.
TRUYỀN THÔNG - GIÁO DỤC SỨC KHỎE:

Không chủ quan với bệnh thủy đậu (trái rạ)

Cập nhật: 18:27, 12/04/2018 (GMT+7)

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, năm 2017, số bệnh nhân mắc thủy đậu tăng cao. Đây là bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan rất nhanh. Vì vậy, nhận thức đúng về bệnh thủy đậu để chủ động phòng ngừa, giảm tỷ lệ mắc, giảm biến chứng của bệnh là rất quan trọng và cần thiết.

Thủy đậu (còn gọi là bỏng rạ, trái rạ) do virus Varicella zoster gây ra. Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp (nước bọt, dịch tiết khi ho, hắt hơi...) và qua tiếp xúc trực tiếp với dịch từ nốt đậu bị dập vỡ, do đó, khả năng lây truyền bệnh rất nhanh.

BIỂU HIỆN CỦA BỆNH

Tiêm ngừa thủy đậu cho trẻ tại Trung tâm Y tế TP.Vũng Tàu.  
Tiêm ngừa thủy đậu cho trẻ tại Trung tâm Y tế TP.Vũng Tàu.  

Triệu chứng thường gặp là sốt nhẹ trong 2-3 ngày, sau đó trên da xuất hiện các chấm đỏ, bắt đầu từ đầu, mặt, cổ rồi đến bụng, ngực, chân, gây cảm giác ngứa rát… Trên các chấm này hình thành nốt phồng lớn dần (đường kính 3-4 mm), sau đó khô đi và bong vảy.

Trước đây, bệnh thủy đậu thường chỉ hay gặp ở trẻ em. Tuy nhiên, thời gian gần đây, người lớn cũng bị mắc bệnh.

Bệnh thủy đậu thường diễn tiến lành tính, nhưng nếu không bảo đảm vệ sinh, nó rất dễ gây biến chứng bội nhiễm, ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như: Viêm màng não, viêm gan, viêm phổi… (nhưng hiếm gặp). Nếu người bệnh bị các biến chứng trên thì nguy cơ tử vong rất cao. Đặc biệt, phụ nữ mang thai bị mắc bệnh thủy đậu trong những tháng đầu của thai kỳ có thể gây dị dạng ở não bộ, da… của bào thai. Nếu nhiễm trùng, nốt thủy đậu sẽ để lại vết sẹo vĩnh viễn trên cơ thể.

CÁCH CHĂM SÓC BỆNH NHÂN THỦY ĐẬU

Bệnh thủy đậu có thể chữa khỏi hoàn toàn mà không để lại di chứng nếu phát hiện kịp thời và chữa trị đúng cách. Đối với bệnh nhân mắc bệnh này, cần phải được cách ly để điều trị tại các cơ sở y tế. Nhưng do chưa nhận thức đúng về bệnh thủy đậu nên hiện nay, một số trường hợp mắc bệnh không đến điều trị tại các cơ sở y tế mà chữa tại nhà bằng phương pháp dân gian, không bảo đảm vệ sinh nên dễ dẫn đến bội nhiễm. Không ít người mắc bệnh sau đó đã để lại di chứng là sẹo thâm trên mặt, ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Các vết thâm do thủy đậu thường phải sau hàng tháng mới hết hẳn. Các bà mẹ không nhất thiết phải bôi nghệ vì nhựa nghệ thậm chí còn làm vết thâm lâu nhạt màu hơn.

Khi có biểu hiện nghi ngờ thủy đậu, cần đưa trẻ đi khám để được chỉ định điều trị đúng. Trẻ mắc bệnh này cần được cắt móng tay, giữ tay sạch sẽ để tránh gãi xước da và vỡ nốt đậu; cố gắng giữ cho da luôn khô và sạch, đồng thời nên mặc các loại quần áo mềm mại để tránh cọ xát vào da. Những nốt thủy đậu khi bị vỡ không chỉ để lại sẹo xấu, mà còn làm lan nhanh mụn sang những vùng da khác. Bệnh nhân vẫn cần được tắm nhanh bằng nước ấm, không nên tin theo quan niệm dân gian là kiêng nước kiêng gió một cách triệt để khiến các nốt đậu bị nhiễm trùng. Với những nốt đậu dập vỡ, bị gãi xước, cần bôi Xanh Methylene, dung dịch có tác dụng diệt khuẩn, làm se các nốt, tránh bội nhiễm. Khi bị thủy đậu, người bệnh nên kiêng ăn các loại thực phẩm tanh (như hải sản), nên ăn các loại thức ăn lỏng, dễ tiêu nhưng vẫn phải bảo đảm đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể và tăng sức đề kháng.

PHÒNG BỆNH THỦY ĐẬU

Thủy đậu rất dễ lây và gây dịch. Virus lan truyền từ người bệnh sang người lành chủ yếu qua đường hô hấp và trực tiếp qua dịch nốt phỏng bị vỡ. Do đó, trẻ bị thủy đậu cần nghỉ học, cách ly 7-10 ngày.

Hiện nay, tại các cơ sở y tế đều triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu và tư vấn hướng dẫn phòng bệnh chu đáo. Để phòng tránh thủy đậu, cách tốt nhất là tiêm vắc xin. Người lớn cũng cần phải được tiêm phòng bệnh thủy đậu. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai không được tiêm và không nên thụ thai trong vòng 3 tháng sau tiêm.

 Bs. NGUYỄN VĂN LÊN

 

.
.
.