.

Có một thứ, chớ nên... đụng đến

Cập nhật: 09:17, 25/05/2018 (GMT+7)

Nhiều người nghĩ rằng, đã là vợ chồng/tình nhân thì không có gì phải giấu giếm nữa, cần mở lòng chia sẻ. Mối quan tâm của người này cũng là nỗi đau đáu của người kia. Công việc hằng ngày, những buồn vui, lo lắng cần san sớt, tâm sự với nhau. Nhưng, như vậy, liệu có nên không?

Dù là vợ chồng cũng không nên kiểm tra điện thoại của nhau.
Dù là vợ chồng cũng không nên kiểm tra điện thoại của nhau.

Ngoài những cái chung nói trên, vợ chồng còn có chung nhiều sở hữu khác về tài sản, con cái v.v… khó có thể phân chia tách bạch, rạch ròi đâu “của chồng”, đâu “công vợ”. Mà khi nói đến một sự vật cụ thể nào đó, phải nói đến công sức của hai người cùng tạo dựng. Vì thế, người này có quyền xem xét, kiểm tra tất tần tật những gì đang thuộc về người kia chăng? Trên “lý thuyết” không có gì sai, nhưng khi “đi sâu vào vấn đề” mới thấy có nhiều bất cập, dễ gây hiểu nhầm, tranh cãi bởi những cớ sự chẳng đâu vào đâu.

Từ ngày cái điện thoại di động trở nên phổ biến, thông tin liên lạc dễ dàng, thuận lợi hơn nhưng cũng nảy sinh nhiều rắc rối hơn. Không ít người vò tai bứt tóc vì nhiều lần bị chồng/vợ kiểm tra điện thoại. Các cuộc gọi nhỡ, gọi đến, gọi đi, các tin nhắn đã nhận, đã gửi đều lọt vào tầm ngắm của con mắt tinh tường không thua gì kính hiển vi!

Lúc đó, dù người này phân trần, giải thích rành rọt mà người kia có chịu hiểu cho đâu. “Anh nói dễ nghe quá nhỉ? Nếu không có tình ý gì với “người ta” sao ngày nào cũng gửi cái tin nhắn mùi mẫn này?”. Tin nhắn như thế nào? “Ngày vui của em là ngày vui của anh”. Vừa đọc xong, người vợ tá hỏa tam tinh, xây xẩm mặt mày và quả quyết chồng mình đang “thả thính” tán tỉnh lăng nhăng. “Oan ông địa” quá vì anh N. - bạn tôi, là nhân viên tiếp thị cho sản phẩm mới của một công ty nọ, sau khi đã mời mọc, hướng dẫn cách sử dụng dù khách hàng “sộp” đã gật gù ưng ý nhưng vẫn chưa quyết định mua nên anh đã khéo léo thúc giục bằng tin nhắn đó.

Điện thoại cầm tay là “thế giới” riêng tư của người sử dụng, mình không phải là chủ nhân, “đụng đến” làm gì? Dù nhân danh tình chồng nghĩa vợ hay bất cứ điều gì thì việc làm đó chỉ khiến “một nửa” tự ái đùng đùng, bực bội vì bị nghi ngờ, không được tin tưởng. Lại có đôi khi bạn bè trêu đùa bằng những câu tán tỉnh “cứ như thật”, cần gì mình phải biết đến rồi suy nghĩ lung tung cho mệt đầu? Vì nếu không biết hoàn cảnh cụ thể, người đọc tin nhắn rất dễ suy diễn theo chiều hướng khác.

Mà việc kiểm tra vợ/chồng bằng cách đọc tin nhắn là “hạ sách”, không giải quyết được chuyện gì cả. Nếu đã “ăn vụng”, người kia luôn xóa sạch các tin nhắn “nhạy cảm” trước lúc bước chân vào nhà. Thậm chí ngay cả trong danh bạ điện thoại cũng lưu bằng cái tên khác hoặc nhớ trong đầu, làm sao có thể kiểm tra? Lại không ít trường hợp lạ lùng như khi người này, có điện thoại gọi đến, người kia giành nghe cho bằng được; hoặc gọi lại kiểm tra xem sao!

Mỗi lần nhớ lại, tôi còn bật cười vì chuyện tình của anh T. Sau nhiều ngày “trần ai khoai củ”, anh mới làm lành lại được với U. - cô người yêu hay nhõng nhẽo. Chuyện chẳng có gì to tát, chỉ là ghen với tuông thôi vì cô cho rằng anh không thật lòng, muốn “bắt cá hai tay”. Hôm đó, họ hẹn hò trong một quán cà phê có không gian tình tứ thơ mộng, lúc vừa cầm tay và chuẩn bị thốt lên những lời thề non hẹn biển thì bỗng dưng điện thoại của anh reo lên giòn giã. Vừa nghe xong, anh liền tắt máy. Lập tức cũng số điện thoại đó gọi lại.

Bực quá, anh nói luôn một tràng: “Xin lỗi, cô nhầm máy rồi. Tôi không có nhu cầu mua bảo hiểm, không có nhu cầu mua căn hộ, không có nhu cầu vay tiền ngân hàng! Xin đừng làm phiền tôi”. Anh cáu tiết, tắt nguồn cho yên thân. Nhưng cô người yêu tinh ý nhận ra ngay, yêu cầu anh mở máy để cô gọi lại. Cô giật mình, nếu không quen biết nhau, sao cô kia có thể biết rõ tên anh, biết đang làm việc ở cơ quan nào? Bỏ mặc ngoài tai những lời giải thích vòng vèo về các chiêu trò tiếp thị, U. đứng lên bỏ đi!

Nhiều người cho biết khi về đến nhà, việc đầu tiên của họ là tắt điện thoại, bởi nhỡ đâu gặp phải “tên bay đạn lạc” khiến vợ chồng xào xáo thì oải lắm. Thì đây, vợ chồng anh chàng nọ vừa âu yếm nhau xong bỗng nghe điện thoại của vợ reo inh ỏi. Chẳng thèm quan tâm nhưng nó kêu lâu quá, mà vợ anh thì vừa bước xuống lầu, anh đành cầm lên, giật mình nghe một giọng đàn ông lạ hoắc! Chẳng có gì nghiêm trọng cả, chỉ là cuộc gọi nhầm nhưng sau đó anh luôn nghi ngờ với câu hỏi to tổ chảng: “Sao lại có thể nhầm được nhỉ”.

Khó ai có thể cho ai một lời khuyên về những việc liên quan đến điện thoại. Vấn đề đặt ra là quy ước chung giữa hai người như thế nào, cứ thế mà thực hiện. Nếu biết không kìm được cái tính tò mò, mỗi người nên sử dụng điện thoại có hệ điều hành khác nhau vì khi nổi hứng kiểm tra cũng khó mà biết. Thế lại hay. Đã sống chung, ăn đời ở kiếp với nhau thì tin tưởng tuyệt đối về nhau vẫn là nền tảng căn bản. Vì tin tưởng nên có những vợ chồng thể hiện sự vô tư, điện thoại người này thì người kia cũng có quyền đụng đến. Bằng không, của ai người nấy sử dụng.

Vậy thì, phàm cái gì không phải của mình, mình chẳng thèm “đụng đến”. Vậy là xong!

LÊ MINH QUỐC

.
.
.