.

Hộp thư góp ý tại xã, phường đã "hoàn thành nhiệm vụ"?

Cập nhật: 18:28, 12/04/2018 (GMT+7)

Hộp thư góp ý tại các phường, xã là cầu nối, là nơi nhận đề nghị, kiến nghị bằng văn bản của công dân với cơ quan hành chính Nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay, trong bối cảnh phương tiện thông tin ngày càng phát triển và hiện đại, người dân không còn sử dụng hộp thư góp ý nữa.

Hộp thư góp ý đặt tại UBND phường 1 (TP.Vũng Tàu) luôn trống không.
Hộp thư góp ý đặt tại UBND phường 1 (TP.Vũng Tàu) luôn trống không.

Tại UBND xã Long Sơn (TP.Vũng Tàu), hộp thư góp ý (HTGY) được đặt ngay tại cửa ra vào, bất cứ người dân nào khi đến đây đều có thể nhìn thấy và dễ dàng đóng góp ý kiến bỏ vào hòm thư. Thế nhưng, dù ở vị trí thuận lợi và số lượng người dân đến giao dịch tại UBND xã khá nhiều, nhưng phóng viên ghi nhận, không có công dân nào sử dụng HTGY. Có lẽ do ít được sử dụng nên hòm thư cũng trở nên cũ kỹ và bụi bám đầy.

Ông Bùi Đức Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Long Sơn cho biết, UBND xã luôn thực hiện đúng quy định về HTGY tại cơ quan, như: Nơi đặt hộp thư, giao trách nhiệm cho người giữ chìa khoá, bảo quản hộp thư... Xã yêu cầu cán bộ quản lý hộp thư thường xuyên mở hộp thư để kiểm tra và ghi nhận những đóng góp của công dân và báo cáo lên lãnh đạo UBND xã để giải quyết. Thế nhưng, nhiều năm nay, lãnh đạo xã không nhận được ý kiến đóng góp của công dân thông qua hộp thư. Thay vào đó, khi có ý kiến gì, người dân thường bày tỏ trực tiếp với cán bộ phụ trách chuyên môn hoặc lãnh đạo xã.

Tương tự, tại UBND phường Nguyễn An Ninh (TP.Vũng Tàu), phóng viên cũng ghi nhận tình trạng HTGY bị lãng quên, trở thành vật dư thừa tại công sở. Ông Nguyễn Tấn Lực, Chủ tịch UBND phường Nguyễn An Ninh cũng thừa nhận, thực tế cho thấy, HTGY đã không còn phát huy hiệu quả. Nguyên nhân là do phương tiện thông tin ngày càng phát triển và hiện đại, người dân ngồi một chỗ vẫn có thể phản ánh tâm tư, nguyện vọng qua điện thoại, zalo, facebook hay e-mail tới cán bộ phường mà không cần phải tới trực tiếp. Ngoài ra, khi có bức xúc gì, công dân thường trực tiếp gặp lãnh đạo phường để phản ánh cho nhanh, chứ không qua HTGY như trước đây. Bên cạnh đó, công tác CCHC ngày càng được đẩy mạnh tại các địa phương, mức độ hài lòng của người dân đối với cán bộ công chức phường, xã ngày càng tăng nên nhu cầu đóng góp ý kiến cũng giảm xuống. Hiện nay, tại Bộ phận một cửa của phường đã tổ chức phát phiếu đánh giá thái độ phục vụ của cán bộ, công chức cho công dân. Qua đó, người dân có thể bày tỏ ý kiến một cách dễ dàng. Tín hiệu đáng mừng là mức độ hài lòng của người dân khá cao, gần 99%.

Ghi nhận tại một số địa phương trên địa bàn TP.Vũng Tàu như: UBND phường 1, phường 2, phường 4…, kết quả cũng cho thấy, HTGY không còn nhiều ý nghĩa. Đa số người dân đều không còn quan tâm tới HTGY. “Có băn khoăn, thắc mắc vấn đề gì thì chúng tôi gặp trực tiếp cán bộ hay lãnh đạo phường để trao đổi, chứ thời đại bây giờ chờ góp ý kiến qua hòm thư thì lâu lắm”, bà Nguyễn Minh Thúy (khu phố 2, phường Nguyễn An Ninh) chia sẻ.

Trước thực trạng HTGY đã trở nên lỗi thời và lạc hậu, vấn đề đặt ra là có còn cần thiết duy trì HTGY ở các cơ quan phường, xã? Theo ông Bùi Đức Bình, chi phí để trang bị một HTGY không nhiều, độ bền lại cao nên về mặt hình thức, việc duy trì HTGY là thể hiện được tính dân chủ, giúp người dân cảm thấy được lắng nghe, chia sẻ, dù họ không sử dụng hộp thư.

Còn theo ông Nguyễn Tấn Lực, việc duy trì HTGY là không cần thiết, vì không còn phát huy được hiệu quả. Trong khi đó, ở thời đại công nghệ 4.0 này, mọi việc có thể dùng phương tiện điện tử để giải quyết. “Bây giờ người dân có nhiều cách để chuyển tải thông tin mà không cần tới HTGY”, ông Lực nói.

Qua thăm dò của phóng viên, nhiều người dân cho rằng, việc duy trì HTGY hiện nay chỉ là hình thức. “Tôi nghĩ nên gỡ bỏ, vì hầu hết người dân khi đến UBND phường không còn quan tâm tới HTGY nữa”, ông Huỳnh Phúc Lâm (khu phố 3, phường 4) nói.

Bài, ảnh: TRÚC GIANG

.
.
.