Vì một "thế giới có thể nghe"
Cuối tháng 5 vừa qua (26-5) 268 bệnh nhân khiếm thính trên địa bàn tỉnh đã được Tổ chức VinaCapital Foundation (Tổ chức Phi Chính phủ quốc tế tại Việt Nam) phối hợp với Tổ chức Starkey Hearing Foundation (Tổ chức Phi Chính phủ của Hoa Kỳ) tặng mỗi người 2 chiếc máy trợ thính miễn phí. Nhờ sự hỗ trợ này, đã giúp những bệnh nhân khiếm thính tự tin hòa nhập cộng đồng.
Em Phạm Ngọc Mạnh được kỹ thuật viên của Tổ chức Starkey Hearing Foundation gắn máy trợ thính. |
Ngay sau khi được nhà tài trợ gắn máy trợ thính cho con trai Phạm Ngọc Mạnh (12 tuổi, phường Thắng Nhất, TP.Vũng Tàu), chị Hoàng Thị Điệp, mẹ của Mạnh đã đứng sau lưng con và gọi “Mạnh ơi, con nghe mẹ nói không?”. Thấy con quay lại và thưa “con nghe rồi mẹ” đã khiến chị Điệp vô cùng mừng rỡ và xúc động đến rơi nước mắt. Chị Điệp kể, con chị bị khiếm thính bẩm sinh từ bé, nhưng gia đình chị thuộc diện khó khăn. Hai vợ chồng chị làm thuê, thu nhập thấp nên chưa có điều kiện mua máy trợ thính cho con. Vì thế, trong cuộc sống và sinh hoạt hằng ngày Mạnh gặp rất nhiều khó khăn. “Khi muốn nói gì với con, tôi phải nói thật to, giống như quát mắng và tay ra các ký hiệu liên tục, khi đó con mới có thể hiểu được tôi đang nói gì. Cách giao tiếp này mất nhiều thời gian và vất vả. Nay có máy trợ thính. Điều ước bấy lâu nay của tôi đã trở thành hiện thực. Tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc”, chị Điệp nói.
Giống như cảm xúc của mẹ con chị Điệp, bà Phan Thị Tuyết (59 tuổi, ở 53/10 đường Nguyễn Hới, TP.Vũng Tàu) cũng rất ngỡ ngàng vì hiệu quả của máy trợ thính. Bà Tuyết cho biết, bà bị bệnh khiếm thính từ lúc 18 tuổi, nhưng ban đầu còn ở mức nhẹ. Sau đó, cùng với bệnh tật và tuổi tác, bệnh khiếm thính của bà trở nên nặng hơn ở mức ai nói gì bà cũng không nghe được. Điều đó, khiến cuộc sống của bà Tuyết bị đảo lộn. Những lúc chồng và các con trò chuyện, bà cũng không thể tham gia vì không nghe được người thân nói. Vì vậy, bà trở thành người “tự quyết” mọi việc trong nhà, tự làm mọi việc theo ý mình mà không cần phải hỏi ý kiến của chồng, con. Ở nhà thì vậy, nhưng khó nhất là khi ra ngoài, bà không làm sao để người khác hiểu được ý mình. “Bây giờ tôi đã nghe được mọi người nói. Tôi có thể trò chuyện được với người thân và bà con hàng xóm. Cuộc đời như bước sang một trang mới”, bà Tuyết phấn khởi cho biết.
Cũng nhận được một cặp máy trợ thính miễn phí như bao bệnh nhân khác, ông Võ Hoàng Minh (55 tuổi, ở ấp Đông, xã Hòa Long, TP.Bà Rịa) tươi cười cho biết, ông bị khiếm thính từ nhỏ, nhưng kinh tế gia đình eo hẹp nên bố mẹ ông không thể đưa ông đi chữa trị và trang bị máy trợ thính. Khi ông lớn lên, lấy vợ, cuộc sống cũng không khấm khá hơn nên đành sống chung với bệnh khiếm thính. Ông Minh cho biết: “Tôi không nghe rõ người khác nói, khổ tâm lắm. Lúc đi làm thuê, chủ nói một đằng, có khi mình làm một nẻo, lắm khi hỏng hết việc. Nay có máy trợ thính, tôi đã có thể nghe rõ. Hy vọng cuộc sống và công việc của tôi sẽ được cải thiện nhiều”.
Theo bà Megan Baiocili, Giám đốc phát triển quốc tế khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của Tổ chức Starkey Hearing Foundation, hoạt động tặng máy trợ thính cho bệnh nhân khiếm thính do 2 tổ chức VinaCapital Foundation và Starkey Hearing Foundation thực hiện được nằm trong chương trình chăm sóc sức khỏe thính lực cho cộng đồng, với mục tiêu “Vì một thế giới có thể nghe”. Hiện nay, có khoảng 30% bệnh nhân khiếm thính không có điều kiện để mua máy trợ thính. Vì vậy, trong cuộc sống và giao tiếp, bệnh nhân khiếm thính có nhiều rào cản, sống cô lập và phụ thuộc nhiều vào người khác. Tại Việt Nam, 2 đơn vị nêu trên đã tặng máy trợ thính miễn phí cho bệnh nhân ở một số tỉnh như: BR-VT, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Long An, Đồng Nai, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh… Bà Megan Baiocili thông tin thêm: “Mỗi bệnh nhân được tặng một cặp máy trợ thính có giá trị khoảng 1.000 USD. Đây là món quà mà chúng tôi muốn trao tặng cho bệnh nhân khiếm thính để họ nghe được giọng nói của người khác và có thể đáp trả, trao đổi lại. Nhờ vậy, người khiếm thính cảm thấy tự tin, lạc quan yêu đời và cuộc sống tươi sáng hơn”.
Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG