Đất Đỏ).
Nhiều chất thải nhựa và nylon ở bãi biển Lộc An (huyện Đất Đỏ).

HÃY THAY ĐỔI THÓI QUEN

Báo cáo của Liên hợp quốc cho thấy, mỗi năm con người thải ra một khối lượng nhựa đủ để trải quanh trái đất 4 lần. Với nhịp độ sử dụng nhựa như hiện nay, sẽ có thêm 33 tỷ tấn nhựa được sản xuất vào năm 2050 và một phần lớn trong số đó sẽ nằm trong các đại dương và tồn tại trong nhiều thế kỷ. Với đặc tính bền vững trong tự nhiên, rác thải nhựa (chai nhựa, túi nylon, hộp đựng đồ ăn) cùng với các chất gây ô nhiễm môi trường khác đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường, kinh tế, xã hội và sức khỏe con người. Chất thải nhựa trở thành một thách thức lớn đối với cộng đồng và xã hội.

Thực tế đó đòi hỏi các ngành chức năng triển khai mạnh mẽ hơn hơn, quyết liệt hơn các chương trình, hoạt động bảo vệ môi trường biển. “Không chỉ huy động mọi người, các tổ chức, đoàn thể thường xuyên tham gia làm sạch bãi biển, thu gom, xử lý rác thải trên bờ, chính quyền các cấp và lực lượng chức năng còn có trách nhiệm tăng cường giám sát công tác bảo vệ môi trường biển, xử lý mạnh tay các hành vi xâm hại môi trường biển, nhất là hành vi đổ rác thải, nước thải tại các khu vực ven bờ”, ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở TN-MT nói.

Nhiều loại chất thải nhựa, túi nilon trôi dạt và tụ lại một góc kênh Bến Đình – đoạn cửa biển Vũng Tàu. Ảnh: QUANG VŨ
Nhiều loại chất thải nhựa, túi nilon trôi dạt và tụ lại một góc kênh Bến Đình - đoạn cửa biển Vũng Tàu.

Hưởng ứng tháng hành động vì môi trường và ngày môi trường thế giới (ngày 5-6), UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương tuyên truyền, vận động, kêu gọi mọi người cùng nhau thay đổi thói quen cuộc sống hàng ngày để giảm gánh nặng ô nhiễm chất thải nhựa tới môi trường tự nhiên và sức khỏe; tăng cường triển khai các giải pháp quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nhựa; xử lý nghiêm khắc đối với các cơ quan, DN vi phạm các quy định về quản lý chất thải và phế liệu, chất thải nguy hại. UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương tổ chức các hoạt động có sự tham gia trực tiếp của cộng đồng như: Chiến dịch “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần”; chiến dịch ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom xử lý chất thải, rác thải, khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương, ao, hồ, hệ thống thoát nước; tổ chức các lớp tuyên truyền giáo dục môi trường, thực hiện các hoạt động thu gom và tái chế chất thải nhựa, túi nylon tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các khu dân cư…

Ngày Môi trường thế giới là sự kiện thường niên lớn nhất về bảo vệ môi trường được tổ chức vào ngày 5-6. Năm nay, ngày môi trường thế giới có chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nylon” nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi mọi người cùng nhau thay đổi thói quen cuộc sống hàng ngày để giảm gánh nặng ô nhiễm chất thải nhựa tới môi trường tự nhiên và sức khoẻ.

Một số hoạt động hưởng ứng “Tháng hành động vì môi trường” và Ngày Môi trường thế giới năm 2018 gồm: Lễ phát động “Tháng hành động vì môi trường” kết hợp Trao Giải thưởng báo chí viết về tài nguyên và môi trường lần thứ IV (tối 4-6);  Hội nghị triển khai Chương trình phối hợp giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu khu vực miền Trung và Tây Nguyên (sáng ngày 5-6); Diễn đàn “Tăng cường hoạt động của báo chí trong quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu” tại Quy Nhơn, Bình Định (sáng 4-6-2018).

Bài, ảnh: QUANG VŨ

.
.
.