.

Nâng cao chất lượng sinh hoạt Đoàn nơi cư trú

Cập nhật: 18:11, 25/05/2018 (GMT+7)

Nhằm khắc phục tình trạng các cơ sở Đoàn vắng bóng đoàn viên, góp phần nâng cao chất lượng sinh hoạt Đoàn ở khu phố, thôn, ấp, Trung ương Đoàn đã có Hướng dẫn số 66 HD/ĐTN về việc “Hướng dẫn đoàn viên tham gia sinh hoạt nơi cư trú”. Tuy nhiên, sau 5 năm triển khai, việc thực hiện Hướng dẫn này còn gặp khó khăn.

ĐVTN sơn cửa nhà cho hộ nghèo xã Xà Bang (huyện Châu Đức) trong Chiến dịch “Xuân tình nguyện” năm 2018.
ĐVTN sơn cửa nhà cho hộ nghèo xã Xà Bang (huyện Châu Đức) trong Chiến dịch “Xuân tình nguyện” năm 2018.

ĐOÀN VIÊN KHÔNG MẶN MÀ

Xã Kim Long (huyện Châu Đức) có 3.785 thanh niên, trong đó có hơn 1.000 đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) có mặt tại địa phương. Do phần lớn đoàn viên đều đi học ĐH, CĐ hoặc đến các thành phố lớn để làm ăn nên một số chi đoàn chỉ có 3-5 đoàn viên sinh hoạt. Xã Đoàn cũng rất khó triển khai các phong trào, hoạt động Đoàn. Để khắc phục tình trạng trên, từ năm 2013, Xã Đoàn Kim Long đã vận động đoàn viên là HS-SV, cán bộ, công chức, viên chức khối hành chính sự nghiệp tham gia sinh hoạt Đoàn nơi cư trú, đồng thời phối hợp với các cơ sở Đoàn trường THPT, cơ quan hành chính sự nghiệp tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ, dã ngoại, về nguồn, làm từ thiện... Nhờ đó, tỷ lệ đoàn viên tham gia các hoạt động Đoàn luôn đạt trên 70%. Đoàn viên nông thôn, HS-SV có điều kiện giao lưu, học hỏi với các đoàn viên là cán bộ, công nhân, viên chức. Xã Đoàn Kim Long cũng có điều kiện phối hợp, vận động kinh phí để tổ chức các hoạt động tình nguyện với số tiền trên 100 triệu đồng/năm.

Tuy nhiên, đó chỉ là một trong số ít những cơ sở Đoàn thu hút được ĐVTN tham gia sinh hoạt nơi cư trú trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê của Ban Tổ chức - Kiểm tra Tỉnh Đoàn, trong năm 2017, chỉ có 7.210/30.402 đoàn viên (thuộc đối tượng tham gia sinh hoạt theo Hướng dẫn số 66 HD/ĐTN) tham gia sinh hoạt Đoàn nơi cư trú.

Theo quy định, hàng năm, các cơ sở Đoàn khối cơ quan, DN, trường THPT, ĐH, CĐ phải viết giấy giới thiệu về nơi cư trú để cơ sở Đoàn địa phương mời đoàn viên tham gia sinh hoạt. Thế nhưng, nhiều đoàn viên là HS-SV, cán bộ, công chức, viên chức, công nhân tại các DN đang ở nhà thuê, chỗ ở không ổn định khiến các cơ sở Đoàn ở địa phương khó rà soát để vận động. Đối với ĐVTN khối cơ quan, DN, do đặc thù lao động làm theo ca, thời vụ nên giờ giấc lao động thường biến động, khó tập trung hoạt động Đoàn tại địa phương. Ngoài ra, nhiều đoàn viên không nhiệt tình với các hoạt động Đoàn vì cho rằng mình đã tham gia hoạt động Đoàn tại cơ quan, trường học. Tại nhiều cơ sở Đoàn chỉ có một số ít đoàn viên khối THPT khi xong kỳ nghỉ hè vẫn tiếp tục hoạt động Đoàn, còn lại không tham gia, sau khi nhận được chứng nhận tham gia sinh hoạt Đoàn nơi cư trú. “Thậm chí, một số đoàn viên không hề tham gia sinh hoạt Đoàn, nhưng đến khi phải nộp giấy chứng nhận cho nhà trường thì nhờ người thân xin. Nhiều cán bộ Đoàn vì nể nang đã ký cho qua chuyện nhưng trong lòng không khỏi ấm ức”, chị Nguyễn Thị Lê Trinh, Phó Bí thư Đoàn phường 3, TP. Vũng Tàu chia sẻ.

Anh N.V.H. (242A Trương Công Định, TP. Vũng Tàu) cho biết, có nắm được Hướng dẫn số 66, nhưng ngoài công việc chuyên môn, các hoạt động Đoàn ở cơ quan và cấp trên cũng đã chiếm hết thời gian nên anh không quan tâm nhiều đến việc đăng ký sinh hoạt Đoàn nơi cư trú. “Việc tham gia các phong trào, hoạt động Đoàn của cấp trên phát động thì cả 2 tổ chức Đoàn đều vận động ĐVTN tham gia, trong khi tôi không thể phân thân để tham gia hoạt động Đoàn ở cả cơ quan và nơi cư trú”, anh H. lý giải. 

CẦN SỰ CHỦ ĐỘNG TỪ CÁC CƠ SỞ ĐOÀN

Chị Huỳnh Thị Thúy Hằng, Trưởng Ban Tổ chức - Kiểm tra Tỉnh Đoàn cho rằng, để việc triển khai Hướng dẫn số 66/HD/BTC đạt kết quả cao, cán bộ Đoàn ở địa phương cần chủ động tiếp cận, nắm bắt và phát huy khả năng của từng đoàn viên trong mỗi hoạt động tại đơn vị, tổ chức hoạt động phong phú, phù hợp đặc điểm tình hình địa phương để thu hút đoàn viên, từ đó phát hiện, tạo nguồn và bồi dưỡng các nhân tố tích cực. Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn khối cơ quan, DN, trường học và địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc giới thiệu đoàn viên và phản hồi đến tổ chức Đoàn nơi đoàn viên công tác; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của đoàn viên về tham gia sinh hoạt nơi cư trú.

Còn theo anh Nguyễn Văn Tuân, Phó Bí thư Tỉnh Đoàn, thời gian tới, Tỉnh Đoàn sẽ ban hành kế hoạch về sinh hoạt Đoàn nơi cư trú hàng quý và thông báo phân công cán bộ Tỉnh Đoàn phụ trách các cơ sở Đoàn và chỉ đạo sinh hoạt chi Đoàn hàng quý; tổ chức các đợt kiểm tra, đưa nội dung thực hiện quy định đoàn viên tham gia sinh hoạt Đoàn nơi cư trú vào bảng đánh giá, xếp loại cơ sở Đoàn hàng năm; đồng thời yêu cầu các cơ sở Đoàn phải dựa vào phiếu nhận xét sinh hoạt Đoàn nơi cư trú để đánh giá, xét thi đua, khen thưởng đoàn viên hàng năm. 

Hướng dẫn số 66 HD/ĐTN quy định đoàn viên có trách nhiệm tham gia sinh hoạt Đoàn tại nơi cư trú (nơi đoàn viên đang thường trú, hoặc tạm trú có thời hạn từ 6 tháng trở lên). Khi sinh hoạt tại nơi cư trú, đoàn viên được nhận xét, đánh giá để giới thiệu vào Đảng, xếp điểm rèn luyện, tu dưỡng, được tổ chức Đoàn nơi cư trú đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, giúp đỡ và tạo điều kiện tham gia các hoạt động để phấn đấu trưởng thành, được khen thưởng, biểu dương khi có thành tích xuất sắc và được ứng cử vào cơ quan lãnh đạo của Đoàn ở cấp cơ sở khi đã chuyển hồ sơ đoàn viên về nơi đó trước khi được bầu.

Bài, ảnh: MINH NHÂN

.
.
.