.
CHUYỆN NHÀ

Ứng xử khéo léo khi con lấy trộm tiền

Cập nhật: 09:17, 25/05/2018 (GMT+7)

Chị Phụng và anh Hoàn chỉ có một cậu con trai duy nhất. Nhà neo người, lại là cháu đích tôn, được cưng chiều nhưng Tuấn Anh - con anh chị - khá ngoan ngoãn, học giỏi, từ nhỏ đến lớn luôn là niềm tự hào của ba mẹ.

Thế nhưng, từ khi Tuấn Anh lên lớp 8, nhiều lần chị Phụng phải khổ sở vì bị cô giáo mắng vốn. Cháu thường không học bài đầy đủ và đi học trễ. Tuấn Anh cũng ít trò chuyện với ba mẹ, thường xuyên cầm điện thoại trên tay và hay tụ tập với nhóm bạn. Anh Hoàn hay đi công tác xa, ở nhà chỉ có chị Phụng. Chị biết rõ sự thay đổi của con, nhưng cũng không dám nói nhiều với chồng, bởi tính anh nóng nảy, hai cha con lại khắc khẩu. Chị thường khuyên bảo nhẹ nhàng, nhưng Tuấn Anh đang tuổi ương bướng nên tuy không cãi lại mà bỏ về phòng hoặc đi chơi. Chị Phụng cảm thấy rất khó để quản lý con. Nói nhẹ con phớt lờ, không nghe, còn nếu quát mắng thì con càng tỏ ra bướng bỉnh, khó bảo.

Thời gian sau, chị Phụng để ý thấy thi thoảng trong bóp của chị khi thì mất vài chục, lúc cả trăm ngàn đồng. Ban đầu chị nghĩ mình đi chợ hoặc mua sắm gì đó mà quên mất. Nhưng sáng hôm trước, chị mới lãnh tiền thưởng quý, được 3 triệu đồng, mà chiều hôm đó trong bóp chỉ còn 2,8 triệu đồng. Nhà chỉ có chị, Tuấn Anh và bác giúp việc, nhưng bác giúp việc làm cho nhà chị đã 8 năm, chưa hề tơ hào món đồ gì của chị. Chẳng lẽ lại là Tuấn Anh?

Hôm sau nữa, đi chợ về, chị Phụng cố ý để bóp tiền trên bàn ăn. Và chị phát hiện thiếu 100.000 đồng. Chắc chắn là Tuấn Anh rồi. Chị gọi con xuống hỏi chuyện. Ban đầu, Tuấn Anh nhất định không nhận, còn hét to lên rằng mẹ đổ oan cho con. Chị Phụng bình tĩnh giải thích: “Đã vài lần mẹ thấy thiếu tiền trong bóp, mẹ cứ nghĩ do mình sơ xuất, tiêu quá đà. Nhưng số tiền này là quỹ của phòng, giờ mẹ làm thất lạc mấy trăm ngàn, chưa biết tính sao. Nếu con lỡ lấy tiền của mẹ, thì mẹ mong con hãy thẳng thắn nhận lỗi và cho mẹ biết lý do. Nếu không phải là con, thì chắc chắn là bác giúp việc lấy. Mẹ sẽ nói chuyện với ba và cho bác ấy nghỉ việc ngay lập tức”.

Tuấn Anh cúi đầu, im lặng một hồi, sau đó thừa nhận mình đã lấy tiền. “Chính con là người lấy tiền của mẹ. Con muốn mua một con yoyo mà không đủ can đảm xin tiền mẹ nên con đã rút từ bóp của mẹ. Mẹ đừng đuổi bác giúp việc, con xin lỗi mẹ”.

Chị Phụng tiếp tục nói chuyện với con, cuối cùng Tuấn Anh tiết lộ chưa tiêu số tiền và đem trả lại cho mẹ. Chị Phụng nói sẽ cho con “tạm ứng” số tiền đó và bù lại, Tuấn Anh sẽ phải làm việc nhà và mỗi lần được mẹ “trả công” 10.000 đồng. Cậu con trai đang tuổi ngang bướng đã vui vẻ đồng ý với phương án của mẹ.

Nhiều năm trôi qua, giờ đây Tuấn Anh đã tốt nghiệp đại học và vào làm việc cho một doanh nghiệp nước ngoài. Trong buổi tiệc mừng thành công của con, tôi thấy chị Phụng mỉm cười đầy hạnh phúc, khi Tuấn Anh đứng lên phát biểu, nói lời cảm ơn ba mẹ, nhất là mẹ đã luôn yêu thương, đồng hành với con, giúp con vượt qua những lỗi lầm để sống tốt hơn. Thay vì đánh đập, dọa nạt con, chị Phụng đã xử lý khéo léo, giúp con nhận ra cái sai để thay đổi và trưởng thành.

THẢO NGUYÊN

.
.
.